TP Hồ Chí Minh: Chưa có chủ trương mở lại dịch vụ ăn uống tại chỗ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chiều 11/10, BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 TP HCM họp báo định kỳ đánh giá tình hình dịch tại TP sau 11 ngày áp dụng Chỉ thị 18.
 TP HCM chưa tính đến việc cho phép cửa hàng ăn uống bán tại chỗ.
TP HCM chưa tính đến việc cho phép cửa hàng ăn uống bán tại chỗ.

Ông Phạm Đức Hải, người phát ngôn BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 TP HCM, cho biết đến nay, đa số người dân nhanh chóng thích ứng an toàn, linh hoạt, trong điều kiện bình thường mới. Ngày càng nhiều DN, cơ sở sản xuất kinh doanh, chợ truyền thống hoạt động trở lại, phục hồi hoạt động sản xuất.

Công tác an sinh được triển khai đến đông đảo người dân. Công tác phòng, chống dịch đạt nhiều kết quả.

Gói hỗ trợ đợt 3 đã đến tay hơn 3,7 triệu người

Ngày 7/10, TP có 19 quận, huyện và TP Thủ Đức được đề nghị công bố kiểm soát dịch. Đến 8/10 có thêm huyện Bình Chánh được đề nghị. Đến nay, TP có thêm quận Bình Tân được đề nghị công bố kiểm soát dịch. Như vậy, tính đến 11/10, toàn bộ đơn vị hành chính cấp huyện ở TP đã đề nghị công bố kiểm soát được dịch theo quy định 3979 của Bộ Y tế.

Tuy nhiên, ông Hải cho biết TP còn 3 hạn chế: Một bộ phận người dân thực hiện chưa nghiêm, vi phạm 5K, tụ tập đông người, giữ khoảng cách chưa nghiêm, nhiều người không đeo khẩu trang. Số DN hoạt động lại chưa nhiều. Tình hình đi lại của người dân từ TP đến các tỉnh khó khăn.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, PGĐ Sở Công Thương, cho biết thời gian qua loại hình dịch vụ nào đủ điều kiện thì đã được mở lại, loại hình khả năng gây ra nhiều rủi ro thì phải cân nhắc. “Ăn uống tại chỗ là tụ tập đông người nên chưa có chủ trương mở lại. Trên bình diện chung, TP xét thấy là chưa nên mở”, ông Phương chia sẻ.

Các loại dịch vụ sẽ do từng sở, ngành liên quan phụ trách, riêng việc ăn uống do BQL An toàn thực phẩm phụ trách. Sở Công Thương sẽ tiếp tục tham mưu, phối hợp.

Về tiến độ chi trả gói hỗ trợ đợt 3, ông Nguyễn Văn Lâm (PGĐ Sở LĐTB&XH) cho biết đến nay, số lượng chi trả đợt 3 đến tay hơn 3,7 triệu người. “Con số này sẽ tiếp tục tăng theo từng giờ đối với 312 phường, xã, thị trấn trên địa bàn. Với tiến độ này, đến ngày 15/10, các đơn vị sẽ hoàn thành chi trả theo chỉ đạo của TP”, ông Lâm nói.

Ngoài ra, ông Lâm cho biết việc vận hành chi trả qua ứng dụng theo công văn của UBND TP đến nay thuận lợi và chưa có vấn đề phát sinh. Tuy nhiên về mặt công nghệ, do hạ tầng cùng lúc có hơn 1 triệu người truy cập nên nghẽn mạch. Các tổ chi trả của khu phố chậm hơn so với tiến độ; các vùng xa trung tâm mất nhiều thời gian hơn.

Theo ông Lâm, việc phát chi trả cho người dân được ký vào 29/9, phường 12 quận 3 là địa phương đầu tiên thực hiện. Các quận, huyện đều phải rà soát trước. Đến nay, 6 đơn vị đạt trên 90% là Phú Nhuận (96,3%), còn lại trên 90%.

Trả lời việc phường An Phú (TP Thủ Đức) kêu gọi người thật sự khó khăn mới nên đăng ký nhận hỗ trợ, vậy khái niệm “thật sự khó khăn” nên được hiểu thế nào, ông Lâm cho biết theo Công văn 3181, có 3 nguyên tắc để xem xét chi trả hỗ trợ. Một là rà soát đảm bảo chi đủ, đúng, không trùng lắp, không phân biệt thường trú hay tạm trú. Thứ hai là công khai minh bạch, không trục lợi cá nhân. Thứ ba là phát huy tối đa nguồn lực.

“Như vậy, chúng ta thấy rằng hoàn cảnh thật sự khó khăn là hỗ trợ cho người có hoàn cảnh thực sự khó khăn do dịch Covid-19, do mất việc làm, giảm thu nhập. Những người này sẽ được công khai ở tổ khu phố, dân phố phê duyệt”, ông Lâm lý giải.

843 người dân đăng ký về quê

Trả lời câu hỏi về chiến lược xét nghiệm hiện nay có quá khắt khe (7 ngày/lần hoặc một số hoạt động là 72 giờ), ông Nguyễn Hồng Tâm (PGĐ HCDC) cho biết hiện TP áp dụng theo chiến lược và quy định cụ thể, từng đối tượng trong xã hội.

Ví dụ, ở trường học, sân bay, doanh trại, lực lượng tiếp xúc nhiều người như shipper sẽ có từng quy định xét nghiệm khác nhau. Trong đó, quy định với lực lượng shipper có phần nghiêm ngặt hơn.

Theo ông Tâm, về nguyên tắc y khoa, việc tiêm chủng đủ chỉ giúp người tiêm giảm triệu chứng và nguy cơ tử vong khi mắc bệnh chứ không bảo vệ hoàn toàn khỏi bệnh. Do đó, chiến lược này có thể xem là phù hợp với tình hình hiện nay.

Về câu hỏi ngành y tế có cách nào giảm tải chi phí xét nghiệm cho doanh nghiệp, ông Tâm cho biết theo quy định, sẽ có trường hợp cho phép làm mẫu gộp và có trường hợp làm test nhanh kháng nguyên. Các đơn vị có thể căn cứ theo quy định để làm xét nghiệm dạng gộp hay test nhanh để tiết kiệm chi phí.

Về đưa người có nhu cầu về quê, Thượng tá Nguyễn Thanh Phong, Chủ nhiệm chính trị Bộ Tư lệnh TP, cho biết theo thống kê từ đường dây nóng của Bộ Tư lệnh TP, tính đến 11/10, đơn vị tiếp nhận 506 cuộc gọi, ghi nhận 843 người dân trên địa bàn đăng ký về quê tại 50 tỉnh, thành. Bộ Tư lệnh TP đã phối hợp chính quyền các địa phương, BCĐ và các sở, ngành để trong thời gian tới đưa bà con về quê theo chương trình, dự kiến từ 15/10.

“Ngoài ra, trong quá trình tiếp nhận, nhân viên tổng đài của Bộ Tư lệnh TP có hỏi thăm để phối hợp địa phương hỗ trợ gói an sinh cho bà con. Việc này nhằm giúp bà con yên tâm thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch trong thời gian chờ về quê”, thượng tá Phong nói.

Hôm qua (11/10), Sở GTVT TP HCM cho biết đã hoàn chỉnh phương án tổ chức đi lại giữa TP và Bình Dương, Long An, Tây Ninh, Đồng Nai cho người lao động.

Với người dân đi từ TP vào các tỉnh bằng xe cá nhân hoặc theo đoàn sẽ có từng phương án cụ thể.

Tổ chức vận chuyển bằng xe cá nhân: Người đi từ TP vào Long An, phải tiêm ít nhất một mũi vaccine sau 14 ngày; hoặc F0 đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng; có kết quả âm tính nCoV còn hiệu lực định kỳ 7 ngày/lần.

Người đi từ TP vào Bình Dương bằng ôtô phải tiêm ít nhất một mũi vaccine sau 14 ngày; hoặc F0 đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng; có kết quả âm tính COVID-19 còn hiệu lực định kỳ 7 ngày/lần và giấy xác nhận lưu thông người lao động ghi rõ địa điểm, cung đường.

Nếu đi bằng xe máy, người lao động chỉ được đi lại giữa 2 địa phương giáp ranh TP Thủ Đức và TP Thuận An, Dĩ An.

Người ngồi trên xe phải tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc F0 đã khỏi bệnh trong 6 tháng; có kết quả âm tính COVID-19 còn hiệu lực định kỳ 7 ngày/lần và giấy xác nhận lưu thông của người lao động ghi rõ địa điểm, cung đường.

Người đi từ TP vào Tây Ninh phải tiêm ít nhất một mũi vaccine sau 21 ngày; hoặc F0 đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng; có kết quả âm tính COVID-19 còn hiệu lực trong vòng 72 giờ.

Riêng tỉnh Đồng Nai chưa cho phép xe cá nhân (ôtô, xe máy) lưu thông ra vào địa bàn.

Người đi từ Bình Dương, Long An, Tây Ninh vào TP (bằng ôtô, xe máy) phải tiêm ít nhất một mũi vaccine sau 14 ngày; hoặc F0 đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng; có kết quả âm tính nCoV còn hiệu lực định kỳ 7 ngày/lần.

Đọc thêm