TP. Kon Tum chú trọng đến đời sống người đồng bào dân tộc thiểu số

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Ngày 13/5, sau 1 năm, thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” trên địa bàn thành phố Kon Tum, đã đạt được nhiều thành quả tích cực, làm thay đổi rõ nét đời sống kinh tế - văn hoá, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
TP. Kon Tum chú trọng đến đời sống người đồng bào dân tộc thiểu số
Làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu, 1 làng cổ của người dân tộc Ba Na, có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp tại xã Đăk Rơ Wa, cách trung tâm thành phố Kon Tum 2km.

Làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu, 1 làng cổ của người dân tộc Ba Na, có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp tại xã Đăk Rơ Wa, cách trung tâm thành phố Kon Tum 2km.

Thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và vùng kinh tế động lực của tỉnh. Thành phố có diện tích tự nhiên là 433,298 km2. Tổng số hộ khu dân cư là 44.451 hộ. Trong đó, hộ ĐBDTTS là 12.729 hộ, (hộ nghèo ĐBDTTS là 313 hộ, chiếm tỷ lệ 2,45% so với tổng số hộ dân tộc thiểu số toàn thành phố; hộ cận nghèo người ĐBDTTS là 753 hộ, chiếm tỷ lệ 5,89% so với tổng số hộ dân tộc thiểu số toàn thành phố); qua rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo Nghị định số 07/2021/NĐ-CP, ngày 27/01/2021 của Chính phủ, hộ nghèo ĐBDTTS là 772 hộ, chiếm tỷ lệ 73, 38% so với tổng số hộ nghèo; hộ cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số là 1.020 hộ, chiếm tỷ lệ 2,29%).

Qua 1 năm triển khai thực hiện Kết luận số 08-KL/TU, ngày 24/02/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chủ trương triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”. Thành phố Kon Tum cơ bản đã thực hiện tốt các mục tiêu đã đề ra. Trong đó, kết quả đạt được: 100% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số được tuyên truyền phổ biến cuộc vận động; 50,7% hộ đồng bào DTTS thay đổi nếp nghĩ cách làm, bỏ dần các thủ tục lạc hậu, không trông chờ ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước, tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững; 24,5% hộ đồng bào DTTS đời sống vật chất được cải thiện; hộ đồng bào DTTS nghèo và cận nghèo giảm 498 hộ/11.593 hộ, đạt tỉ lệ 4,3%.

Mô hình trồng mía hố 2,5 ha của Gia Đình Anh A Phéo tại xã Đoàn kết, được chính quyền địa phương tuyên truyền, hướng dẫn công nghệ chăm sóc, trồng trọt.

Mô hình trồng mía hố 2,5 ha của Gia Đình Anh A Phéo tại xã Đoàn kết, được chính quyền địa phương tuyên truyền, hướng dẫn công nghệ chăm sóc, trồng trọt.

1 trong những mô hình tiêu biểu tại xã Đoàn Kết phối hợp với Phòng Kinh tế thành phố hỗ trợ cho Gia đình Anh A Phéo, trồng Mía hố trên đất đồi giảm thiểu chống xói mòn. Ngoài hỗ trợ giống cây, phân bón, kinh phí, xã còn hướng dẫn hộ dân cách chăm sóc, đưa khoa học công nghệ vào trồng trọt, hướng dẫn cho gia đình anh về phát triển kinh tế chuyển đổi giống cây trồng hợp lý, tạo ra hiệu quả năng suất cao.

Nhiều năm trước, gia đình Anh A Phéo, dân tộc JRai (thôn Đăk Kia, xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum, Kon Tum) chỉ chăn nuôi gia súc như gà, vịt, ngỗng, heo…..; sau nhiều năm phát triển với sự hỗ trợ, khuyến khích tiếp cận nhiều giống cây khác để tăng thêm thu nhập và áp dụng kỹ thuật vào sản xuất từ chính quyền địa phương, gia đình anh đã mạnh dạng mở rộng thêm mô hình trồng rau sạch và trồng mía hố trên đất đồi.

Anh Lê Hồ Kim Trọng – Công chức địa chính nông nghiệp xã Đoàn Kết chia sẻ, để thay đổi nếp nghĩ, cách làm, làm cho bà con không còn tư tưởng trông chờ ỷ lại, Đoàn thể xã đã thực hiện theo cách cầm tay chỉ việc. Đồng thời, định hướng đầu ra sản phẩm cho bà con. Từ thành công ban đầu của mô hình, Đảng uỷ, uỷ ban xã tiếp tục nhân rộng hỗ trợ cho các hộ nghèo khác trên địa bàn trong thời gian tới.

Anh A Phéo kết hợp thêm mô hình hình chăn nuôi với trồng rau sạch để tăng thu nhập.

Anh A Phéo kết hợp thêm mô hình hình chăn nuôi với trồng rau sạch để tăng thu nhập.

Theo báo cáo kết luận Đảng uỷ xã Đoàn Kết, hiện tại đời sống văn hoá - xã hội của người đồng bào DTTS nơi đây được nâng cao, 100% người DTTS được tiếp cận thông tin tuyên truyền, dịch vụ y tế, giáo dục chính sách của Đảng uỷ, Chính quyền địa phương. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo chỉ còn 4,7% (trong 47 hộ/1007 hộ) giảm sau 1 năm triển khai cuộc vận động . Thu nhập bình quân đầu người 23 triệu đồng/năm.

Bà Trần Thị Thanh Thuý – Chủ tịch xã Đoàn Kết cho biết: “Sau hơn 1 năm triển khai cuộc vận động Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững được các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng, thực hiện, nhất là hộ dân tộc thiểu số. Theo đó, góp phần thay đổi nếp nghĩ của đồng bào, giúp họ từng bước xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, thay đổi cách thức lao động sản xuất, mạnh dạn đổi mới cách làm ăn, vươn lên thoát nghèo bền vững bằng chính nội lực của mình. Mặc khác, một số hộ gia đình đã biết cách tổ chức lao động, sản xuất hợp lý, mạnh dạn đổi mới cách làm ăn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; biết chi tiêu hợp lý, sử dụng hiệu quả nguồn hỗ trợ của Nhà nước và các nguồn hỗ trợ hợp pháp khác của xã hội để đầu tư phát triển kinh tế”.

Qua Cuộc vận động, tạo sự chuyển biến về mọi mặt đời sống, vật chất của Nhân dân các làng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn phấn khởi làm ăn, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của chính quyền; khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố và tăng cường, nhằm góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.

Thời gian tới, thành phố Kon Tum sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng và thường xuyên về Cuộc vận động bằng nhiều hình thức đến tất cả các hộ ĐBDTTS, đặc biệt là các hộ nghèo, hộ cận nghèo; giúp cho đồng bào DTTS hiểu rõ tầm quan trọng, ý nghĩa của Cuộc vận động. Từ đó, vận động nhân dân tích cực tham gia vay các nguồn vốn đầu tư để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, đồng thời tăng cường kiểm tra, kết hợp với hướng dẫn nhân dân sử dụng vốn đúng mục đích và có hiệu quả; tập trung tu sửa, làm mới chuồng trại để bảo vệ đàn gia súc trong mùa mưa, rét; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất./.

Đọc thêm