TP Hồ Chí Minh dồn sức giảm tỷ lệ tử vong vì COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  TP Hồ Chí Minh đang trải qua thời kỳ khó khăn chưa từng có. Với đặc điểm lây lan mạnh, nhanh, biến thể Delta đã gây ra nhiều thách thức trong công tác phòng chống dịch, đặc biệt là công tác điều trị. Hiện TP đang nỗ lực để giảm tỷ lệ tử vong và giảm số lượng ca F0 trong cộng đồng.
TP Hồ Chí Minh nỗ lực giảm tỷ lệ người tử vong vì COVID-19.
TP Hồ Chí Minh nỗ lực giảm tỷ lệ người tử vong vì COVID-19.

Dùng công nghệ quản lý F0 tại nhà

Một trong những nguyên nhân khiến F0 tại TP HCM tử vong cao là do tình trạng quá tải ở các cơ sở thu dung, điều trị do lượng các ca bệnh mắc mới quá lớn - khoảng 3.000 ca mỗi ngày trong mấy tuần gần đây.

Trước tình hình trên, TP HCM huy động nguồn lực điều trị bệnh nhân COVID-19 tại các cơ sở không trở nặng để giảm áp lực cho tầng trên - giảm tỷ lệ tử vong đồng thời thay đổi nhiều cách thức như cấp thuốc điều trị ngay từ đầu cho F0 đang ở nhà.

Với ưu tiên hàng đầu là “giảm tử vong”, theo ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, địa phương đang áp dụng mô hình chăm sóc và điều trị người mắc COVID-19 theo 2 trụ cột. Trụ cột thứ nhất là áp dụng gói chăm sóc sức khỏe tại nhà với F0 mới được phát hiện tại cộng đồng đủ điều kiện cách ly tại nhà. Trụ cột thứ hai là cấp cứu và điều trị tại các bệnh viện.

TP HCM thực hiện theo mô hình tháp 3 tầng thu dung và điều trị bệnh nhân COVID-19. Trong đó, tầng điều trị thứ nhất hiện có 18.120 F0 cách ly tại nhà, 153 cơ sở cách ly tập trung F0 tại 22 quận, huyện và TP Thủ Đức (với khoảng gần 24.000 giường).

Hiện nay, TP HCM đang áp dụng công nghệ quản lý F0 cách ly tại nhà. Cụ thể, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức vừa có công văn gửi các đơn vị về việc quản lý, hỗ trợ các trường hợp F0 cách ly tại nhà. Để hỗ trợ nhóm này, TP.HCM thực hiện 4 nhóm giải pháp công nghệ thông tin.

Thứ nhất, UBND TP Thủ Đức, các quận, huyện, phường, xã, thị trấn thực hiện truy xuất và quản lý danh sách F0 đang cách ly tại nhà bằng chức năng “người cách ly” trên phần mềm “Hệ thống Quản lý người cách ly và người bệnh COVID-19”.

Thứ hai, các trạm y tế lập “phiếu theo dõi sức khỏe” của người cách ly tại nhà dựa vào thông tin khai báo y tế hàng ngày của người cách ly qua ứng dụng “Hệ thống khai báo y tế điện tử”.

Thứ ba, để hỗ trợ tư vấn sức khỏe cho người dân, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đã lập các nhánh hỗ trợ trên Tổng đài 1022: Nhánh 3 - Tư vấn sức khỏe của Hội Y học TP.HCM; Nhánh 4 - Tư vấn sức khỏe của Mạng lưới bác sĩ đồng hành.

Cuối cùng, Sở Y tế cùng Sở Thông tin - Truyền thông tổ chức tập huấn cho các đơn vị tham gia; tổ chức nhân lực để vận hành, khai thác hệ thống trên.

5 điểm trọng yếu nhanh chóng khống chế dịch

Mới đây, trong buổi làm việc với lãnh đạo TP HCM về công tác chăm sóc, điều trị người mắc COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng nhấn mạnh, TP HCM cần đặc biệt lưu tâm thực hiện 5 điểm trọng yếu nhằm nhanh chóng khống chế dịch.

Thứ nhất, phải thực hiện giãn cách thật nghiêm. “Giãn cách nghiêm là vấn đề cơ bản, quan trọng và quyết định. Các biện pháp khác là biện pháp kỹ thuật hỗ trợ thêm”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thứ hai, phải chú trọng thực hiện an sinh xã hội tại chỗ. Đây là biện pháp trọng yếu và thường xuyên. Khi người dân được cung cấp các gói an sinh xã hội, họ sẽ không cần ra ngoài và như thế sẽ hạn chế được sự lây nhiễm dịch bệnh.

Thứ ba, xét nghiệm sớm là giải pháp then chốt nhằm phát hiện nguồn lây, bóc tách F0 khỏi cộng đồng, xác định rõ người nhiễm để có biện pháp hỗ trợ sớm, tránh lây lan nhanh, lây lan diện rộng. Ngày 20/8 tới đây, Bộ Y tế sẽ đưa 10 xe xét nghiệm vào TP HCM, mỗi xe công suất 2.000 - 3.000 mẫu đơn, nhân lực xét nghiệm do Bộ Y tế chịu trách nhiệm. Hoạt động của các xe này đặt dưới quyền điều hành của TP HCM.

Thứ tư, giảm tử vong là ưu tiên hàng đầu.

Thứ năm, vaccine COVID-19 là chiến lược lâu dài.

Riêng đối với vấn đề an sinh xã hội, đây là nhu cầu bức thiết khi người dân đã trải qua giãn cách xã hội gần ba tháng và kéo dài đến giữa tháng 9. Nhiều lao động ngoại tỉnh không thể về quê trước yêu cầu “ai ở đâu ở yên đấy”, rơi vào cảnh mất việc, không còn thu nhập. TP HCM đang triển khai ba gói hỗ trợ người khó khăn cùng lúc. Ngoài gói 26.000 tỷ đồng hỗ trợ chung cả nước, thành phố có hai gói riêng với kinh phí gần 1.800 tỷ đồng, nhưng chưa đáp ứng đủ.

TP HCM cũng đang kiến nghị Chính phủ hỗ trợ gần 28.000 tỷ đồng và 142.200 tấn gạo giúp hơn 4,7 triệu người khó khăn do ảnh hưởng COVID-19. Cụ thể, số lao động nghèo dự kiến hỗ trợ hơn 1,5 triệu hộ với hơn 4,7 triệu người. Mức hỗ trợ bao gồm tiền ăn 50.000 đồng/người/ngày, tiền thuê phòng trọ 1,5 triệu đồng/hộ/tháng, 15 kg gạo/người.

Đọc thêm