TP Hồ Chí Minh sẽ có phương án giãn cách nới lỏng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thông tin được công bố tại buổi họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP Hồ Chí Minh chiều 10/9. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh thành phố ghi nhận 278.703 ca nhiễm và trải qua ngày thứ 19 siết chặt giãn cách theo nguyên tắc "ai ở đâu ở yên đó".
Lực lượng chức năng TP HCM phát nhu yếu phẩm đến từng hộ dân.
Lực lượng chức năng TP HCM phát nhu yếu phẩm đến từng hộ dân.

"Số ca tử vong do COVID-19 được ghi nhận trong ngày 9/9 giảm đáng kể. Con số này cho thấy có chuyển biến tích cực so với ngày 22/8 (340 người), thời điểm trước khi TP bắt đầu đợt siết chặt giãn cách", ông Phạm Đức Hải, Phó BCĐ phòng chống COVID-19 TP nói.

Trước đó, ngày 2/9 số ca tử vong tại TP được ghi nhận là 250; ngày 3/9 là 256; 222 ca vào ngày 4/9; 233 trong ngày 5/9; ngày 6/9 là 253; 7/9 là 268 và 203 ca vào ngày 8/9.

Tại buổi họp báo, Phó GĐ Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam cho biết hiện trung bình số ca COVID-19 nhập viện khoảng 3.500-4.000 mỗi ngày, đa số nhẹ, không triệu chứng, rất nhiều trường hợp F0 sau khi phát hiện được chăm sóc tại nhà.

TP và Trung ương đang tiếp tục mở các BV như BV Hồi sức 5G, BV Y học cổ truyền Quân đội ở quận 6... Bên cạnh đó, TP có nhiều giải pháp hỗ trợ công tác điều trị như gói thuốc A, B, C và thuốc được Bộ Y tế cấp hoặc từ nhà tài trợ. Trong giai đoạn hiện nay, năng lực điều trị của TP được đảm bảo. "Trước đây, hàng ngày đi trên đường, số xe cấp cứu rất nhiều, nhưng gần đây đã ít đi. Điều này cho thấy dấu hiệu chuyển nặng đã giảm đi đáng kể", ông Nam nói.

Với mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong, gần một tháng qua, TP huy động thêm nguồn lực y tế và cả quân đội trong điều trị bệnh nhân COVID-19 nhằm giảm lượng bệnh nhân trở nặng ở các tầng dưới, hạn chế áp lực cho tầng điều trị trên cùng, giảm tỷ lệ tử vong.

TP cũng lập hơn 500 trạm y tế lưu động để kịp thời chăm sóc, hỗ trợ bệnh nhân COVID-19 cách ly tại nhà. Nhiệm vụ của các trạm này là quản lý, hỗ trợ, theo dõi, điều trị F0 tại nhà, sớm phát hiện các dấu hiệu chuyển nặng để có biện pháp đưa lên tuyến trên kịp thời, hạn chế tối đa tử vong.

Tại cuộc họp báo, Thượng tá Lê Mạnh Hà (Phó phòng Tham mưu Công an TP) thông tin về tình hình cấp giấy đi đường cho người dân sau khi TP nới lỏng một số biện pháp giãn cách từ 7/9. Công an TP đã cấp thêm 100 giấy đi đường cho mỗi quận/huyện, riêng Thủ Đức là 300 giấy.

Về các cửa hàng, quán ăn được hoạt động theo quy định mới trên cơ sở thẩm định của chính quyền địa phương, Công an TP chưa nhận được đề nghị tham mưu liên quan đến việc cấp phép cho nhóm này.

"Thời gian tới, TP sẽ có phương án giãn cách nới lỏng, ví dụ xác định tiêu chí thẻ xanh, thẻ vàng để lưu thông an toàn. Công an và Bộ Y tế đã triển khai ứng dụng (app) VN-eID. Nếu cập nhật đầy đủ thông tin thì app này sẽ giống như thẻ xanh (thẻ thông hành). Công an TP đã báo cáo Bộ Công an để cập nhật dữ liệu về tiêm ngừa vaccine nhằm thực hiện nội dung này", Thượng tá Hà cho hay.

Ông Hà cũng thông tin thêm về việc tạo điều kiện cho người lao động ngoại tỉnh đã tiêm 2 mũi vaccine về TP làm việc, hoặc người dân ngoại tỉnh vào TP khám chữa bệnh. Quan điểm của công an là hỗ trợ người dân tối đa nhưng cần đảm bảo quy định, tôn trọng hướng dẫn của ngành Y tế.

Thượng tá Hà cho biết, Giám đốc Công an TP vừa ban hành văn bản chỉ đạo công an các đơn vị tổ chức thực hiện một số nội dung mới sau khi thành phố nới lỏng giãn cách xã hội. Một trong những nội dung mới là thời gian tới, Công an TP hướng dẫn cho phép người được ra đường lưu thông từ 5h đến 21h30, tức rộng hơn văn bản của UBND TP HCM.

Nguyên nhân là nếu cho mở cửa đến 21h thì người dân chưa đảm bảo đủ thời gian lưu thông trên đường để về nhà. Ngoài ra, một số lực lượng hoạt động từ 6h (như shipper) và cần thực hiện sớm hơn nên công an quyết định nới rộng khung thời gian.

Đọc thêm