Tọa đàm thực hành nghề Luật sư trong bối cảnh hội nhập quốc tế

(PLVN) -Buổi Tọa đàm với sự tham gia của các chuyên gia, Luật sư xoay quanh những thách thức, cơ hội của Luật sư trong bối cảnh hội nhập quốc tế và chia sẻ kinh nghiệm thành công cho Luật sư trẻ.

Tọa đàm Thực hành nghề Luật sư trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 do Trung tâm liên kết đào tạo luật sư thương mại quốc tế, Học viện Tư pháp tổ chức, diễn ra vào ngày 31/10 thông qua hình thức trực tuyến.

Tham dự Tọa đàm có bà Nguyễn Thị Minh Huệ, Giám đốc Trung tâm Liên kết đào tạo Luật sư Thương mại quốc tế; Luật sư Trương Nhật Quang, Luật sư điều hành Công ty luật YKVN; bà Nguyễn Kim Loan, Giám đốc khối Pháp chế và Tuân thủ, Công ty bảo hiểm Manulife Việt Nam; Luật sư Yuho Kim, CEO LAW2B (Hàn Quốc); bà Mai Phan Zymaris, cộng sự cấp cao của Morrison & Foerster (Hoa Kỳ).

Bà Nguyễn Thị Minh Huệ, Giám đốc Trung tâm Liên kết đào tạo Luật sư Thương mại quốc tế cho biết, nếu như trước đây, việc thực hành nghề luật sư đa phần chịu sự tác động chủ yếu của bối cảnh kinh tế, chính trị xã hội của từng quốc gia thì đến nay sự tác động lớn đến từ bối cảnh quốc tế và đặc biệt là Cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó phải kể đến sự cạnh tranh ngày càng lớn và yêu cầu ngày càng cao và đa dạng về kiến thức, kỹ năng và ý thức về trách nhiệm của người thực hành nghề luật sư.

Tọa đàm hướng đến hỗ trợ các học viên Chương trình đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế có những thông tin, định hướng về nghề nghiệp tương lai trong một bối cảnh thực hành nghề đầy biến động như hiện nay và đặc biệt là được trao đổi, học hỏi từ những Luật sư Việt Nam, Luật sư nước ngoài có nhiều kinh nghiệm và uy tín thực hành nghề nghiệp ở những môi trường thực hành nghề chuyên nghiệp,

Nội dung Tọa đàm xoay quanh cơ hội và thách thức đối với nghề Luật sư trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự tác động của công nghiệp 4.0; Các kiến thức và kỹ năng học viên cần trang bị để thực hành nghề Luật sư một cách chuyên nghiệp và hiệu quả, Vai trò của Học viện Tư pháp, hãng luật và của học viên trong việc trang bị kiến thức và kỹ năng thực hành nghề Luật sư.

Theo Luật sư Trương Nhật Quang, Luật sư điều hành Công ty luật YKVN, thị trường pháp lý ở Việt Nam tương đối trẻ, số lượng Luật sư so với tổng dân số còn tương đối thấp, tập trung chủ yếu tại TP. HCM và Hà Nội. Về các tổ chức hành nghề Luật sư hiện nay, theo đánh giá, có khoảng hơn 100 công ty luật hàng đầu trên thị trường trong đó có cả công ty luật nước ngoài. Bên cạnh đó, có khoảng trên 4000 văn phòng Luật sư nhỏ hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực tố tụng, dân sự. Các lĩnh vực hoạt động chủ yếu trên thị trường hiện nay phải kể đến các hoạt động thương mại, đầu tư, mua bán sáp nhập doanh nghiệp; giao dịch tài chính, ngân hàng; giao dịch về sở hữu trí tuệ; các hoạt động tố tụng.

Về vai trò của Học viện Tư pháp và tổ chức tuyển dụng trong việc trang bị kiến thức và kỹ năng thực hành nghề Luật sư, bà Nguyễn Thị Minh Huệ, Giám đốc Trung tâm Liên kết đào tạo Luật sư Thương mại quốc tế cho biết, Học viện Tư pháp ngày càng khẳng định là đơn vị đào tạo chuyên nghiệp nhất về kỹ năng hành nghề Luật sư tại Việt Nam hiện nay. Học viện Tư pháp là nơi giới thiệu kiến thức, kỹ năng cơ bản nhất cho các học viên về kiến thức chuyên môn cũng như các kỹ năng thực hành nghề Luật sư. Học viện chú trọng xây dựng chương trình, kế hoạch giảng dạy kiến thức, đào tạo kỹ năng thực hành nghề Luật sư, tổ chức biên soạn chương trình, giáo trình các môn học trong chương trình đào tạo nghề Luật sư.

Tại tọa đàm, các đại biểu đã chia sẻ đầy nhiệt huyết về kinh nghiệm thành công của các Luật sư và đặc thù môi trường làm việc nơi các Luật sư đang công tác đồng thời đưa ra nhiều giải đáp cho các câu hỏi của các luật sư trẻ.

Đọc thêm