Đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung bày tỏ lo lắng đối với loại tội phạm xâm hại, bạo lực trẻ em. Bà cho biết, thành phố có khoảng 2,1 triệu người dưới 16 tuổi, trong đó có khoảng 400.000 em theo gia đình là công nhân lao động từ nơi khác đến sống và làm việc. Chính quyền địa phương các cấp phải thực sự quan tâm, xây dựng quy trình xử lý, nâng cao trách nhiệm trong việc bảo vệ trẻ em.
Được chủ tọa mời trả lời, Trung tướng Lê Đông Phong (Giám đốc Công an TP HCM) đánh giá, tình trạng trẻ em bị xâm hại gây bức xúc cho xã hội. Trong 6 tháng đầu năm thành phố ghi nhận 87 vụ xâm hại trẻ em, trong đó có hơn 86% là xâm hại tình dục.
Công an thành phố đã chỉ đạo các lực lượng chức năng, đặc biệt là ở cơ sở tăng cường quản lý tại chỗ, tuyên truyền để người dân nhận thức và có cách phòng ngừa tốt hơn đối với loại tội phạm này. "Công an 24 quận, huyện cũng phải nắm danh sách các đối tượng có nguy cơ thực hiện hành vi xâm hại tình dục trẻ em để có biện pháp răn đe, ngăn chặn", ông Phong nói.
Để việc ngăn ngừa loại tội phạm này hiệu quả hơn, ông Phong cho rằng các cơ quan liên quan cũng phải tăng cường giáo dục, quản lý từ trong cộng đồng. Trẻ em được trang bị kỹ năng và kiến thức phòng vệ tốt hơn thì việc ngăn chặn tội phạm hiệu quả hơn.
"Tôi cũng đề nghị khi xảy ra các vụ xâm hại trẻ em thì gia đình nên sớm báo cho lực lượng chức năng vào cuộc ngay từ đầu, hiệu quả công tác điều tra xử lý sẽ tốt hơn", ông Phong cho biết.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm và Tăng Hữu Phong nêu vấn nạn tội phạm hoạt động “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi quảng cáo rầm rộ với nội dung không cần thế chấp khiến rất nhiều người dân mắc bẫy. Nhóm cho vay sau đó đòi nợ theo kiểu xã hội đen như tạt chất bẩn, đe dọa, uy hiếp tinh thần, đánh đập người vay tiền và người thân của họ... làm ảnh hưởng an ninh trật tự. "Công an TP có những giải pháp căn cơ gì để xử lý các doanh nghiệp núp bóng “tín dụng đen", đại biểu chất vấn.
Theo Trung tướng Lê Đông Phong, Công an thành phố đã có kế hoạch chuyên đề xác định rất cụ thể, phân công trách nhiệm cho các lực lượng chức năng và có hướng dẫn chi tiết việc xử lý hình sự hay hành chính. Ngoài ra, khi phát hiện bất cứ dấu hiệu nào liên quan đến “tín dụng đen”, đòi nợ thuê... đều được cảnh sát tìm hiểu ngăn chặn, chứ không chờ khi các đối tượng hành động mới làm.
Ông Phong đánh giá, với sự nỗ lực đó, hiện các vụ liên quan đến “tín dụng đen” đã giảm đến 20%; số vụ vi phạm trật tự công cộng, vi phạm đối với quyền tự do của công dân như tạt chất bẩn, la ó, chửi bới... cũng giảm hơn 22%. Tình hình đã bớt phức tạp hơn so với cuối năm 2018.
Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm thành phố đã kéo giảm được gần 4,7% các vụ phạm pháp hình sự (tỷ lệ trung bình cả nước là gần 1%). Các loại trọng án, án xâm phạm sở hữu đều giảm như mục tiêu mà công an thành phố đặt ra: án giết người giảm hơn 17%; cướp tài sản giảm 22,6%; cướp giật giảm 3,22%; trộm tài sản giảm hơn 11%.
Công an thành phố đã nghiên cứu, tính toán mô hình tuần tra mới phù hợp với yêu cầu và điều kiện công tác, địa hình, địa bàn cũng như phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm. Từ đó, hình thành tổ công tác tuần tra hỗn hợp 363 với phương thức linh hoạt, đạt hiệu quả tích cực.