Nam Đông là một huyện miền núi của tỉnh TT- Huế với chủ yếu là 2 dân tộc sinh sống là Kinh và Cơtu. Là địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, khí hậu khắc nghiệt, giá cả một số mặt hàng nông sản không ổn định làm cho hoạt động sản xuất của nhân dân gặp nhiều khó khăn. Trong những năm qua, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Nam Đông là một trong những công cụ chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến với hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế tại địa phương.
Nhiều mô hình kinh tế đã trở thành thế mạnh của địa phương có vay vốn từ NHSXH. Một trong các mô hình trên được Cục sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ) cấp giấy chứng nhận “Nhãn hiệu tập thể” là Cam Nam Đông. Theo đó, đề án “Đầu tư và Phát triển cây cam Nam Đông” đã được Huyện ủy và HĐND huyện phê duyệt với diện tích 130 ha, trong đó vùng Trồng cam tập trung là xã Hương Xuân với diện tích 80 ha. Để thực hiện theo đề án trên, hàng năm nguồn ngân sách địa phương chuyển sang phòng giao dịch NHCSXH huyện Nam Đông để ưu tiên cho vay (thực hiện theo Chỉ thị số 40 – CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội) đầu tư và chăm sóc cây cam. Đến nay, nguồn vốn để thực hiện đề án trên là 2.450 triệu đồng và hiện có 47 hộ đã vay để thực hiện mô hình trồng cam.
Với nguồn vốn vay từ NHCSXH, gia đình ông Trương Phước đầu tư trồng cam trên diện tích gần 02 ha, thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm. |
Đến thăm mô hình trồng cam của gia đình ông Trương Phước (xã Hương Xuân, huyện Nam Đông), ông Phước cho biết, năm 2016, gia đình ông được Phòng giao dịch NHCSXH huyện Nam Đông giải quyết cho vay 50 triệu đồng từ chương trình vay giải quyết việc làm. Với số tiền trên, ông Phước đã đầu tư trồng cam trên diện tích gần 02 ha. Qua 3 năm trồng và chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, diện tích cam phát triển nhanh, đồng đều, kháng bệnh tốt, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương. Hiện nay, mỗi năm lợi nhuận thu được khoảng 200 triệu đồng/01ha cam.
Không những hộ ông Phước mà nhiều hộ vay khác được vay vốn từ NHCSXH để đầu tư vào trồng cam đã cho nguồn thu nhập ổn định hàng năm, nhiều hộ gia đình giàu lên từ trồng cam.
Theo NHCSXH huyện Nam Đông, tổng dư nợ đến ngày 31/05/2020 đạt gần 190.415 triệu đồng, so với năm 2019, tăng 4.743,6 triệu đồng. Số hộ còn dư nợ 4.479 hộ. Tỷ lệ nợ quá hạn 0,021%. Doanh số cho vay 06 tháng đầu năm 2020 là 36.919 triệu đồng, với 927 hộ được vay vốn. Việc đôn đốc thu hồi nợ đến hạn luôn được quan tâm và theo dõi thường xuyên, tỷ lệ thu nợ kỳ cuối hàng tháng luôn đạt tỷ lệ trên 95% nợ phải thu. Hiện, đơn vị đang thực hiện 14 chương trình vay vốn.
Ông Hoàng Minh Tứ, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Nam Đông, cho biết, trong thời gian vừa qua, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn trên cơ sở nguồn vốn cấp trên phân bổ, NHCSXH đã tham mưu, phân bổ nguồn vốn về cho các xã, thị trấn thực hiện cho vay trên cơ sở bình xét công khai, dân chủ tại các tổ TK&VV. Nhờ các nguồn vốn ưu đãi này, nhiều hộ dân thuộc các đối tượng chính sách đã được vay vốn để sản xuất vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt hộ nghèo và các đối tượng chính sách có vốn đã phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, nhiều hộ thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu, làm cho bộ mặt nông thôn ngày một đổi mới.
Trong thời gian tới NHCSXH huyện Nam Đông tiếp tục cùng cấp ủy, chính quyền tại địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền tín dụng chính sách xã hội đến với người dân để thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.