Ông Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho biết, ngoài các khu cách ly ở các quận huyện, ngành y tế đã chủ động thiết lập mạng lưới trung tâm cách ly tập trung rải khắp các cửa ngõ TP bao gồm Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè, Hóc Môn, Quận 7, Quận12, Q.Thủ Đức, Quân đoàn 4 (Bình Dương).
Các khu này có thể đảm bảo gần 24.000 giường cách ly cùng với lực lượng nhân viên y tế gần 40.000 người. Theo lãnh đạo Sở Y tế hiện vẫn đủ nguồn nhân lực để cách ly, chăm sóc, điều trị cho người dân tại các khu tập trung.
Tùy thực tế, đơn vị sẽ quyết định có huy động y, bác sĩ nghỉ hưu. "Chúng tôi liên tục tổ chức các lớp tập huấn về COVID-19 nên có thể yên tâm nhân viên y tế đủ đáp ứng nhu cầu", lãnh đạo Sở Y tế TP cho biết.
Đặc biệt, ngoài đội ngũ này, mới đây Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã lên danh sách 1.044 sinh viên năm cuối sẵn sàng nhận lệnh lên đường làm các công việc như nhập dữ liệu thông tin ca bệnh, lập cây phả hệ theo dõi sự lan truyền của dịch bệnh, tham gia các đội giám sát điều tra dịch tễ (F2 trở đi) và hỗ trợ chuyên môn tại khu cách ly.
Về cơ sở vật chất và trang thiết bị, ngoài các bệnh viện dã chiến, hôm 22/3 , PGS-TS Tăng Chí Thượng đã đến kiểm tra công tác tiếp nhận và điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện điều trị Covid-19 tại huyện Cần Giờ, phấn đấu đưa Bệnh viện đi vào hoạt động hiệu quả.
Bệnh viện với quy mô 300 giường bệnh được chia thành 3 khu vực: khu cách ly tạm để chờ kết quả xét nghiệm, khu cách ly theo dõi đối với người có kết quả xét nghiệm âm tính và khu cách ly điều trị đối với người có kết quả xét nghiệm dương tính.
Hiện Bệnh viện đã tiếp nhận cách ly điều trị và cách ly theo dõi hơn 70 người, trong đó có 4 trường hợp dương tính.
Về nhân lực của bệnh viện, Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ phối hợp với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Quận Thủ Đức và Bệnh viện Quận 2 hỗ trợ luân phiên cho đủ số lượng, bao gồm: 9 bác sĩ và 20 điều dưỡng, 6 hộ lý cho Bệnh viện điều trị Covid-19. Bệnh viện Quận Thủ Đức cử một phó phòng hành chính quản trị chịu trách nhiệm phụ trách công tác hậu cần cho Bệnh viện điều trị Covid-19.
Về trang thiết bị, bệnh viện sử dụng các trang thiết bị sẵn có của Trung tâm Y tế Cần Giờ (vừa được đầu tư mới khi Bệnh viện Cần Giờ mới đi vào hoạt động). Ngoài ra, 20 phòng áp lực âm đang được lắp đặt và đưa vào sử dụng trong thời gian tới, trước mắt sẽ đưa 4 phòng cách ly áp lực âm đi vào hoạt động ngay trong ngày 23-3. Các chỉ định X-quang, siêu âm, xét nghiệm sẽ được thực hiện tại chỗ nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm.
Về ứng dụng công nghệ thông tin, Bệnh viện sẽ báo cáo tình hình mỗi ngày bằng phần mềm “Quản lý người cách ly Covid-19” của Sở Y tế. Các phòng áp lực âm và các phòng cách ly khu vực có xét nghiệm dương tính được lắp đủ camera cho mỗi phòng.
Đặc biệt, Sở Y tế sẽ chuyển giao 2 robot khử khuẩn phòng cách ly cho bệnh viện sau khi nghiệm thu sản phẩm tại Bệnh viện bệnh lý hô hấp cấp tính Củ Chi.
Phòng CNTT của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới phối hợp phòng CNTT của Bệnh viện Quận Thủ Đức nghiên cứu lắp đặt hệ thống telemedicine để hội chẩn từ xa với các bệnh viện chuyên khoa khi có ca nặng.
Cùng ngày, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cho biết, các ca bệnh đang điều trị tại TPHCM hiện tại sức khỏe ổn định, tiếp tục điều trị, theo dõi. Tổng số trường hợp tiếp xúc với các ca bệnh mới đang được theo dõi 842 trường hợp.
Tổng số trường hợp nghi ngờ 224 trường hợp (trong đó có 216 trường hợp có kết quả âm tính, 8 trường hợp đang đợi kết quả). Tổng số trường hợp đang được cách ly tại khu cách ly tập trung của TP 6.890 trường hợp.
Kiểm tra công tác chuẩn bị đưa vào hoạt động Bệnh viện Cần Giờ |