TP Hồ Chí Minh dồn tổng lực, thay đổi chiến thuật chống dịch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Hiện số ca nhiễm tại TP HCM vẫn liên tục tăng, đứng thứ 3 cả nước và rất nhiều ca cộng đồng, không rõ nguồn lây. Do đó, TP HCM ban hành chỉ thị khẩn về siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm ở TP Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm ở TP Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa

Vẫn còn diễn biến phức tạp

Theo Sở Y tế TP HCM, đặc điểm lớn nhất của các chuỗi lây nhiễm trong đợt dịch này là chủng virus Delta gây lây nhiễm mạnh trong gia đình, hàng xóm, nơi làm việc và sự lây nhiễm từ gia đình vào nơi làm việc; từ nơi làm việc về nhà đã làm cho dịch COVID-19 lan tỏa rất nhanh và rộng tại TP HCM, đặc biệt rất nhiều chùm ca bệnh chưa rõ nguồn lây.

Riêng trong ngày 20/6, TP HCM phát hiện thêm 5 ca mắc COVID-19 chưa rõ nguồn lây, được phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc, phân bổ tại các khu vực: Quận 8 (1), quận 12 (1), quận Bình Tân (2), TP Thủ Đức (1). Trong thời gian tới, số ca nhiễm sẽ tiếp tục tăng, nhiều ca bệnh chưa rõ nguồn lây, dự báo sẽ xuất hiện nhiều ca nhiễm trong cộng đồng.

Ngoài ra, TP HCM mới xuất hiện một vấn đề trong khu cách ly, mặc dù chưa quá tải nhưng tâm lý F1 bất ổn. Khi bị phát hiện, nhiều F1 không hợp tác. Để đối phó với tình hình này, nhân viên y tế tại các khu cách ly tập trung cũng phải tăng năng suất làm việc lên nhiều lần.

Bác sĩ Nguyễn Kim Khôi Nguyên, phụ trách khu cách ly quận 3, Trung tâm Y tế quận 3, TP HCM cho biết, hiện quận 3 có khả năng tiếp nhận tối đa khoảng 60 F1. Cơ sở này đang cách ly cho 22 trường hợp. Dự kiến, con số này tăng lên trong thời gian tới. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là tâm lý của F1. Nhiều trường hợp tỏ rõ sự nghi ngờ với người cách ly cùng phòng khiến bầu không khí trở nên căng thẳng quá mức…

Các biện pháp trọng tâm

Để sớm đưa cuộc sống người dân trở lại bình thường, mới đây trong cuộc họp với TP HCM, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng, TP HCM phải thay đổi chiến thuật chống dịch, đẩy mạnh đồng bộ các biện pháp “Vaccine + 5K + Công nghệ”.

Trong đó, công nghệ phải được ứng dụng trong các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; ứng dụng trong quá trình tiêm chủng vaccine COVID-19 cũng như công tác truy vết, cách ly, trong quản lý hành chính... để nâng cao hiệu quả thực hiện.

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cũng vừa ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND về siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP HCM, bắt đầu từ 0h ngày 20/6.

Theo đó, yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức và các quận huyện siết chặt và tăng cường thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo của UBND TP HCM và tăng cường thêm các biện pháp như: Dừng tất cả các loại hình kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, dừng hoạt động các chợ tự phát;

Không tụ tập trên 3 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tuân thủ triệt để quy tắc 5K của Bộ Y tế; tăng cường xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của các cá nhân, tổ chức…

Cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu để phục vụ người dân thành phố và nhà máy, phân xưởng, xí nghiệp được tiếp tục hoạt động nhưng phải đảm bảo khoảng cách an toàn giữa người lao động tối thiểu 1,5m, mang khẩu trang…

Bên cạnh đó, TP sẽ thực hiện cách ly, phong tỏa đối với các khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao để kiểm soát tình hình dịch. Tổ chức xét nghiệm bằng nhiều biện pháp, phấn đấu thực hiện 500.000 mẫu/ngày. Đẩy nhanh tiến độ triển khai kế hoạch tiêm chủng vaccine đảm bảo tiến độ, đối tượng và an toàn…

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, bên cạnh nguồn vaccine phòng COVID-19 mà TP HCM tiếp cận được, Bộ Y tế tăng cường phân bổ ưu tiên nguồn vaccine cho TP, đảm bảo người dân có thể được tiếp cận vaccine, một trong số đó có vaccine của Moderna.

Bộ Y tế cũng hỗ trợ cho TP HCM để đảm bảo công tác tiêm chủng tại 1.000 điểm tiêm chủng cộng đồng được diễn ra đúng quy định, an toàn, hiệu quả. Theo đó, Sở Y tế TP HCM, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (HCDC) và Đại học Y Dược TP HCM đã phối hợp tổ chức tập huấn trực tuyến an toàn tiêm chủng vaccine COVID-19 cho các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn TP. Đã có hơn 3.000 người tham gia tập huấn.

Ngành Y tế TP HCM đã triển khai phương án tổ chức 3.000 giường điều trị bệnh nhân COVID-19 cùng với đầy đủ các trang thiết bị hồi sức, cấp cứu bệnh nhân nặng. Ngành y tế trên địa bàn và một số bệnh viện tư nhân đạt năng lực xét nghiệm khoảng 20.000 mẫu/24 giờ. Trường hợp cần thiết, có thể nâng công suất lên tối đa 30.000 mẫu/24 giờ.

TP HCM cũng đã huy động lực lượng các đơn vị y tế (930 đội) tham gia lấy mẫu xét nghiệm. Ngày cao điểm, TP HCM thực hiện 100.000 mẫu/24 giờ và có thể nâng công suất tối đa lên 200.000 mẫu/24 giờ…

Đọc thêm