TP Hồ Chí Minh chuẩn bị kỹ lưỡng phương án chống dịch khi lực lượng chi viện rút dần

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Trước khi lực lượng chi viện chống dịch và điều trị bệnh nhân COVID-19 rút khỏi, TP Hồ Chí Minh đã chuẩn bị các phương án ứng phó trong tình hình mới.
Ngành Y tế TP HCM có thể chủ động được khi lực lượng chi viện rút khỏi.
Ngành Y tế TP HCM có thể chủ động được khi lực lượng chi viện rút khỏi.

Mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đề xuất, chậm nhất trước ngày 15/10, các đoàn chi viện này sẽ rút quân và trở về địa phương. Nhiều chuyên gia cho rằng, hàng nghìn cán bộ, nhân viên y tế chi viện lần lượt rút về có thể tạo khó khăn bước đầu, nhưng ngành Y tế TP HCM có thể chủ động được.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, việc rút lực lượng chi viện từ các địa phương và bệnh viện Bộ, ngành Trung ương khỏi thành phố đã được lãnh đạo TP HCM tính toán kỹ lưỡng. TP HCM có đủ sức đảm đương việc cách ly, điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng. Hơn nữa, không phải tất cả bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế đều đồng loạt rút quân.

“Sở Y tế TP HCM cũng đã có kế hoạch tái cơ cấu hệ thống các tầng điều trị dựa trên số lượng bệnh nhân, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế. Do đó, việc rút quân chi viện cũng sẽ không tạo khoảng trống cho y tế thành phố”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nêu rõ.

Hiện tại, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM đóng trên địa bàn thành phố vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ công tác điều trị. Bệnh viện Hồi sức COVID-19 (TP Thủ Đức) do Bệnh viện Chợ Rẫy vận hành vẫn tiếp tục hoạt động bình thường.

Bên cạnh đó, các Trung tâm Hồi sức người bệnh COVID-19 do Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) và Bệnh viện Trung ương Huế sẽ được tái cơ cấu khi nhân lực có kế hoạch rút quân dần dần. TP HCM sẽ có kế hoạch đưa bệnh viện của thành phố tiếp quản các trung tâm này.

Thông tin về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM nhận định, TP đã chuẩn bị từ rất lâu cho tình huống lực lượng chi viện rút quân.

Thành phố sẽ củng cố chất lượng điều trị tại các bệnh viện điều trị COVID-19, giữ lại các bệnh viện có ICU, với 900 giường có gắn máy thở, monitor và 3.000 giường có oxy, để sẵn sàng đáp ứng cho tình huống dịch bệnh có diễn biến phức tạp cũng như đáp ứng các tiêu chí của Bộ Y tế.

TP HCM cũng đang tiến hành chuyển đổi công năng một số bệnh viện dã chiến thu dung và cơ sở điều trị để phù hợp tình hình mới, một số bệnh viện dã chiến đã hoàn thành sứ mệnh và kế hoạch rút lực lượng chi viện theo chỉ đạo của Bộ Y tế cũng đã và đang được triển khai.

Sở Y tế cũng đang phối hợp các sở, ngành tham mưu cho UBND TP HCM lộ trình chuyển đổi các bệnh viện COVID-19 theo hướng tái cấu trúc ngành Y tế. Cụ thể, nhóm bệnh viện dã chiến, khu cách ly quận huyện sẽ thu gọn, giải thể khi hết người cách ly, trả lại cơ sở vật chất cho trường học. Các quận, huyện sẽ thành lập bệnh viện dã chiến thu dung chăm sóc F0 tại cộng đồng có triệu chứng, nguy cơ trở nặng; còn các F0 nhẹ, không triệu chứng sẽ điều trị ở nhà.

Các bệnh viện ở tầng hai và ba do Sở Y tế quản lý sẽ tái thiết lập thành bệnh viện ba tầng (như bệnh viện dã chiến 13, 14, 16 có trung tâm hồi sức tích cực - ICU). Các bệnh viện cấp thành phố, cấp quận huyện sẽ trả lại công năng ban đầu theo đúng lộ trình.

Trong khi đó, bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM), cũng tin tưởng thành phố có đủ năng lực và chủ động công tác điều trị, ngay cả khi lực lượng chi viện từ các địa phương và Bộ Y tế rút quân.

“Thành phố đã chuẩn bị đầy đủ cơ số giường hồi sức tích cực (ICU), nguồn oxy, máy thở. Phác đồ điều trị cũng dần dần hoàn thiện. Đặc biệt là người lớn tuổi và có nguy cơ cao tại thành phố đã được tiêm chủng vaccine đầy đủ. Vaccine là yếu tố quan trọng giúp tình hình dịch ở thành phố diễn biến khả quan hơn”, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Bệnh viện Đại học Y Dược (TP HCM) cho rằng, việc cần thiết lúc này đẩy mạnh củng cố mạng lưới y tế cơ sở. Đây là yếu tố quan trọng để củng cố năng lực y tế trong cách ly, điều trị COVID-19 thời gian tới.

Bên cạnh đó, thành phố cần tăng cường hệ thống giám sát dịch tễ lên mức cao hơn, theo dõi diễn biến dịch thường xuyên để đáp ứng chủ động với sự thay đổi của tình hình. Song song đó, thành phố vẫn tiếp tục tích cực đẩy mạnh tiêm đủ 2 mũi vaccine cho người dân trong thời gian tới…

Ngày 8/10, TP HCM đã tri ân 30.000 cán bộ, chiến sĩ chi viện chống dịch. Tại buổi lễ, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên bày tỏ sự tri ân với các lực lượng chi viện trên cả nước đã cùng thành phố ứng phó với đại dịch COVID-19 trong hơn 100 ngày lịch sử. Họ chấp nhận mọi gian khổ, hy sinh để kịp thời “chia lửa” cùng đồng đội đang oằn mình chống dịch.

Sau 4 tháng ròng rã “không thể nói hết bằng lời”, cả thành phố đã trải qua những ngày khó khăn đỉnh điểm của dịch bệnh. Khoảng 132 đơn vị của bộ, ngành, Trung ương và các tỉnh, thành trên cả nước đã cùng sát cánh, các lực lượng đã kiên gan chiến đấu, từng bước hỗ trợ TP HCM kiểm soát được dịch để chuẩn bị cho giai đoạn bình thường mới.

Thời gian tới, TP HCM sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực cho vaccine, kiến nghị Bộ Y tế thí điểm tiêm cho trẻ em khi có vaccine phù hợp; thực hiện nghiêm chiến lược xét nghiệm; phát huy hiệu quả 3 tầng điều trị và chăm sóc F0 dựa vào cộng đồng.

Tại buổi lễ, lãnh đạo Thành ủy, UBND TP HCM cũng đã trao tặng bằng khen cho 55 tập thể cùng 20 triệu đồng tiền thưởng cho mỗi tập thể; 119 cá nhân nhận huy hiệu của TP HCM.

Đọc thêm