Người Việt Nam mới tên là Hồng Cận Lập
Ông Sugihara Takeshi có tên Việt Nam là Hồng Cận Lập, sinh năm 1921 tại tỉnh Shiga, Nhật Bản. Tháng 1/1942, vừa tròn 20 tuổi, ông đi lính và gia nhập binh đoàn hải quân Maizuru. Tháng 11/1945, ông trong đội lính bộ binh bị bỏ lại trên đảo Hải Nam sau khi Nhật bại trận. Khi đó, vì có việc của đội, ông đến Việt Nam bằng thuyền máy, được Việt Minh phát hiện ra và vận động ông gia nhập Việt Minh. Kể từ thời gian đó, ông tham gia huấn luyện quân sự cho dân quân và tham gia kháng chiến chống Pháp từ hậu phương, chủ yếu là ở tỉnh Thanh Hóa.
Nhớ về những ngày đó, ông Sugihara kể chuyện ông học tiếng Việt: “Lúc đó có một ông già biết chữ Hán và chúng tôi có thể trao đổi với nhau bằng cách viết chữ Hán. Ở Thanh Hóa có mười mấy người Nhật sống ở vùng dân tộc thiểu số. Về phía Việt Minh không thể công khai việc có quân Nhật nên chúng tôi được nhận một tên gọi là “người Việt Nam mới” và sống thành nhóm. Để giết thời gian nhàn rỗi, chúng tôi học tiếng Việt bằng những cuốn vở ghi chép đơn giản. Tôi chỉ thực sự bắt tay vào học tiếng Việt khi được mời đi huấn luyện cho dân quân và được cho ở nhà một người lãnh đạo của địa phương. Con trai ông ấy là giáo viên và cũng biết một ít tiếng Nhật, và tôi đã học tiếng Việt từ anh ấy”.
Năm 1948, ông kết hôn với một người phụ nữ ở Thanh Hóa, sinh được 4 người con. Tháng 11/1954, theo chỉ thị về nước đối với những người Nhật lưu vong của Chính phủ Việt Nam, ông về nước bằng chuyến tàu hồi hương thứ nhất Koanmaru. “Chúng tôi xuất phát, đi ngược lên Trung Quốc, đến Thiên Tân, rồi từ Thiên Tân lên sà lan kéo Koanmaru của Nhật và về cảng Maizuru” – ông Sugihara về sau đã kể lại cho các con hành trình trở về đất mẹ.
Trở về Nhật Bản, nhưng ông Sugihara vẫn không nguôi đau đáu về gia đình nhỏ với người vợ và những đứa con còn ở lại Việt Nam. “Những người đại diện của Ủy ban Hòa bình Nhật Bản và Hội Hữu nghị Nhật - Trung ra đón chúng tôi đã nói rằng ở Nhật lúc đó những đoàn thể hòa bình và đoàn thể hữu nghị quốc tế đã hoạt động công khai. Tôi đã nghĩ phải làm một cái gì đó để vận động cho tình hữu nghị với Việt Nam, vì thế tôi đã ở lại Osaka. Để mưu sinh, tôi cũng vào làm việc cho công ty, thành lập công đoàn, vừa trao đổi với bạn bè vừa bắt tay vào thành lập tổ chức hữu nghị Nhật - Việt. Đến ngày 24/7/1959, Hội hữu nghị Kansai – tiền thân của Hội hữu nghị Nhật - Việt Osaka ra đời, từ đó trở đi cuộc sống của tôi đã thực sự gắn bó với Việt Nam.
Vợ chồng ông Hồng Nhật Quang và bà Lê Thị Sáng đều có cha là những cựu binh Nhật là “Người Việt Nam mới”. |
Và câu chuyện hơn nửa thế kỷ về một tình yêu
Ông Sugihara là người đóng vai trò “đầu tàu” trong phong trào vận động ủng hộ nhân dân Việt Nam không chỉ ở Osaka hay Kansai, mà trên phạm vi toàn nước Nhật. Ông luôn đi đầu trong phong trào quyên góp và tuyên truyền, có mặt trong tất cả những công việc của Hội như đón tiếp các đoàn đại biểu của Việt Nam, gửi các đoàn đại biểu đi thăm Việt Nam, trao tận tay hàng hóa ủng hộ nhân dân Việt Nam cho những chuyến tàu Việt Nam cập cảng Kobe.
Tháng 6/1996, cuộc hội ngộ sau 42 năm xa cách giữa ông Sugihara và người con trai cả - Hồng Nhật Quang đã diễn ra xúc động ở Osaka, sau thời gian ông Quang nhờ Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam ở Nhật Bản tìm kiếm cha trên những thông tin gia đình còn lưu giữ được. Những câu chuyện về gia đình, về quê hương, trong đó có câu chuyện về các thầy trò đang hàng ngày khắc phục khó khăn để dạy học ở Trường phổ thông cơ sở Điện Biên mà ông Quang kể lại, đã trở thành những nét đầu tiên khơi lên phong trào quyên góp giúp Việt Nam xây dựng trường học.
Ông Sugihara nói về phong trào này một cách vô cùng giản dị: “Năm 1954, trước khi tôi lên đường về nước thì ông trưởng khu hành chính đã nói với tôi như thế này: “Không cần phải lo lắng cho bọn trẻ đâu, nhân dân Thanh Hóa sẽ chăm sóc chúng cho tới khi lớn khôn”. Hiện nay, con trai trưởng của tôi là Hồng Nhật Quang đang là Chủ tịch UBND phường Điện Biên ở thành phố Thanh Hóa, tôi nghĩ rằng họ đã nuôi con tôi khôn lớn đúng như họ đã nói với tôi lúc đó. Tôi nghĩ tôi cần phải cảm tạ tấm lòng của người Việt Nam và nhất định làm thật tốt cuộc vận động này”.
Hàng nghìn công nhân, giáo viên, học sinh, người dân Osaka đã bị thuyết phục bởi câu chuyện của người cha và cảm động trước tình cảm gần nửa thế năm mà ông dành cho Việt Nam. Vì thế, tháng 8/1998, phong trào quyên góp “Tặng trường học cho Việt Nam” đã quyên góp được 10 triệu yên, sau đó được đầu tư xây Trường Tiểu học Điện Biên gồm 2 tòa nhà bằng bê tông cốt thép.
Tháng 8/2003, ông Sugihara được Chính phủ Việt Nam tặng Huân chương Hữu nghị, ghi nhận những đóng góp vì tình hữu nghị hai nước trong suốt nửa thế kỷ qua của ông. Còn ông, nói về bí quyết sống khỏe mạnh, ông Sugihara không ngại trả lời “đó là vì tôi đã biến mình thành một phần của Việt Nam”.
Hôm nay, ngôi trường Điện Biên vẫn còn đó, không chỉ là một món quà từ tấm lòng của những người Nhật Bản yêu Việt Nam, mà còn là một nhịp nối giữa người cha với gia đình yêu thương, giữa người đàn ông Nhật đã sống một cuộc đời có ích với tuổi thanh xuân để lại ở mảnh đất xứ Thanh ngày đó.