TP Hồ Chí Minh: Quán bar hóa quán ăn để thích ứng với bình thường mới

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Do những quy định hạn chế các loại hình kinh doanh được hoạt động trong và sau giãn cách, nhiều quán bar, karaoke đã linh động chuyển đổi loại hình kinh doanh để tiếp tục được duy trì.
Nhiều quán bar ở phố Tây Bùi Viện nay đã chuyển đổi thành quán tạp hóa, quán phở...
Nhiều quán bar ở phố Tây Bùi Viện nay đã chuyển đổi thành quán tạp hóa, quán phở...

Quán karaoke, spa thành quán bún bò, bánh canh...

Mấy ngày qua, người dân ở Bình Thạnh, TP HCM thích thú chia sẻ hình ảnh quán karaoke ở đường Phạm Gia Trí, khi bên trên vẫn là tấm bảng karaoke cùng các chương trình khuyến mãi, nhưng mặt tiền quán đã thành quán bún bò với khách khứa tấp nập. Ở tấm bảng dán tạm cho thấy quán karaoke đã được đổi tên thành quán Số 1 Đông Ba.

Anh Nguyễn Xuân Huy, chủ quán cho biết, trước đó, gia đình anh kinh doanh dịch vụ karaoke được hơn 10 năm, tuy nhiên, từ khi bùng dịch vào năm 2020 đến nay, công việc làm ăn bị trì trệ vì nhiều lần phải đóng cửa, lúc mở cửa thì khách khứa cũng không mặn mà vì còn e ngại dịch bệnh.

Năm nay đúng đợt giãn cách kéo dài nên coi như phải bù lỗ suốt một năm, anh Huy bàn với vợ quyết định chuyển đổi loại hình kinh doanh. Do vợ anh gốc Huế, nấu bún bò Huế ngon, lại bắt kịp tâm lý người dân Sài Gòn thời gian giãn cách kéo dài thèm những món bún nước, hai vợ chồng bắt đầu mở quán bún bò Huế vào đầu năm 2020.

Bất ngờ, quán đông khách, nhất là thời điểm những ngày đầu tháng 10 mới nới lỏng giãn cách, mỗi ngày khách đặt qua mạng hàng trăm tô bún, có ngày cao điểm đến vài trăm tô. Dịp TP HCM cho mở hàng ăn tại chỗ, hai vợ chồng anh Huy cũng đã thu xếp đủ không gian và ghế ngồi, bảo đảm khoảng cách và số lượng khách an toàn trong quán ăn.

Anh Huy chia sẻ, bán bún bò vất vả và không lợi nhuận như karaoke, nhưng anh chị nhận định đây là nghề “sống được”, là phương án an toàn trong thời gian dịch bệnh vẫn kéo dài. Anh Huy cho biết, đến khi TP cho phép mở cửa lại các loại hình như karaoke, họ vẫn sẽ tiếp tục cân nhắc có quay lại nghề cũ hay không.

Tương tự, chị Trần Thị Mùi, ở đường số 9, phường Linh Tây, quận Thủ Đức, trước kia kinh doanh dịch vụ spa. Dịch bệnh khiến spa phải hoạt động ngắt quãng và hoàn toàn không có doanh thu, phải bù lỗ nhiều tháng trời.

Vào tháng 10, khi TP HCM cho phép loại hình kinh doanh ăn uống mở cửa trở lại, chị đã chuyển sang bán món bánh canh, bún cá đặc sản miền Trung. Chị Mùi cho biết, lượng khách chưa đông, giá bán chỉ tầm 30 ngàn/tô nên lợi nhuận không cao, nhưng cũng đủ cho chị duy trì cuộc sống và trả đủ chi phí mặt bằng. Đến nay, dù loại hình spa đã được hoạt động trở lại, song chị vẫn chưa muốn mở cửa spa.

“Tôi vẫn để bảng spa chứ không gỡ đi. Khi nào thấy mọi thứ ổn định tôi sẽ tiếp tục vì mình đầu tư gần 1 tỉ đồng cho các máy móc và mặt bằng nên không thể nói bỏ là bỏ. Nhưng làm lại cũng trong tâm trạng hoang mang, không biết có khách hay không và đã thực sự an toàn để đón khách chưa”, chị Mùi tâm sự.

Nhiều sự thay đổi loại hình kinh doanh trong và sau giãn cách

Từ thời điểm TP HCM bắt đầu cho phép việc kinh doanh các mặt hàng thiết yếu hoạt động trở lại, người ta đã chứng kiến hàng loạt cuộc “đổi bảng hiệu” của một số ngành nghề như quán nhậu, beer club, bar hay karaoke.

Hàng loạt dãy nhà mặt phố trên phố Tây Bùi Viện, con đường trước kia sầm uất và ồn ã với hàng trăm bar Tây lớn nhỏ, nhạc xập xình nay bỗng chốc “biến hình” thành của hàng tạp hóa, quán rau củ quả... Đó là cách mà nhiều người đang nỗ lực để thích nghi với hoàn cảnh, cố gắng duy trì kinh doanh để trả tiền mặt bằng và sống qua ngày.

Trên trục đường Phạm Văn Đồng, con đường trước kia được mệnh danh là “đường ăn chơi mới nổi” của Sài Gòn với hàng trăm quán nhậu, beer club, cà phê nhạc trẻ và bar, nay đã đóng cửa hơn 1/2. Cạnh đó, những mặt bằng còn duy trì được đã chuyển đổi thành những quán phở, quán bún bò, mì Quảng hoặc quán bán sinh tố, nước ép.

Nguyễn Nam, một chủ kinh doanh quán nhậu trên đường Phạm Văn Đồng cho biết, vì chờ đợi được hoạt động trở lại lâu quá, nên anh đã sắm đồ đạc, tận dụng mặt bằng để bán nước ép trái cây. Thu nhập hàng tháng từ việc bán nước ép khoảng 20 triệu đồng, chỉ đủ trả tiền mặt bằng phần nào. Anh dự định sẽ chia đôi mặt bằng cho một hộ kinh doanh bún thịt nướng để duy trì tạm thời.

Đối với những người kinh doanh các loại hình bar, beer club hoặc karaoke có đầu tư lớn và chưa gỡ vốn đầu tư, việc chuyển đổi là phương án tạm thời để chờ đến thời cơ thích hợp. Nhưng một số chủ quán cũng có biết, có thể họ sẽ chấp nhận chịu lỗ vốn đầu tư để chuyển đổi sang kinh doanh ngành hàng thiết yếu để tránh tối đa rủi ro.

Đọc thêm