Trái Thanh Long ngọt ngào của thiếu phụ không đủ tiền mua áo quan cho chồng

(PLO) - Trở về sau chiến tranh, vợ chồng nữ thanh niên xung phong cật lực lao động vẫn không đủ no cơm. Chồng qua đời, chị phải nợ tiền mua áo quan… Không chịu khuất phục trước thử thách mưu sinh và số phận, chị từng bước làm giàu từ sản vật quê hương, rồi giúp đỡ con em đồng đội cũ thực hiện ước mơ của mình…
Chị Hồ Thị Bạch Hoàng bên những sản phẩm sáng tạo.
Chị Hồ Thị Bạch Hoàng bên những sản phẩm sáng tạo.
Chị là Hồ Thị Bạch Hoàng (TP. Phan Thiết), người được tôn vinh “Phụ nữ sáng tạo toàn quốc năm 2013” với sản phẩm sirô thanh long ruột đỏ và búp (nụ) thanh long muối.
Nỗi đau không mua nổi áo quan cho chồng
Người phụ nữ sinh năm Giáp Ngọ (1954) ấy lớn lên ở miền biển Bình Thuận xanh ngăn ngắt và nắng rực rỡ. Những năm tháng tuổi 20 sôi nổi, cô sinh viên y khoa mơ mộng và nhiệt huyết cuốn theo ngọn lửa cách mạng của phong trào Du ca Hoa hướng dương của nhạc sỹ Tôn Thất Lập và nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Phong trào này được nhân rộng tại mỗi tỉnh, thành phố miền Nam trước năm 1975. Nhóm Du ca Hoa hướng dương Bình Thuận đã để lại những ấn tượng sâu đậm, thôi thúc và cổ động lớp lớp thanh niên trí thức vùng lên đấu tranh chống chính quyền Mỹ ngụy.
Chị tham gia thanh niên xung phong và gặp người chồng của mình trong những năm tháng ấy. Hoàn thành nghĩa vụ, vợ chồng chị trở về địa phương. Hàng ngày, chồng chị làm giày dép ở lề đường, hè phố, chị đi phơi khoai mì, phơi cá khô, cạy sò thuê ở cảng cá Phan Thiết… Dù hai vợ chồng cật lực lao động nhưng cũng không đủ trang trải sinh hoạt, bữa cơm không đủ no. 
Năm 1995, chồng chị bệnh nặng và qua đời. Gia đình chị Hoàng rơi vào cảnh túng quẫn, nợ nần tới mức chị không đủ tiền làm ma chay cho chồng. Anh Tiến, công an phường Đức Nghĩa đứng ra mua nợ áo quan; bác Tần, Hội Người cao tuổi ở khu phố giúp 150.000 đồng và phải ba năm sau chị mới thanh toán xong các khoản nợ. Hai con chị khi đó còn rất nhỏ: cháu gái học lớp 7, cháu trai học lớp 5. Có lúc con gái muốn nghỉ học để phụ mẹ nuôi em nhưng chị không đành lòng…
Hồi tưởng quá khứ, thi thoảng chị Hoàng nghẹn giọng lau nước mắt. Ngày ấy, những đêm tối trời mưa gió phải chở hàng trên xe bò, chị chỉ biết làm bạn cùng sóng biển, trăng sao và ngọn hải đăng phía xa xa. Tiếng tắc tắc sau mỗi canh giờ của ngọn hải đăng đã quá đỗi thân thiết với chị. Dường như chị đã sống và đi qua những mất mát, đau khổ, thử thách và mưu sinh bằng sự lãng mạn ấy.
Vượt đắng cay số phận bằng những sản phẩm ngọt ngào
Quyết tâm không để các con thất học, chị Hoàng nấu thử kẹo me, bánh rế mà ngày nhỏ mẹ chị thường làm để bán, với vốn ban đầu chỉ vài kilôgam đường và một ít nguyên phụ liệu. Chị gửi kẹo, bánh ở các cửa hàng ngoài chợ, nhiều khi không bán được, chị phải nhận về nhà rồi bỏ vì kẹo chảy hết. 
Không nản chí, chị tiếp tục mày mò, làm ra sản phẩm chất lượng hơn. Nhờ giữ chữ tín nên các mối hàng của chị cứ thế lớn dần. Lúc này, một số bạn bè biết chị khó khăn đã tìm cách giúp đỡ. Năm 1997, có người bạn đưa cho chị 500 USD, bảo làm cho một va li kẹo me để mang ra nước ngoài làm quà, trong khi với số tiền đó, chị có thể làm được cả một xe tải kẹo... 
Thế rồi, sau khi xây dựng được thương hiệu bánh kẹo Ngọc Uyên với 3 cơ sở chuyên sản xuất các loại đặc sản của Bình Thuận như bánh rế, bánh cốm, chị Hoàng đã đầu tư trồng 1,5ha thanh long. Và chính từ đây, nguồn cảm hứng tạo ra những sản phẩm từ trái thanh long hình thành và thôi thúc chị.
Tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có trong vườn, lần lượt các sản phẩm từ thanh long ra đời: kẹo dẻo thanh long, gỏi bông thanh long, rượu vang thanh long và mới đây là hai sản phẩm sirô thanh long ruột đỏ và búp (nụ) muối thanh long. 
Để tạo ra hai sản phẩm búp thanh long muối và sirô thanh long, chị Hoàng đã mất khá nhiều công sức và thời gian. Bởi thường trên một cành chỉ chọn một búp để lấy quả, còn lại là cắt bỏ rất lãng phí, chị Hoàng đã nghĩ ra cách đem về muối để ăn. 
Tháng 8/2013, sản phẩm búp thanh long muối của chị được cấp Chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Thấy màu đỏ của thanh long quá đẹp, chị tiếp tục tận dụng những trái thanh long ruột đỏ bị lỗi không xuất khẩu được, chế biến thành sản phẩm sirô thanh long làm nước giải khát.  
Hai sản phẩm trên chị gửi dự thi “Phụ nữ sáng tạo năm 2013” và kết quả sản phẩm này vinh dự là một trong 38 sản phẩm được chọn tham gia triển lãm tại Hà Nội...
Khi cuộc sống đã có chút dư dả, chị nhận giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ học bổng cho nhiều con đồng đội trong suốt những năm học đại học. 
Chị tâm sự: “Cuộc đời mình đã trải qua những ngày tháng khốn khó, nợ nần bao vây, ám ảnh trong từng giấc ngủ, mơ ước chỉ đủ no lòng và hai con không phải thất học. Đến nay, khi tất cả những năm tháng gian khó đã qua, mình luôn nhủ lòng sẵn sàng chia sẻ với con em gia đình đồng đội cũ, những người bạn thanh niên xung phong thời tuổi 20. Mình nghĩ giúp cho người này là để trả ơn cho người khác”...  

Đọc thêm