Luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của trẻ
Theo báo cáo của UBND TP HCM, tổng số trẻ em của TP khoảng hơn 1,6 triệu (chiếm khoảng 19,5% dân số địa bàn). Số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là khoảng 11.392 em (trong đó 2.342 trẻ em được chăm sóc thay thế tại các cơ sở bảo trợ xã hội, hơn 9.000 trẻ tại cộng đồng); hơn 30.000 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.
Điều này yêu cầu TP phải đặt ra nhiều vấn đề, đòi hỏi sự gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ. Bởi trẻ em không chỉ là hạnh phúc của gia đình mà còn là tương lai đất nước.
Năm 2016, Quốc hội thông qua Luật Trẻ em, Thủ tướng cũng có nhiều Quyết định để chỉ đạo thực hiện tốt hơn các nhóm quyền cơ bản của trẻ em. Trên cơ sở đó, UBND TP HCM đã ban hành nhiều văn bản về bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016 – 2020 như: Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, Chương trình lao động trẻ em, Chương trình bảo vệ trẻ em.
Thành phố đã chủ động huy động các nguồn lực từ các tổ chức xã hội bảo vệ cho các nhóm trẻ em dễ bị tổn thương và mô hình thí điểm hỗ trợ cho người chưa thành niên vi phạm/nguy cơ vi phạm pháp luật trên địa bàn; làm nền tảng cho việc xây dựng thành các nhóm hoạt động chính thức thực hiện quyền trẻ em...
Lãnh đạo thành phố tổ chức gặp mặt trẻ em hàng năm để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của trẻ em thành phố; từ đó có những trao đổi, phản hồi, chỉ đạo cụ thể, sát sao cho các ngành nhằm đáp ứng những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của các em.
Từ những kiến nghị, đề xuất các em đã nêu, thành phố đã xây dựng các điểm vui chơi giải trí ở nơi công cộng, đầu tư xây dựng 22 phòng chiếu phim 3D phục vụ trẻ em, các giải pháp thực tiễn cải thiện môi trường sống, cải thiện hệ thống giao thông công cộng thân thiện và an toàn với trẻ em, đổi mới phương pháp dạy và học, tăng cường hoạt động ngoại khóa, hoạt động về nguồn cho học sinh.
Hàng năm, thành phố đã thực hiện các “Diễn đàn lắng nghe tiếng nói trẻ em”, “Chương trình Lãnh đạo thành phố gặp gỡ thiếu nhi”… Theo thống kê của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, số quận huyện, phường, thị trấn tổ chức diễn đàn gặp gỡ, đối thoại trẻ em ngày càng tăng. Năm 2016: 24/24 quận huyện, 207/319 phường xã, thị trấn; năm 2017: 24/24 quận huyện, 316/319 phường xã, thị trấn; năm 2018: 24/24 quận huyện, 319/319 phường xã, thị trấn.
“Mầm có xanh cây mới vững, búp có xanh lá mới tươi”
Để góp phần bảo vệ, chăm sóc, can thiệp, hỗ trợ kịp thời cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt/nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và các trường hợp trẻ em cần được hỗ trợ, Thành phố đã thành lập các Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội (Trung tâm Công tác xã hội trẻ em TP, Trung tâm Công tác Ánh Dương). Qua đó, cung cấp tất cả các dịch vụ hỗ trợ cho các trường hợp cần được bảo vệ, tư vấn, tham vấn, hỗ trợ khẩn cấp, phát triển cộng đồng, phục hồi chức năng, kết nối chuyển gửi, giáo dục trị liệu, hướng nghiệp dạy nghề, vui chơi giải trí.
Thành phố cũng đã duy trì, mở rộng và hỗ trợ kinh phí hoạt động cho 193 điểm tư vấn cộng đồng với chức năng tư vấn, tham vấn hỗ trợ khẩn cấp cho tất cả các trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục, bạo lực, tai nạn thương tích. Hướng dẫn nghiệp vụ 202 điểm tư vấn trường học, kịp thời nắm bắt những mong muốn, nguyện vọng cũng như can thiệp, hỗ trợ khi các em có nhu cầu…
Nhận diện được những nguy cơ xâm hại, bạo lực trẻ em nên công tác phòng ngừa được thành phố hết sức coi trọng. Thành phố đã có các giải pháp: tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức (phóng sự, chuyên mục Đài Truyền hình, pano, áp phích,...), tập huấn nâng cao năng lực, hội thảo thực trạng và giải pháp phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em; tuyên truyền về số điện thoại đường dây nóng 111, địa chỉ trợ giúp trẻ em... Ngoài ra, hiện thành phố đang trong giai đoạn thẩm định Quy trình hỗ trợ, can thiệp, xử lý các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn.
Dù đã có những giải pháp để khắc phục nhưng trên địa bàn thành phố vẫn còn xảy ra những trường hợp vi phạm quyền trẻ em như: trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục, trẻ em bị tai nạn thương tích. Vì vậy, thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện trong hệ thống các giải pháp phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em theo Chỉ thị số 18 của Thủ tướng Chính phủ.
Hiện thành phố phấn đấu duy trì tỉ lệ 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc và tiếp cận dịch vụ phù hợp với điều kiện, nhu cầu; 100% trường hợp trẻ em bị xâm hại, bạo lực, tai nạn thương tích khi phát hiện đều được cán bộ trẻ em tham gia xác minh, can thiệp, hỗ trợ theo quy định...
Năm 2017, Hội đồng trẻ em TP HCM đã ra mắt, góp phần thực hiện quyết định của Thủ tướng phê duyệt “Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em giai đoạn 2016-2020”.
Hội đồng gồm 55 đại biểu được tuyển chọn là các học sinh từ 9 đến dưới 16 tuổi đang học tập tại thành phố có tinh thần đoàn kết, yêu thương và giúp đỡ người xung quanh, tích cực tham gia hoạt động Đội và phong trào thiếu nhi…
Tất cả những ý kiến của Hội đồng trẻ em và ý kiến của các em khác đều được thành ủy, UBND Thành phố, các ban ngành tìm giải pháp để thực hiện nhằm đảm bảo thực thi tất cả các quyền của trẻ em trên địa bàn thành phố.