TP Hồ Chí Minh nới lỏng theo phương châm “An toàn là trên hết”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Ngày 01/10, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi ký ban hành Chỉ thị 18 về “Tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố”.
Đường phố đông đúc trong ngày đầu nới lỏng giãn cách ở TP Hồ Chí Minh.
Đường phố đông đúc trong ngày đầu nới lỏng giãn cách ở TP Hồ Chí Minh.

Nới lỏng từng bước, thận trọng

Sau ngày 30/9, TP HCM tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, từng bước nới lỏng giãn cách xã hội theo lộ trình tương ứng với diễn biến tình hình dịch bệnh tại TP và kết quả đánh giá mức độ an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Việc nới lỏng giãn cách xã hội sẽ thực hiện trên nguyên tắc triển khai từng bước thận trọng, chặt chẽ, chắc chắn theo phương châm “An toàn là trên hết”, “An toàn tới đâu mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn”.

Theo Chỉ thị 18, TP HCM yêu cầu tất cả cơ quan, đơn vị nhà nước, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được phép hoạt động trên địa bàn TP phải đăng ký mã QR tại địa chỉ http://antoan-covid.tphcm.gov.vn/.

Đến ngày 8/10, các cơ sở này quét mã QR của toàn bộ người đến liên hệ công tác, giao dịch và sử dụng ứng dụng của TP (hoặc ứng dụng PC-COVID) để kiểm soát và tổ chức hoạt động.

Người dân khi tham gia lưu thông sử dụng mã QR khai báo di chuyển của ứng dụng VNEID và mã QR có thể hiện lịch sử tiêm chủng của ứng dụng Y tế HCM hoặc Sổ sức khỏe điện tử (đến khi ứng dụng PC-COVID chính thức đưa vào hoạt động).

Trường hợp không có mã QR, xuất trình giấy tờ sau: F0 đã khỏi bệnh dưới 180 ngày; đã tiêm chủng (ít nhất 1 mũi đối với loại vaccine tiêm 2 mũi và ít nhất 14 ngày sau tiêm) khi được cơ quan chức năng yêu cầu. Người dân được di chuyển trong nội thành TP HCM; không tự ý đi lại giữa các tỉnh, TP khác.

TP HCM yêu cầu các đơn vị đảm bảo hoạt động lưu thông hàng hóa giữa TP với các địa phương được thuận lợi. Phương tiện giao thông cá nhân chỉ được phép lưu thông trong phạm vi TP. Shipper thực hiện theo hướng dẫn của Sở Công Thương. Hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh (đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không) theo lộ trình phù hợp với kế hoạch của Bộ Giao thông Vận tải và quy định của Bộ Y tế.

Đồng thời, TP HCM triển khai gói hỗ trợ đợt 3 cho người có hoàn cảnh thật sự khó khăn hiện đang có mặt tại TP, đảm bảo nguyên tắc đúng, đủ đối tượng, không bỏ sót, không trùng lắp. Ban hành chính sách và kêu gọi nguồn lực xã hội hỗ trợ cho người già neo đơn và các trẻ mồ côi do dịch COVID-19.

Cũng theo Chỉ thị 18, các hoạt động được phép gồm: Các cơ quan, đơn vị nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các cơ quan, đơn vị nhà nước của Trung ương đóng tại TP HCM; Các cơ quan lãnh sự, tổ chức quốc tế và văn phòng kinh tế - văn hóa nước ngoài có trụ sở trú đóng trên địa bàn TP chủ động quyết định phương thức làm việc phù hợp với đặc thù của tổ chức và đáp ứng quy định về biện pháp phòng, chống dịch;

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở kinh doanh dược, mỹ phẩm, vật tư, sinh phẩm, trang thiết bị y tế công lập, ngoài công lập; Các hoạt động sản xuất, thương mại, kinh doanh, dịch vụ; Các hoạt động cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự, nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà nghỉ, tham quan du lịch; biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, đám tang, đám cưới; hoạt động giáo dục, đào tạo: tiếp tục tổ chức dạy - học gián tiếp, trên môi trường Internet, qua truyền hình.

Chỉ thị 18 cũng nêu rõ về hoạt động tập trung trong nhà, ngoài trời. Cụ thể, trong nhà chỉ tập trung tối đa 10 người; trường hợp có ít nhất 90% người tham gia đã được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 được tập trung tối đa 60 người. Còn ở ngoài trời tập trung tối đa 15 người; trường hợp có ít nhất 90% người tham gia đã được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 được tập trung tối đa 90 người.

Không xảy ra tình trạng ùn ứ

Ngày 1/10 cũng là ngày đầu tiên người dân TP HCM chính thức trở lại với cuộc sống “bình thường mới”, trên nhiều cung đường xe cộ tấp nập, dòng người và phương tiện di chuyển khá đông, hàng quán bắt đầu mở cửa trở lại như nhịp sống thường ngày, song không xảy ra tình trạng ùn ứ, đa phần người dân đều tuân thủ các quy định phòng chống dịch.

Khu vực đường Trường Chinh (đoạn tiếp giáp giữa quận Tân Phú và quận Tân Bình) mật độ phương tiện di chuyển khá đông. Trên đường Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh), dòng người ùn ùn đi vào trung tâm thành phố làm việc. Tương tự, gần đó, đường Lê Quang Định cũng nhộn nhịp xe ở cả hai chiều, khác hẳn cảnh vắng lặng trước đó một tháng khi TP HCM thực hiện siết chặt giãn cách xã hội…

Trước đó, vào đêm 30/9, hầu hết các chốt nội đô trên địa bàn TP HCM đã được gỡ bỏ. Tuy nhiên, trong ngày đầu tiên nới lỏng giãn cách, công an các quận, huyện trên địa bàn TP HCM đã bố trí các tổ tuần tra kiểm soát lưu động khép kín 24/24 giờ. Các tổ lưu động này gồm nhiều lực lượng phối hợp, sẽ vừa kiểm tra xử phạt vi phạm giao thông, phòng chống tội phạm, vừa kiểm tra các quy định phòng chống dịch và các điều kiện để ra đường của người dân.

Ngoài xe cộ lưu thông nhộn nhịp, các hàng quán cũng đã được mua bán trở lại. Theo đó, tại một số tuyến phố tập trung nhiều cửa hàng kinh doanh ăn uống trên địa bàn quận 3, 6, 5, 10, 11… cho thấy, nhiều cửa hàng đã tất bật sắp xếp, chuẩn bị nguyên liệu, món ăn, nước sát khuẩn khi được phép bán trở lại. Nhiều hộ kinh doanh đã ký cam kết chỉ được phép bán hàng mang về; không tổ chức tụ tập đông người tại các khu vực mua, bán, luôn tuân thủ những quy định, phòng, chống dịch theo thông điệp 5K của Bộ Y tế.

Trong ngày đầu tiên nới lỏng giãn cách xã hội, nhiều người dân háo hức đi chợ, đi siêu thị mua sắm. Tại siêu thị Coopmart Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, sáng 01/10 nhiều người dân đã đến đây trực tiếp mua sắm. Siêu thị cũng thực hiện chặt chẽ 5K, đo thân nhiệt, khai báo y tế cho khách hàng. Người dân được tiêm 2 mũi vaccine với thẻ xanh hoặc giấy tiêm ngừa được vào mua sắm.

Tuy nhiên, chưa có nhiều chợ truyền thống mở cửa trở lại. Tại chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh có 186 sạp đăng ký hoạt động trở lại, nhưng sáng 01/10 chỉ có 23 tiểu thương buôn bán. Sáng 01/10, Ban quản lý chợ Bà Chiểu linh động cho người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và có giấy xét nghiệm âm tính vào chợ sau khi đã khai báo y tế.

Ngày 01/10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tới thăm, nắm tình hình sản xuất kinh doanh tại Khu công nghiệp Linh Trung 1, TP Thủ Đức (TP HCM) trong ngày đầu thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội và làm việc với Thành ủy TP Thủ Đức.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ vui mừng khi các doanh nghiệp bắt đầu từng bước mở cửa sản xuất, kinh doanh. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, mục tiêu của Chính phủ cũng như của các doanh nghiệp là phải thúc đẩy sản xuất an toàn; công nhân mong muốn đi làm để có thu nhập và chính lao động mới tạo cho họ có được tinh thần sảng khoái, do vậy Chính phủ đã giao cho các doanh nghiệp quyền chủ động đảm bảo an toàn.

Phó Thủ tướng nêu rõ, theo các tiêu chí, TP Thủ Đức đã kiểm soát được dịch bệnh, bước đầu đã rút ra một số kinh nghiệm tốt làm cơ sở để khống chế, từng bước chiến thắng dịch. Tuy nhiên, nguy cơ bùng phát dịch trở lại là rất lớn, do vậy phải cố gắng phân vùng nhỏ để có biện pháp cụ thể mở rộng “vùng xanh”, thu hẹp “vùng đỏ” và phải quyết tâm giữ bằng được “vùng xanh” tiến tới “xanh hóa” toàn thành phố. Cùng với đó, mở cửa kinh doanh, sản xuất phải từng bước chắc chắn, tuyệt đối không được nóng vội, sản xuất phải an toàn, an toàn mới được sản xuất…

Liên quan đến việc giải quyết nhu cầu của người dân từ TP HCM về quê, đặc biệt là người dân miền Tây đang “bị kẹt” lại tại Quốc lộ 1 đoạn qua thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP HCM (giáp tỉnh Long An), trong ngày 1/10, lực lượng chức năng TP HCM gồm quân đội, công an, nhân viên y tế phối hợp với các tỉnh, thành đưa người dân chờ đợi tại chốt cửa ngõ TP về quê.

Trước khi lên xe khách về quê, người dân sẽ được lực lượng y tế hỗ trợ test nhanh tại chỗ. Những người có kết quả âm tính sẽ được điều phối đưa lên xe khách về quê theo sự sắp xếp của địa phương. Những trường hợp có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trước đó 2 ngày cũng vẫn được chấp nhận.

Theo ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM, sáng 1/10 đã có xe buýt tại khu vực chốt, ngay khi có yêu cầu sẽ đưa người dân về nhưng việc vận chuyển và bố trí như thế nào, đến tỉnh nào thì theo hướng dẫn, điều phối cụ thể của lực lượng Công an, Quân đội.

Theo đó, đã có đoàn xe gồm 11 xe khách và 9 xe tải hỗ trợ người dân về quê. Đoàn xe đầu tiên chở theo 132 người cùng toàn bộ xe máy, hành lý của họ, lăn bánh rời TP tiến thẳng về tỉnh Sóc Trăng. Sau khi đoàn xe Sóc Trăng rời đi thì đến đoàn xe Bạc Liêu, Vĩnh Long, Hậu Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Trà Vinh, Tiền Giang, Cần Thơ... bắt đầu đón những vị khách đặc biệt của mình trên hành trình về quê hương.

Trong khi đó, Thượng tá Trần Thanh Giang, Phó trưởng phòng Tham mưu - Công an TP HCM cũng cho biết, Công an TP đang duy trì lực lượng tại các chốt kiểm soát giáp ranh các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai để giữ an ninh trật tự, hỗ trợ người dân trong lúc chờ cơ quan chức năng đưa về quê.

Đến chiều 1/10, dòng xe máy từ các nơi tiếp tục đổ về khu vực này với hy vọng được rời TP HCM về quê càng đông hơn. Lực lượng chức năng phải mở thêm một lối dành cho người dân đã có giấy xác nhận âm tính trong 48 giờ có thể lên xe khách sớm.

Đọc thêm