Bangladesh là quốc gia có cộng đồng người Hồi giáo đông thứ ba thế giới. Gần 90% trong số 168 triệu dân của nước này là người Hồi giáo. Luật pháp nước này vào năm 1961 quy định, cô dâu khi kết hôn bắt buộc phải khai rõ mình có phải là một trinh nữ (kumari), góa phụ hay đã từng ly hôn trong giấy chứng nhận kết hôn.
Kể từ đó, luật lệ này luôn bị các tổ chức đấu tranh cho quyền lợi phụ nữ lên án chỉ trích dữ dội rằng, “xúc phạm, sỉ nhục và phân biệt đối xử”, vi phạm quyền riêng tư của phụ nữ. Vào năm 2014, các nhóm nhân quyền bắt đầu đệ đơn lên tòa án, yêu cầu thay đổi điều khoản này trong Luật Hôn nhân và Ly hôn của người Hồi giáo Bangladesh 1974.
Giờ đây theo luật mới, Tòa án Tối cao Bangladesh ra lệnh cho chính phủ phải thay thế từ “trinh nữ” bằng từ “chưa kết hôn”. Phán quyết cũng yêu cầu chính quyền đưa ra các lựa chọn “chưa kết hôn”, “góa vợ” và “ly hôn” cho chú rể. Phán quyết đầy đủ hơn sẽ được công bố vào tháng 10 và thay đổi trên giấy tờ kết hôn cũng sẽ có hiệu lực vào cùng thời điểm.
Ngay sau khi nghe tin vui này, Luật sư Ainun Nahar Siddiqua, người làm việc tại tổ chức Trợ giúp Pháp lý và Dịch vụ Pháp lý (BLAST) của Bangladesh chia sẻ, “Đây là quyết định mang tính bước ngoặt, bởi vì hỏi một người có là một trinh nữ hay không là xâm phạm quyền riêng tư. Có thể nói, phán quyết này khiến chúng tôi tin rằng chúng tôi có thể phấn đấu để tạo ra nhiều thay đổi hơn cho phụ nữ trong tương lai”.
Mohammad Ali Akbar Sarker, một cán bộ phụ trách đăng ký kết hôn cho người Hồi giáo ở thủ đô Dhaka, cho biết những người như mình đang chờ Bộ Luật pháp và Tư pháp thông báo về thay đổi trong mẫu đơn. “Tôi đã làm thủ tục cho nhiều cuộc hôn nhân ở Dhaka và thường nhận được câu hỏi tại sao đàn ông có quyền tự do không tiết lộ tình trạng cá nhân của mình nhưng phụ nữ thì không. Tôi luôn trả lời đây là vấn đề không thuộc quyền hạn do tôi quyết định. Thật vui khi từ giờ tôi sẽ không phải trả lời những câu hỏi như thế nữa”, Sarker nói.