Tại hội nghị, các đại biểu tập trung vào các quan điểm, mục tiêu và giải pháp phát triển nông nghiệp và nông thôn, giải pháp nhằm phát triển công nghiệp chế biến, mục tiêu và giải pháp nhằm phát triển logistic tại tỉnh Tiền Giang. Quản lý hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển hệ thống đô thị và phát triển du lịch tỉnh Tiền Giang… hướng đến phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Quang cảnh hội nghị tổng kết Nghị quyết 21 và Kết luận 28 của Bộ Chính trị. (Ảnh: Bá Thủy) |
Tổng kết từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 21 và Kết luận số 28 cho thấy Tiền Giang đã đạt nhiều thành tựu nhất định như: trong sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp đã được được những kết quả tích cực và chuyển dịch theo đúng hướng đã đề ra. Các công trình thủy lợi đã góp phần ổn định sản xuất, giữ vững và nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng. Công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới liên tục được triển khai và truyền thông rộng rãi trong nhân dân, tạo điều kiện giúp người dân ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.
Trong lĩnh vực công nghiệp, Tiền Giang đang phát triển theo hướng khai thác lợi thế của địa phương bằng cách tập trung cho phát triển công nghiệp chế biến, với tốc độ tăng trưởng bình quân khá cao, đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế Tiền Giang theo hướng công nghiệp hóa. Góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân nhất là khu vực nông thôn, đóng góp ngày càng nhiều cho ngân sách địa phương.
Về hệ thống đường bộ trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư tương đối hoàn chỉnh, với gần 9.000 km và phân bổ đều khắp, hợp lý với trục dọc Bắc – Nam và trục ngang Đông – Tây góp phần giảm ùn tắc giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. (Ảnh: Bá Thủy) |
Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết: “Về phát triển kinh tế – xã hội trong thời gian tới phải đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực, các vùng của tỉnh phù hợp với khả năng đáp ứng nguồn lực qua các giai đoạn phát triển, phù hợp với tầm nhìn đến năm 2050, đưa vị thế phát triển của tỉnh là một trong các tỉnh dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long và tạo sự bứt phá trong liên kết kinh tế với Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam”.
Bên cạnh đó, phát triển kinh tế – xã hội phải gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và chủ quyền biên giới trên biển. Phải kết hợp với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế, bảo đảm hài hòa lợi ích của quốc gia, các vùng, các địa phương và lợi ích của người dân.