Trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về công tác ứng phó với thiên tai

(PLVN) - Nằm trong chuỗi hoạt động nhìn lại 20 năm lũ lớn tại khu vực miền Trung, chiều ngày 29/11, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (PCTT) phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo quốc tế “Quản lý rủi ro thiên tai liên quan đến nước khu vực miền Trung”.
Trận lũ lịch sử năm 1999 tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã có 372 người chết (ảnh Ban Phòng chống lụt bão TT-Huế)

Hội thảo với sự tham gia của Trưởng ban chỉ đạo phòng chống bão lụt Trung ương; đại diện lãnh đạo tỉnh và Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn 14 tỉnh miền Trung; cùng các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức quốc tế, phi chính phủ tại Việt Nam. 

Đợt mưa lũ lịch sử tháng 11/1999 là một trong những trận thiên tai nghiêm trọng nhất xảy ra tại khu vực 7 tỉnh miền Trung. Mưa lũ đã làm 818 người chết và mất tích, gần 1,2 triệu ngôi nhà, trụ sở bị đổ sập, hệ thống cơ sở  hạ tầng bị tàn phá nghiêm trọng, tổng thiệt hại ước tính gần 4.150 tỷ đồng. Kể từ đó, chính quyền và người dân miền Trung nói chung và tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng đã gượng dậy từ thiệt hại, đau thương, mất mát để xây dựng lại nhà cửa, hệ thống cơ sở hạ tầng, đồng thời triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao nhận thức của cộng đồng, nhằm chủ động ứng phó tốt hơn với thiên tai. Trong 20 năm qua, mặc dù không bị lặp lại những trận lũ lớn như năm 1999, nhưng nhiều trận thiên tai lớn đã xảy ra ở các tỉnh khu vực miền Trung cũng gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.

 Nước bao phủ khu vực Kinh thành Huế (ảnh Ban Phòng chống lụt bão TT-Huế

Theo ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT cho biết,trước tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), thiên tai trong khu vực và trên thế giới diễn ra ngày càng phức tạp, cực đoan hơn. Là một trong số các quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của BĐKH, thiên tai tại Việt Nam đã và đang diễn ra với tần suất và cường độ ngày càng lớn hơn và đặc biệt là trái quy luật. Chính vì vậy, để chủ động ứng phó với các kịch bản bất lợi nhất của thiên tai, BĐKH, đặc biệt là những trận bão kèm theo mưa lớn như trận bão Hagibis đổ bộ vào Nhật Bản vừa qua, việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm từ những bài học trong quá khứ và ngay hiện tại về công tác ứng phó với thiên tai của Việt Nam cũng như các nước trong khu vực là việc rất quan trọng để đề ra các giải pháp phù hợp với tình hình mới.

Đánh giá về mức độ thiệt hại do thiên tai gây ra, đặc biệt là trận lũ lịch sử năm 1999, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế  Phan Thiên Định cho biết, TT- Huế là một tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ có khí hậu khắc nghiệt, hàng năm Thừa Thiên Huế thường chịu ảnh hưởng của các loại hình thiên tai liên quan đến nước, đặc biệt là lũ lụt có cường suất lớn, sức tàn phá lớn. Trận lũ lịch sử năm 1999 tại Thừa Thiên Huế đã có 372 người chết, 94 người bị thương, 90 vạn dân phải chịu đói rét trong nhiều ngày,...thiệt hại trên 1.700 tỷ đồng. Trong những năm qua, với sự giúp đỡ của Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương, sự chung tay hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và các tổ chức cá nhân khác đã hỗ trợ cho tỉnh các chương trình, dự án phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả, xây dựng năng lực và các công trình phòng chống thiên tai. Thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên Huế mong muốn tiếp tục nhận sự quan tâm, hỗ trợ của các Bộ, ban ngành Trung ương, các tổ chức quốc tế đối với công tác phòng ngừa thiên tai và thích ứng hiệu quả hơn với BĐKH. 

Tại hội thảo các đại biểu cũng đã nghe báo cáo tổng quan về diễn biến lũ năm 1999, công tác chỉ đạo, điều hành và bài học kinh nghiệm trong ứng phó với lũ khu vực miền Trung cùng giải pháp trọng tâm thời gian tới của đại diện Tổng cục phòng chống thiên tai; Báo cáo kinh nghiệm của tỉnh Thừa Thiên Huế trong công tác phòng chống thiên tai với lũ năm 1999; kinh nghiệm ứng phó với siêu bão Hagibis và quản lý lũ tổng hợp lưu vực sông Hương của đại diện tổ chức JICA tại Việt Nam…  Đặc biệt là tham luận “20 năm nhìn lại về trận lũ lịch sử năm 1999” của ông Nguyễn Văn Mễ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và tham luận về kinh nghiệm trong ứng phó với mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ” của UBND xã Phương Mỹ (tỉnh Hà Tĩnh).

Đọc thêm