TP Hồ Chí Minh có thể kéo dài Chỉ thị 16 thêm 2 tuần

(PLVN) - TP HCM dự kiến áp dụng Chỉ thị 16 đến ngày 1/8, nhưng có thể sẽ phải kéo dài thêm 2 tuần để đảm bảo chặn được dịch. Đồng thời, TP cũng sẽ siết chặt thời gian người dân được ra đường.
TP Hồ Chí Minh có thể kéo dài Chỉ thị 16 thêm 2 tuần.

Đây là nhấn mạnh của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh tại họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch COVID-19 tại TP HCM, sáng 25/7.

Xử lý nghiêm những người “kiếm cớ” ra đường

Thời gian qua nhiều địa bàn chưa thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. “Việc này cần nghiêm túc nhìn nhận, phân tích, không phải để xác định trách nhiệm. Nếu không dừng lại, không làm tốt thì dịch sẽ lây lan mạnh và tình hình sẽ xấu, tồi tệ hơn”, Phó Bí thư cảnh báo.

Phó Bí thư nhắc lại 3 tình huống mà TP HCM đặt ra sau 15 ngày đầu tiên áp dụng Chỉ thị 16. Đó là kiểm soát được dịch; dịch chưa được kiểm soát; và mất kiểm soát. Ông đánh giá thực tế TP HCM đang ở tình huống thứ hai và đã “lỡ cơ hội” để có được tình huống thứ nhất. Trước tình hình này, trong những ngày tới sẽ có công an, quân đội cùng với lực lượng phòng, chống dịch cơ sở kiểm tra, tuần tra kiểm soát nhằm đảm bảo từng địa bàn giãn cách thật nghiêm.

“TP HCM hiện vẫn chưa xác định được đỉnh dịch, chính vì vậy từ nay đến 1/8 hoặc trong 2 tuần nữa, TP cũng phải chuẩn bị tính tới diễn biến xấu hơn để chuẩn bị khởi động kịch bản 3 trong đó có phong toả mạnh mẽ hơn, thậm chí phải sử dụng thêm những biện pháp khác. Việc này không chỉ các cơ quan chức năng mà cả người dân phải có ý thức và tâm thế chuẩn bị”, ông Mãi cũng cho biết.

Bên cạnh đó, trong quá trình đi thị sát, kiểm tra ở TP HCM ngày 24/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã bày tỏ quan ngại về tình trạng người dân vẫn đổ ra đường dù TP đang áp dụng các biện pháp mạnh hơn so với Chỉ thị 16. Mặc dù lưu lượng giao thông giảm xuống 84%, nhưng tới ngày 24/7 thì lưu lượng đã tăng lại và chỉ còn ở mức giảm 70% so với thông thường. “Giãn cách như vậy thì làm sao chống dịch được”, Phó Thủ tướng nói.

Do đó, trong cuộc họp báo ngày 25/7, Phó Bí thư Phan Văn Mãi cho biết, TP sẽ có quy định tăng biện pháp thắt chặt di chuyển. “UBND TP sẽ có văn bản quy định về đối tượng, nhiệm vụ, thời gian việc di chuyển ra bên ngoài đường. Chúng tôi xin nói luôn có thể sẽ giới hạn ở những khung giờ nhất định nào đó, ví dụ như sau 18h thì những đối tượng, nhiệm vụ nào sẽ không thực hiện. Đây là biện pháp mà TP sẽ nghiên cứu, triển khai thực hiện trong thời gian sắp tới”, ông Mãi nhấn mạnh.

Ngoài ra, TP HCM hiện có 2/3 lượng xe lưu thông đi trên đường là shipper; trong đó có hai dạng là shipper công nghệ và shipper là xe ôm truyền thống chuyển qua. Tuy nhiên, vừa qua, đã xuất hiện tình trạng một số người dân mua bán quần áo shipper để kiếm cớ ra đường. TP cũng đã nắm được tình trạng này và đã yêu cầu các chốt kiểm soát thắt chặt kiểm tra, xử lý khá nhiều trường hợp.

Vì vậy, TP chỉ cho shipper hoạt động nếu vận chuyển mặt hàng thiết yếu và shipper được quyền từ chối hàng hóa không phải thiết yếu. Khi đến các chốt, trạm kiểm tra, lực lượng chức năng sẽ kiểm tra, nếu không phải shipper và không chở mặt hàng thiết yếu thì có thể bị xử lý. Các lực lượng chức năng cũng đang tăng cường quản lý, tuần tra người ra đường không lý do, đặc biệt trường hợp mua bán trang phục của shipper để ra đường, sắp tới, ngành chức năng sẽ có biện pháp cụ thể hơn để giải quyết…

Đảm bảo kỷ cương giãn cách

Tại cuộc họp, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP HCM thông tin, trên thực tế ghi nhận có tình trạng người dân trong khu phong tỏa không nghiêm túc cách ly, số lượng F0 phát hiện tại khu phong tỏa chiếm đa số trong số F0 hằng ngày, thậm chí có ngày hơn 70% số ca toàn thành phố.

Trọng tâm sắp tới TP sẽ đảm bảo kỷ cương giãn cách, các công văn của UBND TP HCM gần đây cũng có quy định liên quan đến khu phong tỏa nhằm triệt để cách ly người với người, gia đình với gia đình và không tiếp xúc với những người xung quanh, chính quyền tại địa phương đó phải có các phương án cung cấp thực phẩm hoặc đi chợ thay người dân, giảm thiểu cơ hội giao lưu, lây nhiễm bệnh trong những khu vực này.

Về nhiệm vụ điều trị F0 được xem là nhiệm vụ chính trong thời gian tới, TP sẽ tập trung nguồn lực có thể có, tổ chức một cách khoa học để điều phối công tác điều trị có hiệu quả thực hiện mục tiêu giảm tử vong.

“Chúng tôi đang huy động nhiều hơn nữa các bệnh viện tư nhân để có thể mở rộng năng lực tiếp nhận và điều trị trong giai đoạn trước mắt lên tới 900 giường. Chúng tôi sẽ rà soát lại để tăng năng lực tiếp nhận và điều trị. Đồng thời, triển khai thêm các cơ sở dã chiến, trang bị thêm để nâng cao năng lực này trong tình huống số bệnh nhân tăng cao”, ông Phan Văn Mãi cho biết.

Về nguồn nhân lực y tế, thời gian qua TP HCM nhận được sự quan tâm hỗ trợ từ Trung ương và các địa phương. Tuy nhiên hiện nay, dịch cũng đang diễn biến phức tạp tại các địa phương, do đó bên cạnh sự tiếp nhận giúp đỡ từ Trung ương và các địa phương khác, TP HCM sẽ huy động tối đa nguồn lực, phát huy cao độ phương châm 5 tại chỗ xuyên suốt.

Đọc thêm