TP Hồ Chí Minh nghiên cứu chính sách “thẻ xanh vaccine”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sáng qua (7/9), Phó chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức chủ trì cuộc họp của Tổ công tác tổ chức cung ứng và tiêm vaccine phòng COVID-19. Cuộc họp thảo luận để chuẩn bị cho chiến dịch phủ kín vaccine mũi 1 và tiêm kịp thời vaccine mũi 2 cho người dân từ nay đến 15/9.
Mục tiêu của TP HCM là tiêm 100% mũi 1 và phủ mũi 2 càng nhanh càng tốt.
Mục tiêu của TP HCM là tiêm 100% mũi 1 và phủ mũi 2 càng nhanh càng tốt.

Tại cuộc họp, ông Đức dẫn lại lời nhắn gửi của Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên và nhấn mạnh rằng trước đây, vaccine đứng sau điều trị và truy tìm F0, nhưng giờ vaccine đã là tuyến đầu. Với chính sách “thẻ xanh vaccine” mà TP HCM đang lên kế hoạch, cần phải sớm tiêm phủ vaccine mới có thể mở cửa, duy trì kinh tế. TP HCM đang nghiên cứu chính sách “thẻ xanh vaccine”, theo đó sẽ nới lỏng yêu cầu giãn cách xã hội với những người đã tiêm 1-2 mũi vaccine. Thẻ xanh vaccine cũng đã được nhiều địa phương như Bình Dương, Đồng Nai tính toán áp dụng để chuẩn bị cho “bình thường mới”.

Đề xuất tiêm vaccine cho công nhân ngay tại doanh nghiệp

Tại cuộc họp, BQL các Khu chế xuất và công nghiệp (HEPZA), BQL Khu công nghệ cao, Khu Công nghệ cao phần mềm Quang Trung báo cáo về tình hình tiêm vaccine cho công nhân, người lao động (NLĐ). Theo đó, có 2 nhóm chính là NLĐ đang thực hiện “3 tại chỗ” và những NLĐ đang ở ngoài các khu vực này.

Đại diện các đơn vị này báo cáo về khó khăn trong tổ chức tiêm vaccine cho NLĐ đang ở ngoài các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao (gọi chung là KCN). Một phần do các địa phương thông tin đang chờ vaccine để tiêm cho nhóm công nhân, NLĐ này. Các BQL đề xuất được tổ chức tiêm vaccine cho công nhân, NLĐ ngay tại DN nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, chuẩn bị cho quá trình trở lại sản xuất.

Nói về vấn đề này, ông Đức nhắc lại TP.HCM đang thực hiện siết chặt giãn cách xã hội, “ai ở đâu ở yên đó”, nên cần tổ chức tiêm ngay tại quận/huyện/TP. NLĐ di chuyển từ địa phương khác nhau đến KCN để tiêm vaccine sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện nghiêm giãn cách. Ông nhắc nhở các đơn vị phải nghĩ tới “cái chung” và gợi ý có thể tận dụng chính các KCN là một điểm tiêm của quận/huyện, tổ chức tiêm cho người dân cũng như NLĐ.

Phó GĐ Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương nêu giải pháp các DN có thể phối hợp với mỗi quận/huyện/TP để tổ chức một điểm tiêm cho DN ngay tại địa phương đó.

Đánh giá một số KCN có tỷ lệ tiêm vaccine mũi 1 chưa cao, đặc biệt có công nhân thực hiện “3 tại chỗ” nhưng chưa tiêm vaccine, ông Đức nhấn mạnh các đơn vị này cần khẩn trương tiêm cho người chưa tiêm mũi 1 và tiêm mũi 2 cho người đã tới hạn. Đây là bước chuẩn bị quan trọng để quay trở lại sản xuất khi TP sử dụng “thẻ xanh vaccine”. Bên cạnh đó, Sở Y tế phải kiểm tra dữ liệu với Sở TT&TT, không để sai sót dữ liệu. Hai đơn vị này phải đảm bảo có chứng nhận tiêm đầy đủ cho người dân vì đây là yếu tố rất quan trọng để từng bước quay trở lại bình thường mới.

Tăng cường tiêm vào ban đêm

Ông Đức cho biết từ nay đến 15/9, TP cần tiêm khoảng 2 triệu liều vaccine nên “phải căng sức ra làm mới kịp”. Ông đề nghị Sở Y tế đẩy tiến độ tiêm ở các quận/huyện trên mọi hướng, tăng cường tiêm ban đêm.

Theo đó, thứ nhất là điểm tiêm cố định tại cộng đồng. Ngành y tế phải quán triệt trong hệ thống rằng vaccine cấp cho địa bàn là cấp cho toàn bộ người dân. “Vaccine phân bổ về cho quận/huyện/TP là vaccine chung cho tất cả người dân, không phân biệt bất kỳ điều gì như thường trú, tạm trú, ngành nghề công tác...”, ông Đức nhấn mạnh.

Thứ hai là điểm tiêm đặc thù dành cho đối tượng là DN, chủ yếu đẩy trước DN tuyến đầu để thực hiện nhanh nhất có thể. Ông Đức nhắc lại phương châm từ đầu là linh hoạt, với mục tiêu tổ chức tiêm vaccine hiệu quả nhất.

Thứ ba là đội tiêm di động. Nhóm này cần tập trung tiêm tận nhà trong khu trọ đông công nhân. Đội tiêm cần phối hợp với đội xét nghiệm để tiêm cho người người test nhanh âm tính. Ngành y tế khai thác hiệu quả hơn 25 xe tiêm lưu động.

Ông cũng đề nghị đơn vị sớm tiêm cho nhóm giáo viên để từng bước trở lại dạy học và shipper, người giao hàng trong hệ thống logistics.

Cuối cùng, Sở Y tế phải báo cáo ngay với Bộ Y tế để xin khẩn cấp bổ sung vaccine tiêm mũi 2.

Thông báo một thông tin vui là TP đã tiêm cho hơn 700.000 người cao tuổi, cao hơn rất nhiều so với thống kê ban đầu, ông Đức đề nghị các quận/huyện kêu gọi người thuộc đối tượng nguy cơ cao trên 65 tuổi, có bệnh nền cố gắng tiêm sớm. TP đang mở rộng đối tượng ưu tiên tiêm ra người trên 50 tuổi.

Ông Đức nhấn mạnh thông điệp “F0 khỏi bệnh thuộc đối tượng hoãn tiêm trong vòng 6 tháng”. Thời gian tới, nhóm này sẽ được xếp tương đương với người đã tiêm 2 mũi vaccine để tham gia các hoạt động. Ngành y tế cần thiết kế lại giấy ra viện như một dạng giấy xác nhận và đưa lên hệ thống.

Ông Đức cũng đề nghị Sở Y tế mạnh dạn đề xuất chính sách khen thưởng, kỷ luật đơn vị thực hiện tốt hoặc không tốt công tác tiêm vaccine. “Đây là vấn đề liên quan đến sinh mạng con người, làm tốt sẽ hạn chế thiệt hại về nhân lực cho thành phố”, ông nói.

Chiều 7/9, Phó GĐ Sở Y tế TP HCM Nguyễn Hoài Nam nói với báo chí về việc tiêm vaccine mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 Moderna trong bối cảnh TP.HCM hiện chưa được phân bổ vaccine này.

Ông Nam cho biết theo khuyến cáo, người tiêm mũi 1 AstraZeneca thì có thể tiêm mũi 2 AstraZeneca, hoặc trong trường hợp thiếu vaccine có thể dùng Pfizer. Theo hướng dẫn, có thể sử dụng vaccine tương đồng để tiêm cho người dân.

Ông Nam cũng cho biết một số nước tổ chức tiêm trộn vaccine cho người dân. Theo kết quả nghiên cứu, dù sử dụng vaccine cùng loại hay trộn thì hiệu quả cũng rất tốt.

“Vaccine là vấn đề toàn cầu, thiếu rất nhiều, TP cũng không ngoại lệ. Khi tiêm một vaccine mà hết thì ngành y tế sẽ chọn vaccine phù hợp nhất, an toàn nhất và hiệu quả nhất cho người dân. Do đó, các đội tiêm và quận huyện đang chọn loại vaccine phù hợp cho người đã tiêm mũi 1. Vấn đề là làm sao hiệu quả nhất cho người dân, được phủ vaccine tốt đa”, ông Nam nói.

Mục tiêu của TP là tiêm 100% mũi 1 và phủ mũi 2 càng nhanh càng tốt.

Ông Nam cho hay hiện nay có 4 công nghệ sản xuất vaccine. Thứ nhất là vaccine vector virus tức là sử dụng một loại virus khác với virus SARS-CoV-2 nhưng có một đoạn gene của SARS-CoV-2 để sản xuất vaccine. Các vaccine sử dụng công nghệ này là AstraZeneca, Johnson & Johnson và Sputnik V; Loại 2 là vaccine mã di truyền của virus, gồm Pfizer và Moderna. Hai loại này sản xuất với công nghệ giống nhau; Loại 3 là sử dụng một phần mã di truyền (RNA & DNA) như Nanovax của Mỹ và NanoCovax của Việt Nam; Loại 4 là vaccine sử dụng virus gây bệnh nhưng giảm độc lực, gồm có Sinopharm và Sinovac.

Tổng số liều vaccine TP đã được Bộ Y tế phân bổ là hơn 5,6 triệu liều. Ngoài ra, TP nhận được nguồn tài trợ 5 triệu liều. TP đã tiêm gần 6,6 triệu mũi, gồm hơn 6 triệu mũi 1 (84%) và gần 499.000 mũi 2 (gần 7%)

Đọc thêm