Tại cuộc họp, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP, cho biết trong dịp tết vừa qua, TP HCM thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM Trần Lưu Quang nhận định, Tết Tân Sửu đã diễn ra thành công và an toàn, người dân TP đã có một cái Tết vui tươi, sung túc và tiết kiệm.
“Năm 2020, nhờ có sự đóng góp của các doanh nghiệp trên địa bàn, TP đã thu được ngân sách cao hơn nhiều so với dự báo. Trong năm 2021, TP cần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động, đặc biệt trong việc cải cách, cải tiến và xử lý các thủ tục hành chính liên quan đến DN”, ông Quang nhấn mạnh.
TP đã chỉ đạo các tổ chức, đơn vị rà soát, kiểm tra chặt chẽ việc bố trí cán bộ, công chức, người lao động trực trong dịp tết, đặc biệt là các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp để xử lý các tình huống phát sinh, không để công việc ùn tắc, trì trệ.
UBND TP đã chỉ đạo BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP phối hợp các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông, triển khai thi công xuyên suốt trong dịp Tết Tân Sửu 2021 đối với 2 công trình trọng điểm gồm hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ và sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh.
Trong dịp tết vừa rồi, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 các ngành, các cấp không rời khỏi TP. Đa số cán bộ, công chức không về quê ăn tết để đảm bảo kịp thời ứng phó với các tình huống dịch bệnh phát sinh, cũng như đảm bảo an toàn cho gia đình và cộng đồng.
Không có trường hợp cán bộ lãnh đạo tổ chức du xuân, liên hoan sa đà, lãng phí, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc. Không có trường hợp sử dụng xe công đi lễ hội, trừ một số trường hợp thực thi công vụ. Không có trường hợp dùng ngân sách tổ chức đi thăm, chúc tết, tặng quà đối với các lãnh đạo cơ quan, đơn vị các cấp, các ngành.
Trong dịp tết, TP đã tổ chức 19 đoàn lãnh đạo đi thăm các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lão thành cách mạng và gia đình. 39 đoàn đại biểu đi thăm, tặng quà cho 159 đơn vị và gần 594.000 lượt đối tượng diện chính sách có công, chính sách xã hội, hộ nghèo, hộ khó khăn, văn nghệ sĩ bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; các hộ dân phải di dời, giải tỏa để phục vụ các dự án.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, năm nay số lượng người lao động, công nhân, sinh viên ở lại TP dịp tết đông hơn mọi năm. TP đã kịp thời quan tâm, chăm lo tết đến từng đối tượng tại các khu nhà trọ, ký túc xá. Đồng thời chăm lo cho người dân tại các khu cách ly, phong tỏa do ảnh hưởng của dịch bệnh, đảm bảo tết đến với mọi người, mọi nhà. Tổng kinh phí chăm lo Tết Tân Sửu năm 2021 là 1.025 tỉ đồng, tăng gần 12 tỉ so với năm 2020.
|
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu các cơ quan, đơn vị không tổ chức tân niên sa đà, lãng phí và tập trung xử lý công việc ngay sau kỳ nghỉ Tết. |
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong yêu cầu các cơ quan, đơn vị trên địa bàn không tổ chức tân niên sa đà, lãng phí và tập trung xử lý công việc ngay sau kỳ nghỉ Tết.
"Không vui Tết kéo dài; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, thúc đẩy việc kinh doanh, không để xảy ra tình trạng người dân, doanh nghiệp phải chờ đợi", ông Phong nói.
Để thực hiện tốt "nhiệm vụ kép" của Chính phủ đã đề ra, lãnh đạo UBND TP giao các sở ngành liên quan sớm triển khai gói hỗ trợ doanh nghiệp lần 2 do ảnh hưởng của Covid-19; đồng thời cần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, thủ tục hành chính, chính sách thuế... để hỗ trợ cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
"Tôi vừa nhận đơn của một doanh nghiệp phản ánh bị làm khó trong việc điều chỉnh giấy phép đầu tư. Theo Luật Đầu tư, việc này không phải lấy ý kiến các đơn vị liên quan và chỉ mất 10 ngày nhưng Sở KH&ĐT lại hẹn 30 ngày, không giải quyết các vướng mắc một lần mà làm từng đoạn", ông Phong nói và cho rằng tình trạng này không phải số ít mà rất nhiều gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của TP.
Cũng tại hội nghị, người đứng đầu chính quyền TP nói rằng công tác phòng, chống Covid-19 là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong năm nay. Ông Phong yêu cầu trong mọi trường hợp, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là và phải duy trì nghiêm phương châm "khẩn trương, thần tốc, quyết liệt, đồng bộ, chủ động", kiên trì nguyên tắc "ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch".
Chủ tịch UBND TP đề nghị các cơ quan chức năng xử phạt nghiêm việc không chấp hành đeo khẩu trang; ngành y tế dự trữ đầy đủ các sinh phẩm, test kit xét nghiệm; đảm bảo công suất xét nghiệm 15.000 mẫu đơn trong 24 giờ, khi cần thiết có thể huy động 25.000 - 30.000 mẫu đơn.
Ngoài ra, Sở Y tế được giao thiết lập 317 đội lấy mẫu của các bệnh viện công lập, trung tâm y tế để sẵn sàng đảm bảo công suất lấy 100.000 mẫu mỗi ngày, khi cần thiết nâng lên 200.000 mẫu mỗi ngày; đảm bảo điều trị trong trường hợp 50-100 người bệnh hoặc tình huống 100 - 200 người bệnh...
Về tình hình an ninh trật tự, từ 29 tháng Chạp đến mùng 5 Tết (10-16/2), TP HCM ghi nhận 44 vụ phạm pháp hình sự, giảm 9 vụ so với năm ngoái; 19 vụ tai nạn giao thông làm 5 người chết, 21 người bị thương, giảm 10 vụ so cùng kỳ; 2 vụ cháy làm một người bị thương, giảm 7 vụ... Trong 7 ngày Tết, công an đã phá 28 vụ cờ bạc, thu giữ hơn 500 triệu đồng, xử lý 235 người liên quan...
Cơ quan chức năng TP đã xử lý 68 vụ với 74 người đốt pháo; 7 vụ mua bán, tàng trữ pháo, thu giữ 200 kg pháo các loại trong dịp Tết Tân Sửu. Công tác xử lý hành vi đốt pháo hoa nổ trái phép năm nay tăng so với năm ngoái do TP rà soát, thực hiện nghiêm Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo của Thủ tướng", ông Hoan nói.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan, qua thăm dò dư luận xã hội nhiều ý kiến cho rằng do có quy định được phép bắn pháo hoa không gây tiếng nổ nên xảy ra tình trạng lợi dụng bắn pháo hoa nhưng gây tiếng nổ, ảnh hưởng đến nhiều người xung quanh. Bên cạnh đó, pháo hoa chứa nhiều kim tuyến cũng gây ô nhiễm môi trường.