TP Hồ Chí Minh: 2 giai đoạn chống dịch trong 30 ngày tới

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhằm đạt mục tiêu kiểm soát dịch trước 15/9 như tinh thần Nghị quyết 86 của Chính phủ, TP HCM đã xây dựng kế hoạch phấn đấu kiểm soát dịch bệnh với 2 giai đoạn trong 30 ngày tới.
 TP Hồ Chí Minh đề ra từng nhiệm vụ trong một tháng giãn cách tiếp theo (từ 15/8 – 15/9).
TP Hồ Chí Minh đề ra từng nhiệm vụ trong một tháng giãn cách tiếp theo (từ 15/8 – 15/9).

Kéo giảm ca tử vong, mở rộng vùng xanh

Ngày hôm qua (15/8), báo cáo tại Hội nghị sơ kết công tác phòng chống COVID-19 tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 , Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết trong 14 ngày vừa qua (từ 2/8 – 14/8), số ca mắc COVID-19 tại TP đang đi ngang và có xu hướng giảm nhưng kết quả này chưa bền vững, vẫn còn một số hạn chế trong tổ chức thực hiện.

Nhằm đạt mục tiêu kiểm soát dịch trước 15/9 như tinh thần Nghị quyết 86 của Chính phủ, TP đã xây dựng kế hoạch phấn đấu kiểm soát dịch bệnh với 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ ngày 15 đến 31/8, TP đặt mục tiêu giảm tỉ lệ bệnh nhân tử vong; không để xảy ra trường hợp F0 chuyển nặng mà không được tiếp nhận, điều trị; mở rộng "vùng xanh"; phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh với các quận huyện: Cần Giờ, Nhà Bè, Củ Chi, Phú Nhuận, 5, 7, 11.

Giai đoạn 2, từ ngày 1 - 15/9, TP phấn đấu kiểm soát được tình hình dịch trước ngày 15/9 với các mục tiêu kéo giảm 20% số ca tử vong và các trường hợp nặng; mỗi ngày, số lượng nhập viện điều trị không vượt quá số xuất viện; không quá 2.000 người nhập viện mỗi ngày; đảm bảo hơn 70% dân số (trên 18 tuổi) được tiêm mũi 1 và 15% dân số được tiêm mũi 2.

Sau 38 ngày cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 và 16 tăng cường, TP HCM quyết định kéo dài đợt giãn cách thêm một tháng đến 15/9 để phòng chống COVID-19 lây lan. Quyết định tiếp tục giãn cách được Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong ký ngày 15/8. Trước đó, thành phố đã có 40 ngày giãn cách theo Chỉ thị 15.

Trong một tháng tới, TP sẽ thực hiện nghiêm, hiệu quả nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó”, hạn chế tối đa người dân ra khỏi nơi cư trú và kiểm soát chặt các đối tượng được phép ra khỏi nhà.

Thực hiện phương châm “trong chặt, ngoài chặt” gắn với kiểm tra giám sát tại các khu phong tỏa. Tại các “vùng xanh” cần thúc đẩy phong trào tự quản. Các khu phong tỏa “vùng đỏ, vùng cam” sẽ tổ chức xét nghiệm để thu hẹp phạm vi, biến khu phong tỏa thành điểm phong tỏa. Các “vùng xanh, cận xanh, vàng” thì xét nghiệm ngẫu nhiên, bằng phương pháp RT-PCR mẫu gộp 5 đại diện 5 hộ gia đình.

Với khu vực ngoài khu phong tỏa, giám sát, phát hiện sớm những người có triệu chứng nghi ngờ hoặc người có yếu tố nguy cơ bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh.

Tổ chức điều trị F0 tại nhà

Liên quan đến công tác điều trị, TP tập trung vào 2 trụ cột là chăm sóc F0 tại nhà và điều trị tại bệnh viện. Việc chăm sóc F0 tại nhà (home-based care) được thí điểm từ 16/8 với mô hình 3 tại chỗ: Xét nghiệm tại chỗ, điều trị tại chỗ và an sinh tại chỗ.

Thuốc triển vọng được sử dụng là Molnupiravir - một trong những thuốc kháng virus, giúp giảm nhanh nồng độ virus trong cơ thể người nhiễm. Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc kháng virus Molnupiravir tại Mỹ, Ấn Độ. Vận hành Tổ phản ứng nhanh tại phường, xã, thị trấn theo nhóm hộ gia đình để sẵn sàng tiếp nhận người bệnh có triệu chứng hoặc chuyển cấp cứu; xây dựng mạng lưới tình nguyện chăm sóc, tư vấn F0 tại nhà.

Về điều trị tại bệnh viện, TP điều chỉnh phân tầng điều trị từ 5 xuống còn 3 tầng. Huy động tất cả các bệnh viện công lập, tư nhân tham gia điều trị; nâng cấp, trang bị cho các cơ sở cách ly có chức năng chữa trị của các quận huyện, TP Thủ Đức. Về vaccine, TP sẽ tổ chức nhiều điểm tiêm, nhiều hình thức tiêm như tiêm lưu động, tiêm tại nhà, tiêm ban đêm, cấp vaccine và cho doanh nghiệp thuê đơn vị y tế có năng lực để tiêm nhằm mở rộng tỷ lệ bao phủ vaccine.

Ngày 15/8, phát biểu tại lễ “Phát huy sức mạnh toàn dân tích cực tham gia phòng, chống dịch COVID-19” và ra mắt Trung tâm tiếp nhận, hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân khó khăn bởi dịch bệnh COVID-19 do Thành ủy – HĐND – UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức, Ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM cho biết đến thời điểm này, tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong nước hết sức phức tạp, chưa có dấu hiệu được kiểm soát. Riêng đối với TP.HCM, tình hình dịch bệnh có lắng dịu đi phần nào nhưng vẫn còn rất phức tạp; số ca nhiễm vẫn còn cao; hệ thống điều trị quá tải và vận hành chưa đồng bộ.

Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, lời kêu gọi của Tổng Bí thư, các chỉ đạo của Chủ tịch nước, Thủ tướng, ông Mãi cho biết TP.HCM sẽ ưu tiên tối đa công tác phòng, chống dịch; đặt sức khoẻ, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết. Vì vậy, TP.HCM sẽ kéo dài giãn cách xã hội thêm 1 tháng (từ 15/8 đến 15/9) để tập trung khống chế các nguồn lây nhiễm, đưa số ca nhiễm về mức thấp nhất; đưa số ca bệnh về dưới công suất điều trị của hệ thống y tế; giảm nhanh số ca tử vong. “Chỉ có như vậy mới có thể từng bước đưa thành phố trở về trạng thái bình thường mới”, ông Mãi nhìn nhận.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM kêu gọi toàn thể đồng bào, nhân dân TP cùng siết chặt tay, cùng chung sức, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, “đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa, đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa, đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa” để chống dịch và chiến thắng.

Đọc thêm