Trận mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ trong hồi ức cựu chiến binh tuổi 90

“Cả ngày bao quanh cứ điểm Him Lam, chúng tôi nghe loa của Pháp liên tục nói: Điện Biên Phủ là tập đoàn cứ điểm bất khả xâm phạm, các bạn đừng nghe lời tướng Giáp mà đánh vào. Đánh vào không còn đường về với bố mẹ. Nhưng chúng tôi đâu có để ý, vì tinh thần chiến đấu lên cao, ai cũng chờ giờ nổ súng, mở màn chiến dịch”, cựu chiến binh Nguyễn Hữu Chấp hào hứng kể.
Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Chấp.
Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Chấp.

65 năm trôi qua, nhưng ký ức về trận mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ trong ông Nguyễn Hữu Chấp (88 tuổi) vẫn “vẹn nguyên” như mới hôm qua.

Thông tin từ Bộ Quốc phòng, ông Chấp sinh ra trong một gia đình nghèo ở xã Thạch Sơn, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ nên từ nhỏ, ông phải đi ở đợ, làm thuê cho địa chủ.

Năm 1949, khi vừa tròn 18 tuổi, ông Chấp xung phong vào bộ đội, sau đó được biên chế thuộc Đại đoàn 312. Một năm sau đó, trong trận Bản Vậy (Chiến dịch Tây Bắc) ông bị thương và hỏng mất một mắt nên chuyển sang đại đội cối trợ chiến.

Năm 1954, ông cùng các đồng đội tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong chiến dịch này, ông Chấp là Khẩu đội trưởng Khẩu đội cối 82 thuộc Đại đoàn 312. Khẩu đội cối 82 được giao nhiệm vụ hết sức quan trọng là tham gia tiến công, tiêu diệt cứ điểm Him Lam, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ.

Him Lam là cứ điểm có vị trí đặc biệt quan trọng, được thực dân Pháp đầu tư xây dựng hết sức kiên cố. Đây là một trong ba trung tâm đề kháng được Pháp xây dựng trên điểm cao gần 500 m, gồm ba cứ điểm trên ba quả đồi nằm giáp cánh đồng Mường Thanh, án ngữ đường Tuần Giáo - Điện Biên, cách phân khu trung tâm 2,5 km.

Trong hồi ức của ông Chấp, sau khi giúp các đơn vị pháo binh kéo pháo vào trận địa, toàn Đại đoàn 312 về trú quân ở dãy núi Tà Lèng. Để tạo thế bất ngờ, Khẩu đội Cối 82 được lệnh ngày đêm đào đường hầm ngầm từ Tà Lèng vào đến gần đồi Him Lam. Được quán triệt là trận đánh khó khăn nên phải nêu cao quyết tâm chiến đấu giành thắng lợi trận đầu, các đảng viên đều viết quyết tâm thư, sẵn sàng xung phong hoàn thành nhiệm vụ ngay trong đêm 13/3/1954.

“Tôi vẫn nhớ như mới hôm qua lời chỉ huy dặn: quyết tâm đánh thắng trận đầu, không để trận đánh kéo dài sang ngày hôm sau. Cả ngày bao quanh cứ điểm Him Lam, chúng tôi nghe loa của Pháp liên tục nói: Điện Biên Phủ là tập đoàn cứ điểm bất khả xâm phạm, các bạn đừng nghe lời tướng Giáp mà đánh vào. Đánh vào không còn đường về với bố mẹ. Nhưng chúng tôi đâu có để ý, vì tinh thần chiến đấu lên cao, ai cũng chờ giờ nổ súng, mở màn chiến dịch. Cả ngày trời nắng chang chang nhưng không một ai ao nao núng”, cựu chiến binh Nguyễn Hữu Chấp hào hứng kể.

Cụm cứ điểm Him Lam trong trận mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh tư liệu)
Cụm cứ điểm Him Lam trong trận mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh tư liệu)

Đúng 17h ngày 13/3/1954, Khẩu đội cối 82 cùng pháo binh ta tập trung bắn vào trung tâm đề kháng Him Lam. Ngay từ loạt đạn đầu, cờ chỉ huy của Pháp trong cứ điểm đã bị hạ. Trong khi pháo binh đang bắn cấp tập, quân địch chưa kịp phản ứng thì bị các đơn vị của quân đội ta xung phong đánh chiếm. Sau hơn một giờ chiến đấu, lá cờ Quyết chiến Quyết thắng đã tung bay trên cứ điểm 3. Đến 22 giờ 30 phút, cứ điểm 2 cũng nằm dưới sự khống chế của quân ta.

Đến 23 giờ 30 phút, Đại đoàn 312 hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm Him Lam (tiêu diệt 300 tên, bắt sống 200 tên, thu toàn bộ vũ khí, trang bị).

“Chỉ sau hơn 5 giờ chiến đấu, Đại đoàn chúng tôi đã hoàn toàn làm chủ được trung tâm đề kháng Him Lam, tạo sức lan tỏa nhanh chóng đối với bộ đội trên tất cả mặt trận” - cựu chiến binh Nguyễn Hữu Chấp kể tiếp.

Lá cờ Quyết chiến Quyết thắng tung bay trên nóc hầm của chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, ngày 7/5/1954. (Ảnh tư liệu)
Lá cờ Quyết chiến Quyết thắng tung bay trên nóc hầm của chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, ngày 7/5/1954. (Ảnh tư liệu)

Sau trận Him Lam, Khẩu đội cối 82 tiến hành đào hào, củng cố công sự, vây chặt trận địa địch, rồi tiếp tục nhận nhiệm vụ cùng với các đơn vị khác chiến đấu đến khi Chiến dịch hoàn toàn thắng lợi.

“Trong cuộc chiến này, nhiều đồng đội của tôi đã vĩnh viễn nằm lại, nhiều người để lại một phần thân thể nơi mảnh đất Điện Biên. Với tôi, qua cuộc chiến vẫn còn đến ngày hôm nay là một sự may mắn, nên dù đã tuổi cao, sức yếu, song tinh thần của “Bộ đội Cụ Hồ”, tinh thần của người Chiến sĩ Điện Biên năm xưa vẫn luôn nhắc nhở tôi phải cố gắng xứng đáng với những người đã khuất, tiếp tục truyền thụ tinh thần Điện Biên cho các thế hệ cháu con” - ông Chấp xúc động nói.

Đọc thêm