Theo thống kê, các đơn vị có số nợ nhiều là: BHXH TP HCM với 53 đơn vị, số tiền trên 151 tỷ đồng; BHXH quận 1 có 91 đơn vị, với số nợ 146 tỷ đồng; quận Tân Bình có 62 đơn vị với số nợ gần 63 tỷ đồng và quân Bình Tân có 63 đơn vị, với số nợ trên 54 tỷ đồng…
Công ty Cổ phần Mai Linh miền Nam, hiện còn nợ gần 28 tỷ đồng, đứng thứ 2 trên “bảng xếp hạng”, mặc dù số nợ này đã giảm gần một nửa so với thời điểm cuối năm 2018, khi số nợ trên 53 tỷ đồng và là đơn vị luôn đội sổ trong các đơn vị nợ tiền BHXH.
Ngoài ra, các công ty khác của Tập đoàn Mai Linh cũng cho thấy số nợ đã được cải thiện, như: Công ty TNHH Chợ Lớn taxi, hiện chỉ còn nợ trên 10 tỷ đồng (cuối năm 2018 nợ trên 16,5 tỷ đồng), Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ vận tải Sài Gòn Bình Minh còn nợ trên 7,7 tỷ đồng (cuối năm 2018 nợ trên 11 tỷ đồng), Công ty TNHH Deluxe Taxi nợ trên 7,3 tỷ đồng (cuối năm 2018 nợ trên 10 tỷ đồng)…
Công ty TNHH Nam Phương (ở Củ Chi) có số nợ gần 29 tỷ đồng và do giám đốc là người Hàn Quốc hiện đã “biến mất một cách bí ẩn”, đến nay chưa rõ tung tích. Hiện công ty này đã đóng cửa và chưa hoàn tất các thủ tục liên quan đến số nợ BHXH của đơn vị này.
Một trong những cái tên quen thuộc có số nợ BHXH lớn phải kể đến là: Công ty Cổ phần Dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (gần 28 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí Việt Nam (trên 15 tỷ đồng), Công ty Xây dựng công nghiệp – DESCON (gần 13 tỷ đồng)…
Trong danh sách nợ BHXH bị “bêu tên” phải kể đến Công ty Cổ phần Tư vấn Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (quận Phú Nhuận), hiện có số nợ gần 9 tỷ đồng, xếp vị trí thứ 13 trên danh sách “đen”. Đây là đơn vị đã cố tình chây ì bảo hiểm BHXH từ nhiều năm nay, nhưng không có phương án trả nợ. Trong đó, thời điểm cuối năm 2018 là 6,5 tỷ đồng và cuối năm 2017 là 3,3 tỷ đồng.
Theo ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TP HCM, trong năm 2018, BHXH TP đã thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng BHXH đối với trên 400 đơn vị và phối hơp thanh, kiểm tra liên ngành đối với gần 1.700 đơn vị có dấu hiệu vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT...
Ngoài các đơn vị bị xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thì đến nay vẫn còn 139 đơn vị (chủ yếu là các doanh nghiệp) vẫn không khắc phục đóng BHXH, BHYT cho người lao động. Thậm chí, nhiều trong số này cũng không chấp hành quyết định xử phạt của cơ quan BHXH và của cả UBND TP HCM. “Trước tình trạng này, BHXH TP HCM đang gấp rút củng cố hồ sơ để đề nghị cơ quan Công an điều tra, xử lý theo quy định pháp luật”, ông Mến cho biết.