TP Hồ Chí Minh: Đảm bảo thực hiện “ai ở đâu ở yên đó”

(PLVN) -  Người dân TP HCM phải đảm bảo việc thực hiện quy định về giãn cách xã hội, “ai ở đâu ở yên đó”, nhà cách ly nhà, tổ dân phố cách ly tổ dân phố, khu phố, ấp cách ly khu phố, ấp...
Nhiều tỉnh, thành đón người dân hồi hương từ tâm dịch TP HCM và các tỉnh phía Nam.

Đó là nhấn mạnh của ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP HCM tại cuộc họp báo thông tin tình hình dịch bệnh và triển khai các giải pháp phòng, chống dịch giai đoạn tới, ngày 20/8.

Phấn đấu đến 15/9 kiểm soát, ngăn ngừa dịch

Theo đó, TP HCM tiếp tục thực hiện Nghị quyết 86 và giãn cách xã hội, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TP tiếp tục tăng cường, nâng cao các biện pháp với phương châm “mỗi tổ dân phố, khu phố, phường, xã, thị trấn, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài phòng chống dịch”, với 5 giải pháp:

Thứ nhất, người dân TP bảo đảm việc thực hiện quy định về giãn cách xã hội “ai ở đâu ở yên đó”, nhà cách ly với nhà, tổ dân phố cách ly tổ dân phố, khu phố - ấp cách ly khu phố-ấp, phường - xã - thị trấn cách ly phường - xã - thị trấn.

Thứ hai, tập trung chăm lo, điều trị người có triệu chứng, chuyển nặng, hạn chế tỉ lệ tử vong. Thứ ba, tiếp tục tiến hành lấy mẫu xét nghiệm người dân ở những khu vực “vùng đỏ” trên bản đồ COVID-19 TP HCM. Thứ tư, tăng cường đẩy mạnh việc tiêm vắc-xin cho người dân.

Thứ năm, TP bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu, tiếp tục chăm lo đầy đủ, hỗ trợ nhanh chóng đến người dân có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế tại địa bàn dân cư. Đề nghị người dân bình tĩnh, yên tâm thực hiện “5K - vắc-xin + thuốc uống”, không tập trung mua gom hàng hoá, thực phẩm, TP đã chuẩn bị các phương án bảo đảm cung ứng hàng hóa trong thời gian thực hiện các biện pháp phòng chống dịch nêu trên.

Ông Hải cho biết, 5 giải pháp này là 1 bước nâng cao có sự tập trung hơn, đẩy mạnh hơn để đạt yêu cầu đến 15/9 TP phải kiểm soát và ngăn ngừa được dịch.

Chung tay “chia lửa” cùng TP Hồ Chí Minh

Hơn lúc nào hết, các địa phương trên cả nước phải “chia lửa” với tâm dịch miền Nam bằng hành động thiết thực, đặc biệt là hỗ trợ đưa người dân hồi hương.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh TP HCM và các tỉnh, thành phía Nam vật vã với cuộc chiến khốc liệt mang tên đại dịch COVID-19, hầu hết người dân ở các tỉnh, thành đang sinh sống tại tâm dịch này mong mỏi được hồi hương. Và việc các địa phương đón bà con về quê sẽ phần nào giúp TP HCM và các tỉnh vơi bớt gánh nặng.

PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống Xã hội (Social Life) cho biết, cứ 10 người được hỏi thì có đến 9 người mong muốn được về quê. Đã đến lúc các tỉnh, thành trong cả nước cần nghiêm túc nhìn nhận vấn đề này và sớm có biện pháp đưa công dân hồi hương.

Đầu tiên, việc đưa công dân về quê sẽ giảm bớt áp lực cho lực lượng chống dịch đang ngày đêm ngăn cản lượng người đổ về. Thứ hai là giảm tải áp lực cho TPHCM và các tỉnh vì phải chăm sóc quá nhiều đối tượng.

Thứ ba, sau hơn 2 tháng bị đại dịch COVID-19 “điểm huyệt”, hàng loạt công ty, xí nghiệp ở TPHCM, Bình Dương... buộc đóng cửa. Điều này đồng nghĩa với hàng trăm nghìn công nhân mất việc. Thêm vào đó, nhiều tỉnh, thành đồng loạt áp dụng Chỉ thị 16 cũng khiến một bộ phận không nhỏ người lao động tự do lao đao, không thể xoay xở, buộc phải ra đường kiếm ăn.

Thứ tư, người lao động không may nhiễm bệnh thì ở tại các tỉnh, thành vẫn còn có khả năng sớm được cứu chữa so với TP HCM, Bình Dương và các tỉnh, thành đang trong tình trạng quá tải.

Trong khi đó, ông Phan Đình Tuệ, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Nghệ Tĩnh tại TP HCM cho biết, Hội đã phối hợp với tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh tổ chức thành công 6 chuyến bay đưa 1.700 người dân về quê. Trong đó, Hội lo tiền vé máy bay, tỉnh lo chi phí cách ly.

Tương tự, các tỉnh: Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam cũng đã lên phương án để hỗ trợ người dân của tỉnh đang bị kẹt lại vùng dịch. Các tỉnh này đều đã có những chuyến bay, tàu xe đưa người dân về quê trước đó. Song, tình hình dịch bệnh phức tạp, địa phương buộc phải thực hiện phương án hỗ trợ tại chỗ.

PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Nguyên Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội cho rằng, hiện TP HCM, Bình Dương đang là “rốn dịch”. Hai địa phương này đang có quá nhiều việc phải xử lý, mỗi ngày đều phải họp bàn để tìm cách, lên phương án đối phó với dịch bệnh. Do đó, việc đưa người dân về quê, các địa phương nên chủ động lên phương án.

Tuy nhiên, hành trình về quê của người dân không hề đơn giản. Các tỉnh đón người dân hồi hương phải có kịch bản cụ thể, kỹ lưỡng, phải có sự chuẩn bị, thành lập thêm các khu cách ly mới, chủ động hỗ trợ, lên kế hoạch đón người dân về… nếu không sẽ phản tác dụng.

Đọc thêm