Tránh tình trạng cán bộ coi nghỉ hưu là 'hạ cánh an toàn'

(PLVN) - Hôm qua (4/9), TP Cần Thơ tổ chức lấy ý kiến đóng góp dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Hội nghị đã được nghe nhiều ý kiến của lãnh đạo một số ban, ngành về các vấn đề: Chính sách với người có tài năng; xử lý kỷ luật với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu; thực hiện chế độ hợp đồng có thời hạn với viên chức được tuyển dụng mới…
Ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó Trưởng đoàn ĐBQH Cần Thơ tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu

Theo các đại biểu, qua nghiên cứu 19 vấn đề nêu trong Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho thấy, Luật Cán bộ, công chức được ban hành năm 2008 và Luật Viên chức được ban hành năm 2010 đến nay đã bộc lộ nhiều bất cập cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn và đồng bộ với các quy định mới trong Hiến pháp năm 2013 và các luật khác. 

Đa số các đại biểu nhất trí với việc không quy định là công chức đối với lãnh đạo, quản lý trong các đơn vị sự nghiệp công lập tại khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008, để thống nhất trong áp dụng chế độ đối với cùng đối tượng quản lý là công chức; và phân biệt rõ hơn việc quản lý nhà nước với quản trị sự nghiệp công lập. Bên cạnh đó, các đại biểu còn đề nghị chỉnh lý khái niệm “công chức” bao hàm cả đối tượng công chức cấp xã để tạo sự thống nhất và liên thông trong đội ngũ công chức 4 cấp.

Về chính sách với người tài năng, các đại biểu đề nghị Quốc hội cho bổ sung khái niệm trong phạm vi của Luật Cán bộ, công chức được sửa đổi, bổ sung kỳ này; giao Chính phủ quy định cụ thể về khung chính sách đối với người có tài năng trong dự thảo Luật, làm rõ khái niệm “người có tài năng trong hoạt động công vụ” và xây dựng Luật Thu hút, trọng dụng nhân tài. Đồng thời, sửa đổi thẩm quyền quy định chính sách với người tài tại địa phương theo hướng giao cho HĐND cấp tỉnh quy định khung chính sách trọng dụng, đãi ngộ người tài. 

Còn về ngạch công chức, đại diện Sở LĐTB&XH TP tán thành việc giao Chính phủ quy định các ngạch công chức khác để tạo cơ sở, điều kiện cần thiết cho việc xây dựng thang bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và vị trí việc làm thống nhất với Đề án cải cách tiền lương (sẽ được xem xét, thông qua trong năm 2021).  Và để tránh những xáo trộn không cần thiết thì cần giới hạn chỉ giao Chính phủ quy định bổ sung ngạch công chức khác trong trường hợp cần thiết.

Ông Nguyễn Duy Bình, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Cần Thơ đồng tình với ý kiến bỏ hình thức kỷ luật giáng chức để tránh việc cần cách chức thì lại giáng chức, cố tình giảm nhẹ hình thức kỷ luật và cũng để không gây khó khăn  trong công tác sắp xếp cán bộ tại các cơ quan, đơn vị và phù hợp với các quy định về xử lý kỷ luật Đảng. 

Đối tượng điều chỉnh của dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức không điều chỉnh đối với đối tượng là cán bộ nghỉ hưu. Ông Bình cho biết: “Chúng tôi rất băn khoăn về vấn đề này vì luật là phải có phạm vi, đối tượng, nhưng quan điểm chúng tôi là phải tìm cách nào xử lý, tránh tình trạng quan chức cứ nghỉ hưu là “hạ cánh an toàn”, làm xong thì về”. Riêng vấn đề thời hiệu xử lý “phải khác với mấy ông công chức vì có những sự vụ vi phạm cách đây 10 năm, hay 7 – 8 năm, nếu thời hiệu tối đa 5 năm thì khó xử lý...”. 

Tiếp thu các ý kiến đóng góp, ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP cho biết, sẽ tổng hợp, hoàn chỉnh các ý kiến thành văn bản để trình với cơ quan soạn thảo của Quốc hội trong tuần sau.

Đọc thêm