Đó là nhấn mạnh của Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong về 3 vấn đề TP HCM cần chú ý trong lúc này khi thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, tại buổi làm việc với quận Tân Bình về công tác phòng, chống dịch COVID-19, ngày 20/7.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP HCM cũng nhấn mạnh đến việc người dân chấp hành nghiêm Chỉ thị 16. “Trước hết chấp hành nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Đã qua ngày thứ 12 thực hiện, TP HCM phải tận dụng “thời gian vàng” còn lại để triển khai quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch, đặc biệt là ở các khu phong tỏa”, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thành Phong lưu ý một số vấn đề trọng tâm. Trước hết là tập trung xét nghiệm sớm để “bóc tách” F0, F1 ra khỏi cộng đồng và tăng cường quản lý nghiêm các khu phong tỏa. Đối với các F1 nằm trong vùng có nguy cơ rất cao thì không thể cách ly tại nhà được.
TP HCM đã giao Sở Y tế cùng Sở Thông tin và Truyền thông phát cẩm nang hướng dẫn quy trình tự chăm sóc, theo dõi sức khỏe và có số điện thoại gửi đến từng người, từng nhà có F1 cách ly. Đồng thời các phường phải cử ngay một Phó Chủ tịch UBND phường phụ trách F1 cách ly tại nhà để chủ động xử lý ngay các tình huống.
Thời gian tới, quận Tân Bình và các quận khác cần phải theo dõi chữa trị cho thật tốt và hạn chế F0 chuyển nặng. Nếu triệu chứng chuyển nặng phải chuyển ngay đến các bệnh viện điều trị, không để các trường hợp F0 chuyển nặng quá 12 tiếng đồng hồ.
Ông Nguyễn Thành Phong cũng đặc biệt chú trọng đến việc quản lý nghiêm để chống lây nhiễm trong các khu phong tỏa. “Để người cách ly người, nhà cách ly nhà, khu phố cách ly khu phố. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua có nơi này, nơi khác chưa thực hiện nghiêm việc này nên dẫn đến lây nhiễm chéo trong các khu phong tỏa”, Chủ tịch UBND TP HCM nhắc nhở và đề nghị các phường hết sức chú ý.
Về công tác chuẩn bị tiêm vaccine, Chủ tịch UBND TP HCM yêu cầu xem xét tiêm vaccine lưu động để đảm bảo giãn cách xã hội. Công tác tiêm vaccine lần này chú ý không làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch COVID-19. Huy động toàn bộ lực lượng, đội ngũ cán bộ y tế trên địa bàn tham gia công tác phòng chống dịch. Trong đó mời gọi lực lượng y tế tư nhân, đội ngũ y, bác sĩ hưu trí, các chức sắc tôn giáo trên địa bàn cùng tham gia, hỗ trợ trong các khu cách ly tập trung.
Ông Nguyễn Thành Phong đề nghị quan tâm hơn nữa đến người dân có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời lập đường dây nóng, có số điện thoại để liên hệ, giải quyết ngay những bức xúc của người dân.
“Không để người dân nào gặp khó khăn về lương thực, thực phẩm, đặc biệt là thiếu ăn. Các phường phải xem đây là trách nhiệm cao nhất. Tất cả những nỗ lực của TP HCM lúc này là vì sự an toàn của người dân và giải quyết những khó khăn của người dân trong giai đoạn thực hiện Chỉ thị 16”, ông Nguyễn Thành Phong nêu rõ.
TP HCM cũng đang thực hiện Nghị quyết 09 của HĐND TP HCM và Nghị quyết số 68 của Chính phủ. Những hoàn cảnh khó khăn, người lao động bị mất việc, những người lao động tự do, bán vé số, bán hàng rong… Các phường tiếp nhận, giải quyết và cáo báo về quận ngay để kịp thời hỗ trợ.
Hiện TP HCM có 38 bệnh viện thuộc 4 tầng điều trị khác nhau. Hầu hết, các bệnh viện đã sử dụng gần hết công suất. Do đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, sẽ thành lập tổ công tác đặc biệt chuyên điều phối chuyển người bệnh COVID-19 nặng và nguy kịch. Tổ công tác này gồm 15 thành viên, sẽ hoạt động 24/24 giờ, do Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 làm Tổ trưởng, với sự hỗ trợ của lãnh đạo Thanh tra Sở Y tế, lãnh đạo phòng Nghiệp vụ Y.
Một trong những nhiệm vụ chính của tổ công tác là kịp thời nắm bắt nhu cầu chuyển người bệnh của các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 và các bệnh viện điều trị Covid-19, làm cầu nối giữa các bệnh viện cần chuyển và các bệnh viện tiếp nhận người bệnh, các bệnh viện thu dung điều trị và các bệnh viện hồi sức COVID19 thuộc tầng 2, 3 và 4…