Tinh túy trầm hương

(PLVN) - Được biết đến như một sản vật quý hiếm, trầm hương đại diện cho tinh hoa văn hóa cao quý của đất nước Việt Nam, chinh phục được nhiều trái tim của bạn bè quốc tế. Cũng từ trầm hương, không gian văn hóa thiền định tạo ra một lối sống, phong cách sống an yên, chú trọng tu tâm, dưỡng tính con người.
Nhang trầm hương giúp con người trở nên tĩnh tại khi thiền.

Từ không gian thiền trầm…

Thiền trầm được ví như “một không gian thư thái, lắng dịu, được tạo nên bởi sự mộc mạc của sen, bởi âm đàn tranh sâu lắng và hương thơm tao nhã, linh thiêng của trầm”. Thiền định luôn cần có không gian thanh tao, nhẹ nhàng, giúp con người có thể tập trung hoàn toàn vào một chủ thể nhất định để tạo nên sự tĩnh tại trong tâm hồn.

Có thể nói, hương thơm của trầm hương giúp tẩy sạch những ô uế, bẩn tục của không gian xung quanh, giúp thức tỉnh người thiền và tạo ra sự thư thái, tĩnh lặng trong tâm hồn. Bên cạnh đó, hương thơm của trầm cũng giúp gạt bỏ những ý nghĩ về bộn bề cuộc sống, giảm bớt những căng thẳng, lo toan của con người và đưa họ vào trạng thái tốt nhất trong không gian thiền định.

Trong văn hóa tâm linh của Phật giáo, trầm hương được suy tôn như là “mùi hương của niết bàn”, đặc biệt là hương kỳ nam – loại hương “đắt đỏ” bậc nhất và thường chỉ dùng trong những nghi thức quan trọng của Phật giáo. Phật giáo Tây Tạng sử dụng trầm hương trong khi thiền để tạo được sự tĩnh tại, tăng cường sự tập trung và tạo nên sự yên tĩnh, thanh tịnh, khởi động sự nhạy bén của giác quan và mở ra thế giới quan riêng của mỗi người.

Trên vỏ cây của Srimanta Sankardev (nhà thông thái và tôn giáo quan trọng của Ấn Độ vào thế kỷ 15 – 16) đã khẳng định trầm hương là một trong những mùi hương góp phần đáp ứng (hiện thực hóa) mong muốn của con người khi đảnh lễ và cầu nguyện. Bởi vậy, thiền trầm vốn từ lâu đã dược xem là không gian văn hóa tâm linh rất đặc biệt, giúp con người chạm đến những cảnh giới linh thiêng khi ngồi thiền. 

Một điều đặc biệt nữa, đốt hương trầm khi ngồi thiền giúp mang lại những tác dụng đối với sức khỏe và cơ thể con người. Theo các tài liệu cổ, từ thời Trần, người Việt đã biết sử dụng các loại hương mộc quý giá trong lúc thiền để thưởng hương, tịnh hóa pháp đàn trong các nghi thức tâm linh, hoặc trong tu tập thiền định.

Các loại hương dược với mùi thơm đặc biệt này giúp tịnh tâm, ích phế (phổi), kiện tỳ,… Ngày nay, khi kết hợp hương trầm với các loại hương mộc quý giá khác, cùng với những bài học lưu truyền trong dân gian và các ghi chép cổ, các nhà nghiên cứu hương trầm đã tạo ra được mùi hương rất đặc biệt, tạo ra loại thuốc xông giúp cân bằng chính khí, ích phế, bổ tỳ.

Nhưng cũng chính vì sự đắt đỏ và quý giá đó, trong các ghi chép này cũng được ghi rằng, trầm hương chỉ được dùng cho tầng lớp quý tộc, vua chúa thời xưa và thường chỉ được lưu hành trong cung, phủ. Những giá trị hương đạo từ thời Trần, ngày nay đã được phát triển thành không gian văn hóa thiền định với giá trị tâm linh cũng như việc giúp người thiền tu tâm, dưỡng tính, giải thoát suy nghĩ và hướng đến những điều tích cực hơn.

Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, hương trầm trong lúc thiền không chỉ giúp con người đạt được sự tĩnh tại mà còn có nhiều công dụng với việc rèn luyện thân thể. Đối với phụ nữ, thiền trầm giúp họ có được cơ thể khỏe mạnh, dẻo dai, giúp đẹp da và hỗ trợ tốt cho việc giảm cân. Hơn nữa, thiền trầm còn giúp phụ nữ luôn tươi trẻ, sảng khoái, trí tuệ minh mẫn và thông tuệ mọi điều trong cuộc sống.

Với nhiều người, thiền trầm không phải là một sự trốn chạy thực tế mà là một phương pháp thực hành giúp nâng cao sức khỏe tinh thần và thể chất, mà bất kì ai đều có thể lĩnh hội và thích ứng. Hiện nay, thiền Việt đã trở thành phương pháp thiền được đón nhận đông đảo và đi vào cuộc sống đương đại như pháp thiền của người Việt.

Ngày nay, thiền trầm hương được kế tục và phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là tại những không gian tâm linh. Dưới chân núi Yên Tử (Quảng Ninh), khu nghỉ dưỡng Legacy Yên Tử được thiết kế như một cung điện cổ bởi kiến trúc sư nổi tiếng người Mỹ Bill Bensley lấy cảm hứng từ vườn tháp Huệ Quang thế kỷ XIII thời Trần, các công trình được xây dựng trong tổ hợp Trung tâm văn hóa Trúc Lâm Yên Tử hài hòa với cảnh quan thiên nhiên và không gian văn hóa Phật giáo.

Đặc biệt, trong không gian này, người du lịch có thể trải nghiệm thiền trầm dưới sự hướng dẫn của chuyên gia thiền định. Đây là một trong những điểm nhấn vô cùng ấn tượng đối với mọi người lần đầu đến đây. Trong không gian tâm linh yên tĩnh và khói hương trầm lan tỏa, con người thực sự đã có được những phút giây tĩnh tâm hiếm hoi và vô cùng quý giá.

 Trao tặng chiếc quạt Trầm Hương cho bà Vaira Vike-Freiberga, Chủ tịch Club de Madrid và ông ông Nguyễn Anh Tuấn (phải), Giám đốc Diễn đàn Toàn cầu Boston.

… đến hành trình chinh phục thế giới

Không phải tự nhiên mà trầm hương được xem là thứ hương dược quý giá bậc nhất trong văn hóa tâm linh Phật giáo hay trong việc cúng dường tổ tiên, ông bà. Nguyễn Du nhiều lần có chủ ý nhắc đến trầm hương trong Kiều vào những thời khắc vô cùng đặc biệt.

Giữa tiết trời xuân, chuyện nàng Kiều giữa làn khói thơm của trầm – hai trong những hiện thân cao quý nhất của văn hoá Việt Nam – đã tạo ra những rung cảm với tinh hoa của đất nước vẫn luôn trường tồn qua thăng trầm của lịch sử, tiếp tục chinh phục trái tim và khối óc của bạn bè thế giới. Nguyễn Du luôn dành những giây phút đặc biệt nhất để nhắc đến thứ trầm hương tinh túy: 

“Liền tay ngắm nghía biếng nằm,

Hãy còn thoang thoảng hương trầm chưa phai”

Trầm hương ngày nay vẫn được tôn vinh là đại diện cho khát khao, sức mạnh và tâm hồn người Việt Nam. Trầm hương xưa nay luôn hiện diện ở nơi cao quý, tôn nghiêm, từ cung son điện ngọc đến những chốn linh thiêng, là sứ giả kết nối con người với thế giới của những vị thần.

Nơi nào có trầm hương, nơi đó có sự tập trung của tinh thần, sự tinh tấn của trí tuệ, sự kết nối giữa nhiều thế hệ để hướng đến những điều tốt đẹp. Dâng trầm bởi thế trở thành nghi thức thiêng liêng, khi con người nguyện soi lòng mình trước ánh sáng của những vị thần, để thấu tỏ hết phải – trái, đúng – sai, để trao truyền những ý thiện điều lành.

Được mệnh danh là “phù thủy marketing” của các tập đoàn đa quốc gia, John Quelch cũng có đánh giá xác đáng về tiềm năng của trầm hương trên con đường đưa giá trị Việt Nam đến với thế giới. Ông khẳng định: “Trầm hương và những giá trị mà nó mang lại sẽ là điều duy nhất chỉ có ở Việt Nam, chứ không có ở bất cứ đâu trên thế giới”.

Trầm hương Việt đã có những bước tiến mạnh mẽ, tự tin vươn mình ra thế giới và tạo nên những dấu ấn riêng trên trường quốc tế. “Hương trầm Hoàng Trầm” là một trong những thương hiệu trầm hương nổi tiếng bậc nhất đất Khánh Hòa với các sản phẩm đã phủ sóng tất cả các tỉnh, thành trong nước và  vươn ra thế giới.

Nhà sáng lập và chủ sở hữu thương hiệu Phạm Tuấn Anh chia sẻ rằng rất nhiều khách du lịch khi đến với Việt Nam, được thưởng thức không gian trầm hương tại các showroom của Công ty Sư tử Vàng (tại khu bảo tồn văn hóa trầm hương Hoàng Trầm - tỉnh lộ 2, xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) ấn tượng mạnh đối với mảnh đất, con người Việt Nam và quay trở lại nơi đây để tiếp tục tìm hiểu về trầm hương. Đó là món quà rất ý nghĩa, không chỉ đối với trầm hương Việt Nam, mà còn có ý nghĩa rất lớn đối với hành trình đưa trầm hương ra thế giới.

Cũng với định hướng đó, ông Nguyễn Văn Tưởng (Chủ tịch Công ty Trầm Hương Khánh Hoà ATC) khi tham dự diễn đàn Liên minh Lãnh đạo Thế giới, đã có bài phát biểu nhiều cảm xúc về Việt Nam và những giá trị của đất nước, con người Việt Nam gắn liền với hình ảnh trầm hương Khánh Hòa. Ông cho biết: “Trầm hương Khánh Hòa gắn liền với truyền thuyết của người Chăm Pa ở mảnh đất miền Trung nắng gió: Trong ánh hào quang của Nữ thần Ponagar - Thiên Y A Na Thánh Mẫu uy nghiêm với núi non trời biển luôn có mùi hương thanh khiết của trầm.

Hương trầm là sứ giả đại diện cho những vị thần, là ngôn ngữ chung giữa nhiều nền văn hoá. Dù ở đâu, hương trầm cũng là lời nguyện cầu thành kính của con người với tổ tiên, trời đất và thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” mà người Việt luôn coi trọng. Dâng thanh nhang trầm cầu cho bách gia an lành, dân tộc thịnh vượng đã trở thành nét đẹp văn hóa đi cùng người Việt qua hàng nghìn năm. Nét đẹp văn hoá được hun đúc từ trầm đã nuôi dưỡng nhiều thế hệ người Việt Nam kiên cường trước thách thức, chăm chỉ trong lao động, sáng tạo trong nghiên cứu và biết yêu những điều tốt đẹp”.

Trầm hương Việt như một sự tinh túy đáng giá trong văn hóa người Việt, đã sẵn sàng vươn ra thế giới, mang những giá trị tốt đẹp nhất, tinh hoa nhất của hồn Việt lan tỏa khắp năm châu. Cũng như trầm hương, chúng ta cũng mang trong mình tâm thế mới, nguồn năng lượng mới để tiến nhanh, tiến mạnh trên hành trình chinh phục trái tim cộng đồng bạn bè quốc tế, khẳng định giá trị và hình ảnh đất nước qua hương trầm. Và những dấu ấn mạnh mẽ khó phai, như lời khẳng định của PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: “Trầm hương và văn hóa thiền trầm sẽ là một ngành kinh tế, là động lực mang lại sự khác biệt cho mảnh đất này”. 

Đọc thêm