Ngày 2/7, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án thất thoát hơn 8.800 tỷ đồng, xảy ra ở ngân hàng Thương mại CP Đông Á (DAB) tiếp tục với phần tranh luận.
Bị cáo Trần Phương Bình (nguyên Tổng giám đốc, Phó Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Hội đồng tín dụng DAB) bị truy tố về các tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Trần Phương Bình cùng các bị cáo tại phiên tòa |
11 bị cáo khác được xác định có vai trò giúp sức bị truy tố cùng về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Theo hồ sơ vụ án, bị cáo Trần Phương Bình được bổ nhiệm chức vụ tổng giám đốc DAB từ năm 1998. Trong giai đoạn từ năm 2007 - 2013, ông Bình với vai trò là tổng giám đốc, phó chủ tịch hội đồng quản trị và chủ tịch hội đồng tín dụng DAB, đã chỉ đạo cấp dưới cho các nhóm khách hàng, gồm: Hiệp Phú Gia vay gần 3.140 tỷ đồng, Đồng Tiến vay 393 tỷ đồng, M&C vay 3.950 tỷ đồng.
Sau đó, nhóm khách hàng này không có khả năng trả nợ. Ngoài ra, Trần Phương Bình còn chỉ đạo thuộc cấp xuất quỹ chi sai nguyên tắc 75 tỷ đồng để trả nợ các khoản vay và sử dụng cá nhân.
Hậu quả của các hành vi sai trái mà bị cáo Bình và các đồng phạm gây ra đã làm thất thoát của DAB trên 8.800 tỷ đồng.
Trong vụ án này, bị cáo Trần Phương Bình được xác định vai trò chủ mưu, cầm đầu, chỉ đạo các bị cáo trong vụ án và những người liên quan thực hiện hành vi phạm tội, dẫn đến thiệt hại số tiền cực lớn của DAB.
Các hành vi trên là những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng DAB tại thời điểm ngày 31/12/2015, lỗ lũy kế 31.076 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 25.451 tỷ đồng và tổng tài sản thực chỉ còn 47.011 tỉ đồng.
Theo đại diện VKS, sai phạm của bị cáo Bình và các đồng phạm mang tính hệ thống. Hậu quả từ sai phạm của bị cáo Bình và các đồng phạm vô cùng lớn, trong đó bị cáo Bình giữ vai trò cầm đầu cần xử lý nghiêm khắc.
Tuy nhiên, đại diện VKS cũng đề nghị tòa xem xét việc bị cáo Bình thành khẩn khai báo, ăn năn hối hận. Ngoài ra, hoàn cảnh phạm tội của bị cáo Bình là trong thời điểm DAB gặp khó khan và tài sản thất thoát có thể thu hồi một phần…để làm căn cứ giảm cho các bị cáo một phần hình phạt.
Đối với bị cáo Phùng Ngọc Khánh (chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty M&C), đại diện VKS cho rằng, quá trình làm hồ sơ vay, giữa bị cáo Bình và Khánh có sự bàn bạc, thống nhất với nhau. Số tiền vay cực lớn và công ty của bị cáo Khánh không có khả năng trả nợ, gây thiệt hại số tiền cực lớn cho DAB.
Đối với nhóm 9 bị cáo còn lại, đại diện VKS nhận định, các bị cáo đã thành khẩn khai báo. Nhiều bị cáo là cấp dưới của Trần Phương Bình phạm tội do bị lệ thuộc, làm theo chỉ đạo của lãnh đạo ngân hàng… Từ đó, VKS đề nghị tòa xem xét mức án khoan hồng cho các bị cáo.
Từ các nhận định trên, đại diện VKS đề nghị xử phạt ông Bình Trần Phương Bình án chung thân về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; 20 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, tổng hợp hình phạt là chung thân.
Đề nghị tuyên phạt bị cáo Phùng Ngọc Khánh (chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty M&C): 18 - 20 năm tù. Ông Nguyễn Đức Tài (cựu giám đốc DAB sở giao dịch), Phạm Huy Luận (cựu giám đốc DAB chi nhánh quận 4) cùng mức án từ 7 - 8 năm tù.
Các bị cáo còn lại được xác định là đồng phạm giúp sức cho ông Bình, VKS đề nghị xử phạt mức án từ 2 – 8 năm tù.
Về trách nhiệm dân sự, viện kiểm sát đề nghị tòa tuyên buộc ông Bình bồi thường cho DAB 3.439 tỷ đồng trong việc cho nhóm Hiệp Phú Gia và TTC vay và 75 tỷ đồng Trần Phương Bình dung cho mục đích cá nhân.
VKS đề nghị tòa giành quyền khởi kiện dân sự cho ông Bình đối với các khách hàng đã vay tiền.
Buộc ông Khánh bồi thường 3.949 tỷ đồng là số tiền mà DAB cho nhóm ông Khánh vay nhưng không có tài khoản bảo đảm./.