Lực lượng chi viện vẫn ở lại cho đến khi số bệnh nhân giảm
Trả lời câu hỏi về lý do Sở Y tế TP kiến nghị Bộ Y tế cấp mã bệnh nhân cho các F0 được phát hiện qua test nhanh, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu (Phó Giám đốc Sở Y tế) cho biết theo quy định của Bộ Y tế, để xác định một trường hợp là F0 cần xác định bằng kỹ thuật PCR. Test nhanh có hạn chế là làm độ nhạy và đặc hiệu không cao.
Tuy nhiên, tháng 8 và tháng 9/2021, số ca bệnh tăng nhanh và xảy ra đại dịch. Trong bối cảnh đó, một trường hợp có biểu hiện lâm sàng của mắc Covid-19 qua test nhanh thì cần được xác nhận nhiễm để điều trị thay vì chờ PCR. Do đó, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đã có công văn cho phép công nhận người có kết quả test nhanh dương tính là F0.
TP thời gian qua đã ghi nhận tất cả trường hợp test nhanh dương tính là F0 và quản lý đúng quy định, đảm bảo điều kiện cách ly, chăm sóc tại nhà, phát gói thuốc A, B, C để chăm sóc F0 tại cộng đồng. Tất cả bệnh nhân này đều có trong danh sách của TP, đều được cấp thuốc, điều trị.
Tuy nhiên, các trường hợp này chưa được cấp mã số quốc gia. Vừa qua, Sở có văn bản đề nghị Bộ Y tế bổ sung các trường hợp này vào danh sách quốc gia. Theo thống kê của TP, có gần 150.000 F0 thuộc nhóm này.
Việc tăng thêm 150.000 F0 sẽ ảnh hưởng thế nào đến các con số thống kê của TP như tỷ lệ tử vong, tỷ lệ ca dương tính? Ông Châu nói đây là những trường hợp đã được tiếp nhận, đã lập danh sách và được điều trị tại nhà, theo dõi đầy đủ. Số F0 tăng sẽ ảnh hưởng đến mẫu số khi phân tích, ví dụ như tỷ lệ tử vong. Khi mẫu số tăng lên thì tỷ lệ tử vong sẽ giảm đi.
“Tới nay, TP dựa vào số F0 thật để thu dung, điều trị tại nhà. Theo tiêu chí mới của Bộ Y tế thì số ca mắc mới chỉ là một trong các tiêu chí để phân cấp độ nguy cơ trong Bộ tiêu chí của Bộ Y tế. Trên ngưỡng trên 150 trường hợp/100.000 dân/tuần thì ở cấp độ 4. Do đó, số ca mắc tăng lên thì TP vẫn trên 150”, ông Châu nói.
Theo ông Châu, khi các tiêu chí đảm bảo thì TP vẫn có thể xuống cấp độ thấp hơn, các biện pháp an toàn sẽ thuận tiện hơn cho các hoạt động của địa phương.
Về lực lượng chi viện tại TP, ông Châu cho biết tùy theo tình hình dịch bệnh, TP cùng Bộ Y tế sẽ có chiến lược thu gọn các bệnh viện dã chiến. “Đến nay, lực lượng chi viện vẫn ở lại cho đến khi số bệnh nhân giảm, phù hợp với năng lực điều trị của TP”, ông Châu nói.
Ông Châu cho biết năng lực điều trị phù hợp nằm trong kế hoạch tổng thể của ngành y. Thời gian tới, nhiệm vụ của ngành y tế TP bên cạnh điều trị bệnh nhân COVID-19 thì vẫn phải điều trị bệnh không phải là COVID-19. Nguyên tắc phục hồi công năng cho các cơ sở dã chiến phụ thuộc vào số ca mắc, ca bệnh nặng. TP ưu tiên phục hồi bệnh viện quận, huyện để có các BV đa khoa tiếp nhận người bệnh không phải Covid-19.
Đến nay, hai BV đa khoa quận 7 và huyện Củ Chi đã chuyển tất cả các trường hợp mắc COVID-19 sang nơi khác để xanh hóa và trong vài ngày tới sẽ tiếp nhận điều trị bệnh nhân không phải COVID-19.
Điều tra cán bộ quản lý dược tham ô thuốc kháng virus
Tại cuộc họp báo, Thượng tá Huỳnh Quang Tiến, Phó phòng Tham mưu Công an TP, cho biết thời gian qua, Công an TP đã khám phá 2 vụ việc trục lợi liên quan tiêm chủng vaccine phòng COVID-19; 1 vụ mua, bán thuốc kháng virus Molnipiravir trái phép; 2 vụ việc sử dụng tài khoản Facebook để lừa đảo cấp giấy đi đường, tiêm vắc xin, bán thuốc kháng virus và 1 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả, thuốc tân dược giả các nhãn hiệu có tác dụng phòng ngừa, chữa trị COVID-19.
Trong đó, đã khởi tố 2 vụ án, khởi tố 2 bị can với Trương Mạnh Thảo (cán bộ phụ trách kinh tế UBND phường 2, quận 6) về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, do có hành vi móc nối giải quyết việc tiêm ngừa vaccine để trục lợi; Lê Thị Kim Dung (thường trú quận 4) về tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi”, do có hành vi móc nối với Nguyễn Thanh Tuấn (cán bộ phụ trách điểm tiêm chủng tại phường 10, quận 11) đưa 21 trường hợp không thuộc diện vào danh sách tiêm, thu lợi bất chính 51,8 triệu đồng.
Đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can với Nguyễn Minh Phụng (thường trú Thủ Đức) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; đối tượng này có hành vi sử dụng mạng xã hội đăng tải thông tin cung cấp giấy đi đường, tiêm ngừa vaccine, thuốc kháng virus để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đã khởi tố 1 vụ án, 3 bị can (Nguyễn Đức Thuận, Dương Quốc Chinh, Nguyễn Thị Kim Tuyến) về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả thuốc tân dược giả các nhãn hiệu có tác dụng phòng ngừa, chữa trị COVID-19.
Công an cũng đang điều tra làm rõ 1 vụ việc liên quan hành vi “Tham ô tài sản”, mua, bán thuốc kháng virus Molnipiravir liên quan cán bộ quản lý dược tại Trung tâm у tế quận Bình Tân, Trung tâm y tế quận Tân Phú và một số đối tượng có liên quan.
Hiện Công an TP đang tiếp tục chỉ đạo các lực lượng tăng cường công tác quản lý địa bàn, trinh sát, xác minh bắt giữ một số trường hợp đăng tin quảng cáo, dịch vụ tiêm vaccine, rao bán thuốc điều trị COVID-19.
Tại cuộc họp báo, một lãnh đạo BCĐ phòng chống COVID-19 TP cho biết: “Sau một thời gian rất dài, hiện số ca nhập viện trong ngày đã ít hơn số ca xuất viện, số tử vong và số bệnh nhân nặng cũng giảm. Đây là những tín hiệu rất lạc quan trong công tác phòng chống dịch tại TP”.