Chính sách thiết thực, ý nghĩa
Yên Bái là tỉnh miền núi với 30 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm tới 56,24% dân số. Đời sống người dân tộc thiểu số còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa. Người dân còn nhiều hủ tục lạc hậu như sinh con tại nhà, chăm sóc trẻ thiếu khoa học, thiếu trang thiết bị, dụng cụ cho chăm sóc bà mẹ, trẻ sơ sinh…
|
Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Yên Bái còn cao so với cả nước. Nguồn nhân lực thực hiện công tác dinh dưỡng tại các cơ sở y tế đang thiếu. Đội ngũ cộng tác viên dinh dưỡng thường xuyên thay đổi, trình độ chuyên môn hạn chế, nhiều cộng tác viên chưa thông thạo tiếng phổ thông hoặc tiếng địa phương.
Từ thực tiễn này, thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã tập trung triển khai thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 về chăm sóc sức khoẻ nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em.
Về chính sách chăm sóc sức khoẻ nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em bao gồm: Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời cho bà mẹ - trẻ nhỏ lồng ghép trong chăm sóc trước, trong và sau sinh nhằm nâng cao tầm vóc, thể lực người dân tộc thiểu số; chăm sóc sức khoẻ, giảm tử vong bà mẹ, trẻ em; tuyên truyền vận động, truyền thông thay đổi hành vi về chăm sóc sức khoẻ, dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em; Hỗ trợ phụ cấp cho cô đỡ thôn bản…
Bác sỹ Lê Thị Hồng Vân - Giám đốc Sở Y tế Yên Bái cho biết, trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, việc thực hiện một trong những chính sách rất thiết thực, ý nghĩa. Hiện Yên Bái là điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Điển hình, nổi bật nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số đến khám thai ngày càng nhiều tại cơ sở y tế công lập.
|
Cũng theo bà Vân, để triển khai dự án 7 hiệu quả, ngành y tế xác định y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng. Đồng thời, đội ngũ công chức, viên chức làm công tác dân số từ tỉnh đến cơ sở cùng đội ngũ cộng tác viên dân số thôn, bản được kiện toàn, nhanh chóng đi vào hoạt động ổn định. Đây cũng chính là những cánh tay nối dài của ngành truyền tải các thông tin, các chính sách cũng như vận động người dân thực hiện chính sách dân số.
Đến nay, thực hiện dự án 7, tỉnh Yên Bái đã tổ chức 15 lớp tập huấn nâng cao cho gần 300 người thuộc ban chỉ đạo công tác dân số xã, nhân viên y tế thôn bản, cộng tác viên dân số. Đây là một trong những hoạt động nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ, hướng đến hoàn thành các nhiệm vụ cơ sở.
Ngành y tế Yên Bái cũng rà soát, tổng hợp đăng ký nhu cầu đào tạo bác sĩ chuyên khoa I từ các địa phương; hỗ trợ phụ cấp, đỡ đẻ tại nhà cho 40 cô đỡ thôn bản từ tháng 8/2022 đến tháng 6/2023.
Cùng với đó, ngành tổ chức được 54 lớp tập huấn cung cấp kiến thức và kĩ năng truyền thông, hướng dẫn triển khai về chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời và quản lý suy dinh dưỡng cấp tính cho 1.229 cán cán bộ y tế tuyến huyện, xã và đội ngũ y tế thôn bản; cung cấp 3.712 sổ theo dõi sức khoẻ bà mẹ và trẻ em cho tuyến cơ sở; cung cấp 1.600 gói đẻ sạch cho tuyến cơ sở ưu tiên các xã có đẻ tại nhà.
Đồng bộ giải pháp nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân tộc thiểu số
Ngành cũng đã hỗ trợ cho các cán bộ y tế 98 điểm tiêm ngoài trạm thuộc các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, Trấn Yên, Lục Yên, Yên Bình từ tháng 1 đến hết tháng 6/2023; tổ chức 12 lớp tập huấn công tác chăm sóc sức khoẻ, dinh dưỡng bà mẹ và trẻ em cho 316 nhân viên y tế thôn, bản. Nội dung tập huấn tập trung vào nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ ở các vùng khó khăn.
|
Ngành y tế cũng duy trì hoạt động sàng lọc trước sinh (siêu âm thai) cho 249 bà mẹ, ước đạt 12%; lấy máu gót chân cho 161 trẻ sơ sinh, ước đạt 8% tổng số trẻ sinh; tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho trên 6.597 người cao tuổi tại 63 chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi tại các xã triển khai dự án…
Với kiến thức, kỹ năng được đào tạo và thực hành tại các bệnh viện, lớp tập huấn, cán bộ y tế tuyến huyện, xã và đội ngũ y tế thôn bản, đặc biệt là các cô đỡ thôn bản có thể chăm sóc bà mẹ khi có thai và sinh con, đỡ đẻ an toàn, phát hiện các tai biến ở bà mẹ và trẻ sơ sinh, thực hiện các kỹ năng cứu sống cơ bản và chuyển tuyến kịp thời.
“Chúng tôi thực sự ghi nhận những công lao to lớn của đội ngũ y tế, các cô đỡ thôn bản, đã ngày đêm không quản nắng mưa, "vác tù và hàng tổng", đi từng ngõ, gặp từng nhà, tuyên truyền vận động, tư vấn, can thiệp, hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ dân tộc thiểu số trong quá trình mang thai, sinh nở, chăm sóc trẻ em. Công sức của đội ngũ cô đỡ thôn bản đã giúp các thai phụ tiếp cận, sử dụng các dịch vụ y tế, hạn chế tai biến không đáng có, giảm đáng kể tỷ lệ tử vong mẹ, trẻ em", bác sỹ Hoài nhấn mạnh.
Thực hiện trong Chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 tỉnh Yên Bái đã có nhiều giải pháp phát triển mạng lưới y tế cơ sở ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Chẳng hạn như tăng cường đào tạo nhân viên y tế thôn bản và cô đỡ thôn bản cho các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. Yêu cầu các cơ sở y tế huyện, y tế xã, y tế thôn bản phải tích cực tham gia các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân để bảo vệ và nâng cao sức khỏe, các hoạt động về y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Chú trọng đào tạo bác sỹ cho y tế xã. Xây dựng và ban hành mức giá, cơ chế thanh toán bảo hiểm y tế đối với thăm khám, đỡ đẻ tại nhà, cung cấp gói đẻ sạch trong một số trường hợp đặc biệt ở miền núi, vùng sâu, vùng xa; tổ chức các đợt khám bệnh, chữa bệnh lưu động của trạm y tế xã, trung tâm y tế huyện, bệnh viện huyện tại thôn, bản theo định kỳ...
Những giải pháp này của Yên Bái cho thấy, vấn đề chăm sóc sức khoẻ thai sản cho phụ nữ dân tộc thiểu số luôn được quan tâm thúc đẩy cao hơn nữa, bởi tỷ lệ phụ nữ có thai khám thai đầy đủ có liên quan trực tiếp đến tỷ suất tử vong của trẻ dưới 1 tuổi và các tai biến sản khoa của bà mẹ mang thai, hay nói cách khác là liên quan đến quyền sống của bà mẹ và trẻ em - một trong những quyền cơ bản của con người.
Thời gian tới, ngành y tế Yên Bái cùng chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể có liên quan sẽ tiếp tục triển khai nhiều chương trình, đưa ra nhiều giải pháp can thiệp về chăm sóc sức khỏe nói chung, sức khỏe bà mẹ, trẻ em dân tộc thiểu số nói riêng, để tiếp tục tạo chuyển biến tích cực, giảm chênh lệch, về tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em giữa các địa phương và các nhóm dân tộc khác nhau…