Trên những hành trình
Hoàng Điệp và Ngọc Trâm (cùng sinh năm 1992) vừa tổ chức lễ cưới tại Hòa Vang, Đà Nẵng vào đầu tháng 11 vừa qua. Đám cưới được coi là “cái kết đẹp” sau suốt bốn năm qua trên hàng chục hành trình rong ruổi khắp Việt Nam của đôi bạn trẻ.
“4/11/2017 - Ngày đầu tiên chúng mình gặp nhau.
4/11/2021 - Ngày chúng mình về chung một nhà.
Chúng mình chưa từng nghĩ bốn năm đã trôi qua nhanh như vậy cho đến khi cùng nhau sánh bước vào lễ đường. Hai đứa chẳng có gì khác cả, vẫn sẽ là hai kẻ thích tự do và luôn tập sống biết ơn mỗi ngày”.
Đó là những dòng sẻ chia của đôi bạn trẻ về hôn lễ, giản dị mà khái quát cả một chặng đường họ đã đi qua.
Năm 2017, khi Hoàng Điệp chia sẻ một bài viết về du lịch Đà Lạt lên mạng xã hội, Ngọc Trâm đã bình luận để hỏi thăm. Mối nhân duyên bắt đầu sau chuyến đi cùng nhau lên Đà Lạt ngắm hoa dã quỳ nở. Sau một năm hẹn hò, Trâm đã rời TP.HCM về quê nhà Đà Nẵng làm việc, mở một tiệm thiết kế và may váy cưới, còn Điệp là nhiếp ảnh gia tự do.
Cũng từ đây, họ bắt đầu cuộc hành trình khám phá những vùng đất mới, cùng nhau. Họ đã đi qua hầu hết tỉnh thành Tây Bắc, Đông Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và có cả những chuyến đi xuyên Lào.
Những chuyến đi du lịch mang lại cho chúng mình kỷ niệm và sự gắn kết. Trong hành trình ấy, họ cùng đối thoại, sẻ chia và cùng nhau giải quyết những vấn đề xảy ra. Theo Hoàng Điệp, đó là những điều rất cần thiết cho mối quan hệ lâu dài.
Thời gian qua, khi dịch bệnh bùng phát, không tiếp tục được những chuyến đi xa, thì cả hai lại có thời gian hơn để ở bên nhau, bên gia đình hai bên, để hoạch định nhiều thứ cho tương lai.
Đám cưới của họ được nhiều bạn trẻ Đà Nẵng chúc phúc, bày tỏ sự ngưỡng mộ bởi một tình yêu bốn năm với nhiều cuộc “phiêu lưu” thú vị, sống hết mình cho tuổi trẻ.
Nhưng không chỉ người trẻ mới thích “phiêu lưu”. Có cả một đôi vợ chồng già, cũng nổi tiếng trong cộng đồng “phượt” bởi hành trình 10 năm cùng nhau du lịch khắp chốn bằng “ngựa sắt”.
Mười năm qua, trên chiếc xe máy 30 tuổi vợ chồng ông Mong Phước Minh, cựu giảng viên đại học Cần Thơ và bà Nguyễn Thị Ngọc Cúc đã chở nhau đi khắp mọi miền đất nước, sang cả Lào, Campuchia, Myanmar...
Cưới nhau nhiều năm, đến năm 2011, hai vợ chồng mới thực hiện cuộc “phiêu lưu” đầu tiên sau bao gánh nặng cơm áo. Năm ấy, ông cùng nhóm bạn nhiếp ảnh bàn nhau tổ chức một chuyến phượt sang Lào và Campuchia bằng xe máy nhưng, đến phút chót mọi người đều bỏ cuộc. Lúc ấy, bà Cúc bất ngờ đề nghị đi cùng chồng.
Họ đã thử sức bằng một vài chuyến đi ngắn ngày, để rồi vài tháng sau, họ chính thức lên đường bằng chiếc xe máy Deahan mua từ năm 1990. Vật dụng kèm theo là quần áo, thuốc men và những vật dụng sửa xe. Họ đã cùng nhau vượt qua cửa khẩu Bờ Y, Kon Tum để sang Lào, xuyên đoạn đường hơn 120 km từ biên giới đến trung tâm tỉnh Attapeu, băng qua rừng già, núi cao...
Tiếp sau đó là chuyến phượt xe máy sang Campuchia, Thái Lan và Myanmar. Với đề nghị du lịch “sáng tạo” hơn của bà, ông mua hai chiếc xe đạp gấp mang theo, di chuyển đến thủ đô các nước thì dùng xe đạp tham quan.
Rồi đến 2015, họ khởi hành có chuyến xuyên Việt bằng xe máy. Chồng lái xe, vợ ngồi sau xem Google map và chỉ đường. Có cả những khi cãi nhau vì đi lạc mãi chẳng tới nơi.
Trên những chặng hành trình cùng nhau, họ đã từng đặt chân đến cực Bắc của Tổ quốc, cũng trên chiếc xe máy cũ ấy. Rồi, muốn thay đổi trải nghiệm, cặp vợ chồng già đi tàu hỏa và xe buýt xuyên nước Mỹ, từ bang Georgia đến California dẫu tiếng Anh bập bõm.
Mới đây, họ lại sắm một chiếc ô tô 7 chỗ cũ, gắn thêm giường sắt vào băng sau xe để chuẩn bị cho hành trình 4.000 km từ Long Xuyên lên Sài Gòn, Đà Lạt, Kon Tum, sang Lào, Campuchia rồi về lại An Giang nhằm kỉ niệm 9 năm chuyến đi phượt đầu tiên của họ.
|
Vợ chồng ông Mong Phước Minh trên một chuyến phượt xe máy. |
Ở tuổi xấp xỉ 75, đôi vợ chồng già “chịu chơi” ấy khiến biết bao người trẻ ngưỡng mộ, cảm phục, được truyền cảm hứng. Hành trình phiêu lưu và yêu thương của họ minh chứng cho một điều: Không bao giờ là quá trễ để thực hiện ước mơ”!
Những khoảnh khắc đáng nhớ
Năm qua là một năm nhiều biến cố, gian nan cho rất nhiều người Việt. Trong đó, có những cặp đôi yêu nhau, định ngày cưới mà mãi hôn lễ chẳng được cử hành.
Và nhiều người trong số họ đã quyết định tổ chức “lễ cưới online” giữa những ngày tháng tâm dịch, thể hiện quyết tâm “về chung một nhà”, không ngại sự cản ngăn của dịch bệnh.
Những đám cưới online ấy diễn ra bằng nhiều phương thức khác nhau như gọi điện thoại, livestream trực tiếp với người thân qua ứng dụng Zoom…
Như đám cưới của anh Phát Tài (chú rể) và chị Nhã Uyên (cô dâu). Do khu vực đang ở bị phong tỏa, lại không muốn lùi lịch cưới nên họ quyết định tổ chức lễ cưới theo ngày đã định theo phương thức gọi video nhóm qua Zalo.
Trong ngày cưới online ấy, ba đầu cầu là Huế – TP.HCM – Đồng Nai, những người dự lễ cưới dần xuất hiện trên màn hình nhóm chát video call. Hình ảnh bố mẹ cô dâu, chú rể đang trực tiếp đặt sính lễ, mâm quả lên trước bàn thờ gia tiên khiến ai cũng xúc động nghẹn ngào. Hai bên gia đình đã cùng gửi những lời nhắn nhủ, chúc vợ chồng sống hòa thuận, hạnh phúc, bên nhau trọn đời.
Hay như đám cưới online của chị Phan Thị Kiều và anh Phan Văn Lịch, quê Nghệ An diễn ra ở các “đầu cầu”, trong đó, điểm cưới chính là hội trường công ty nơi họ đang công tác.
Trước đó, khi mọi người trong công ty tình cờ biết ý định tổ chức lễ cưới online của Lịch và Kiều, các đồng nghiệp đã bàn bạc với nhau cùng tổ chức hôn lễ cho đôi trẻ. Được sự đồng ý của lãnh đạo công ty, khâu chuẩn bị lập tức được cả công ty khởi động. Toàn bộ việc trang trí hội trường, phòng tân hôn, quà, bánh đều do các đồng nghiệp tranh thủ giờ nghỉ thực hiện.
Ở quê, cả hai nhà khác xã, vẫn tiến hành lễ đón dâu như thường, cũng đãi họ hàng vài mâm tiệc, chỉ là... vắng cô dâu chú rể. Sau đó, tất cả cùng có mặt trên mạng để chứng kiến giây phút cưới thiêng liêng. Khi đôi trẻ trao nhẫn cưới, nhận lời chúc phúc từ họ hàng, đồng nghiệp, qua màn hình máy tính, người mẹ cô dâu đã bật khóc. Nước mắt cũng rơi trên gương mặt cô dâu.
Trong những ngày tháng giãn cách ấy, có rất nhiều đám cưới được diễn ra trên mạng như thế. Có cả đám cưới, cô dâu chú rể là nhân viên y tế,trực chiến ở hai khu vực xa xôi, và lễ cưới được tổ chức online, cô dâu chú rể nhìn nhau qua màn hình, tràn đầy yêu thương, nước mắt...
Dẫu cho không được làm một lễ cưới trọn vẹn, trực tiếp, nhưng, những lễ cưới “đặc biệt” ấy đã ghi lại dấu ấn của một thời điểm khó quên, sẽ là kỉ niệm đẹp theo những đôi vợ chồng ấy suốt đời, để họ hiểu, thương và trân trọng nhau hơn.
Một khoảnh khắc được coi là “ấn tượng” trong thời điểm cuối năm 2021, phải kể đến bộ ảnh cưới độc đáo được chụp trong ngày tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông chính thức vận hành 6/11.
Bộ ảnh cưới của cặp đôi trẻ tuổi chụp trên tàu trong ngày đầu tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông được chụp trong khoảng 30 phút trong ngày tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông chính thức vận hành, với nhịp độ rất khẩn trương, từ người chụp cho đến cô dâu chú rể để không gây ảnh hưởng đến các hành khách khác.
Theo đôi bạn trẻ, ban đầu học định chụp ảnh cưới ở Hồ Gươm hoặc cầu Long Biên. Nhưng khi biết hôm chụp ảnh cưới đúng là ngày tuyến đường sắt chính thức vận hành nên cả đôi vợ chồng trẻ lẫn nhiếp ảnh gia quyết định đưa ra ý tưởng chụp trên tàu. Cả ekip phải đeo khẩu trang và chụp rất nhanh. Trong khi thực hiện bộ ảnh cưới, họ nhận được nhiều ánh mắt tò mò lẫn bao lời chúc phúc nhiệt tình từ hành khách trên tàu.
Với đôi trẻ ấy, niềm vui của tình yêu đơm hoa kết quả, cùng với niềm háo hức của hành khách trong ngày tàu chạy đã khiến bộ ảnh trở nên rất đặc biệt, mang theo nhiều cảm xúc đáng nhớ.
Giữa một năm nhiều mất mát, bất an và lo lắng, những mối tình đẹp với nhiều cung bậc yêu thương, những khoảnh khắc hạnh phúc ấy đã khiến lòng người như ấm lại.