Tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16
Hiện tại, trung bình mỗi ngày TP phát sinh trên 3.000 ca mắc mới, chủ yếu ở các khu phong tỏa; đã điều trị khỏi gần 63.000 người; đang điều trị hơn 32.000 người, có 1.500 bệnh nhân nặng và 16 bệnh nhân phải can thiệp ECMO.
Dịch vẫn diễn biến phức tạp dù số ca nhiễm đang đi ngang trong bản đồ COVID-19, có dấu hiệu giảm nhưng không bền vững. Số ca tử vong và số ca mắc mới mỗi ngày còn cao, nhiều khả năng sau ngày 15/8 số ca phát sinh mỗi ngày vẫn ở mức trên 3.000.
Do đó, nếu không quyết liệt, triệt để thực hiện chống dịch mạnh mẽ thì khó giữ vững thành quả, thậm chí tình hình có thể xấu đi nếu không đồng lòng, quyết tâm thực hiện nghiêm vì dịch đã thấm sâu tại TP.
Thực hiện Nghị quyết 86, TP HCM sẽ tăng cường chống dịch từ 15/8 đến 15/9, chia làm 2 giai đoạn - từ 15/8 đến 31/8 và từ 31/8 đến 15/9. Mỗi giai đoạn xác định giải pháp cụ thể, quyết tâm 15/9 sẽ kiểm soát được dịch bệnh.
“TP sẽ có kế hoạch chính thức theo hướng tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Từ nay đến 30/8, TP sẽ sàng lọc, đánh giá các địa bàn để xác định các “vùng xanh, vùng đỏ”, từ đó áp dụng các giải pháp phù hợp. Việc này phải triển khai rất thận trọng”, Phó Bí thư Phan Văn Mãi nêu rõ.
Thời gian tới, TP đặt trọng tâm: điều trị giảm tử vong, trong đó có chiến lược chăm sóc F0 tại nhà và cộng đồng; triển khai đồng bộ các trung tâm an sinh xã hội từ cấp thành phố tới cấp xã, phường, đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu, thuốc men để chăm lo cho nhân dân đầy đủ hơn; nỗ lực duy trì sản xuất kinh tế ở điều kiện phù hợp, đảm bảo an toàn và không ảnh hưởng tới kết quả phòng, chống dịch.
Tìm mọi cách giảm số ca nhiễm và tử vong
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức cũng nhấn mạnh rằng, số ca tử vong vẫn rất cao nên phải tập trung triển khai biện pháp mạnh mẽ hơn. Trước tiên, mấu chốt để kìm hãm dịch vẫn là giãn cách, từ đó giảm nhanh F0 thời gian tới. Phải đảm bảo cách ly “nhà với nhà”, đặc biệt trong khu phong tỏa, bởi gần 80% F0 được phát hiện tại đây. “Chỉ cần giảm khoảng 50% số F0 trong khu phong tỏa thì TP sẽ giảm hàng nghìn ca mỗi ngày”, ông Dương Anh Đức cho biết.
Phó Chủ tịch UBND nói rõ, TP sẽ phát huy tốt hơn việc tự quản “vùng xanh” bằng cách nâng cao vai trò ý thức của mỗi cá nhân, bảo vệ “vùng xanh” và mở rộng để phủ xanh thành phố theo tinh thần “đã xanh càng xanh hơn, vàng chuyển lên xanh và đỏ chuyển màu dần để tiến về xanh”.
Nhiệm vụ quan trọng tiếp theo là giảm số người tử vong. Để thực hiện, TP sẽ phân loại F0 hiệu quả hơn ở cả 5 tầng trong hệ thống điều trị. Phân loại kết hợp với điều phối hiệu quả Trung tâm 115, khai thác tối đa nguồn lực và khả năng điều trị thì tình hình có thể được cải thiện.
Bên cạnh đó, TP sẽ vận hành tốt hệ thống quản lý F0, F1 tại nhà, thỏa mãn 3 điều kiện: Chăm lo về tâm lý; nhu cầu lương thực để người dân yên tâm ở trong nhà; có hỗ trợ về điều trị, tư vấn theo dõi và củng cố nền tảng sức khỏe của các F0. “Như vậy, các F0 sẽ có tinh thần tốt, chủ động cải thiện sức khỏe, hạn chế việc trở nặng và giảm áp lực lên tầng trên”, ông Dương Anh Đức nói.
Để dập dịch, việc tiêm vaccine cho người dân cũng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Quan điểm của TP HCM là tổ chức tiêm vaccine cho tất cả người dân và ứng xử với tất cả vaccine đảm bảo chất lượng như nhau. TP chỉ sử dụng vaccine đã được cấp phép, thẩm định bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Bộ Y tế.
TP đã và đang đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine, ngày có tốc độ cao nhất là trên 318.000 liều/ngày. Hầu như toàn bộ nguồn vaccine được Bộ Y tế cung cấp hiện đã tiêm hết. Bắt đầu từ bây giờ, TP tiếp tục đẩy mạnh tiếp cận các nguồn vaccine và đề nghị Bộ Y tế bổ sung, hỗ trợ vaccine cho TP. Về 1 triệu liều vaccine Sinopharm, Sở Y tế sẽ triển khai đến các địa phương để tiêm. TP HCM đang nỗ lực mang 5 triệu liều vaccine Moderna về. Tuy nhiên, nếu có thì sớm nhất cuối năm số vaccine Moderna này mới có thể về Việt Nam.