Nơi mài giũa tâm sáng, lòng trong
Tháng 7/2018, 4000 thanh thiếu niên đã “sống chậm” trong hội trại “Tuổi trẻ và Phật pháp” với chủ đề “Hào khí miền Đông” tại Thiền viện Phước Sơn (Đồng Nai). Các bạn trẻ có cơ hội kết nối, giao lưu, học tập, trau dồi kỹ năng sống đạo đức, lành mạnh, hướng thiện. Các bạn trẻ đã tham gia nhiều hoạt động: Thuyết giảng nhằm giúp trại sinh khai mở trí tuệ, tiếp cận cuộc sống sâu sắc, toàn diện, ứng dụng lời dạy đạo đức của Phật mỗi ngày để chuyển hóa nỗi khổ niềm đau, xây dựng nếp sống thiện lành, hạnh phúc; thắp nến cầu nguyện; tụng kinh, tĩnh tọa, thiền hành; gameshow “Hồi trống pháp”; viết nhật ký hội trại…
Hội trại chuyển tải tinh thần tri ân và báo ân đối với ông bà, cha mẹ, tình yêu quê hương đất nước; trân trọng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; thực hiện hạnh nguyện hiểu và thương, dấn thân phụng sự theo tinh thần sống tốt đời đẹp đạo…
Tháng 6/2018, 150 bạn trẻ đã về chùa Hòa Phúc (Hòa Thạch, Quốc Oai, Hà Nội) để tham dự khóa tu thiền trà “Về để lắng nghe”. Đến với khóa tu thiền trà, các bạn học sinh - sinh viên đã được tham dự chương trình thiền trà đặc biệt tại sân A Di Đà do Đại đức Thích Tâm Hòa, trụ trì chùa Hòa Phúc cùng chư Tăng hướng dẫn.
Theo đó, chư tôn đức đã hướng dẫn các bạn trẻ cách điều phục thân tâm bằng hơi thở, phương pháp để tâm quay trở về với thân trong giây phút hiện tại. Gõ mõ và thiền là hai phương pháp mà các tu tập sinh khi bước vào sinh hoạt trong môi trường này phải học. Đọc kinh giúp trẻ biết lắng nghe, thanh lọc tâm hồn, thiền sẽ giúp trẻ giải tỏa được căng thẳng, tìm lại sự bình an cho riêng mình.
Trước đó, năm 2015, hơn 2000 thanh niên Phật tử ở khắp mọi miền đất nước đã tề tựu tại Học viện Phật giáo Việt Nam (Sóc Sơn, Hà Nội) để tham gia “Hội trại tập huấn thanh niên Phật tử toàn quốc”. Nhiều em trước đây đã sa vào những thú tiêu khiển tốn thời gian và tiền bạc nhưng khi vào chùa các em học được cách thực tập chánh niệm để nuôi dưỡng niềm bình an cho mình trong cuộc sống hàng ngày. Từ đó làm chủ được những tập khí buông thả, dữ dằn và để tìm thấy an lạc.
Sau khóa tu thiền này, các bạn trẻ sẽ có niềm an vui, thương và hiểu mọi người hơn, biết tự mình phục vụ cho chính mình, cho gia đình, xã hội. Thanh Thoa, 16 tuổi, (Ba Đình, Hà Nội) tâm sự, em đã tu tập ở chùa 2 tháng hè. Thức dậy lúc 4h30 sáng và đi ngủ lúc 21h là một thử thách lớn đối với cô bé cũng như các bạn lần đầu tiên xa nhà dài ngày. Hàng ngày, 2 bận đi xuống khu “Giáo đường” nghe giảng kinh Phật, rồi ngồi thiền. Thậm chí, 3h30 phút sáng hàng ngày, sau ba tiếng chuông thiêng là giờ “thức chúng” (ngủ dậy), các bạn trẻ cùng các vị thiền sư ngồi thiền trong ánh điện lờ mờ, dưới sự giám sát của các vị tu hành nghiêm khắc nhất. Nhưng khi trải qua một thời gian “sống chậm”, Thoa thấy mình trưởng thành hơn, sâu sắc hơn.
|
Mục đích của khóa tu để các bạn trẻ nhận ra mình phải tu tâm dưỡng tính, sửa đổi mình nếu có sai sót, một lòng báo hiếu với cha mẹ |
Là một đứa trẻ hơi ngỗ ngược, Đình Trung, 17 tuổi (Hoàn Kiếm, Hà Nội) được bố mẹ cho đi “tầm sư, học đạo” tại chùa nhân dịp hè. Bị “cấm vận” các thiết bị điện tử, Trung thấy khó chịu, bức bối. Nhưng khi nghe các sư thầy kể chuyện về tình cha nghĩa mẹ, cuộc sống thanh vắng ở trong chùa, Trung tĩnh tâm và lắng mình xuống. Lại thêm được học cách tự lập, Trung thấy mình mạnh mẽ, yêu đời hơn.
Khi nghe giảng đạo hiếu, rất nhiều trẻ đã bật khóc khi nhớ tới công sinh thành dưỡng dục của bố mẹ. Đứa trẻ nghịch phá, không thích vâng lời đã phải bật khóc trong giờ pháp thoại giảng về cha mẹ vì tự thấy mình tội lỗi ngập tràn. Đạo hiếu không chỉ là truyền thống của người Việt Nam mà còn là nền tảng quan trọng nhất để làm người. Mục đích của khóa tu để các bạn trẻ nhận ra mình phải tu tâm dưỡng tính, sửa đổi mình nếu có sai sót, một lòng báo hiếu với cha mẹ.
Tránh xa những tà nghiệp
Trong buổi thuyết giảng, Thượng tọa Thích Chân Quang - Phó Trưởng Ban Kinh tế Tài chính Trung ương Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang phân tích, với lứa tuổi thanh thiếu niên, một bộ phận không nhỏ hiện có cách sống thực dụng, manh động trong suy nghĩ và hành động.
Họ không lễ phép với người lớn, bất hiếu với cha mẹ, bất kính thầy cô, thiếu tình với bạn bè. Tệ hơn, một số khác theo chủ nghĩa thực dụng, thích sống hưởng thụ, đam mê nếp sống nhục dục, ăn chơi trác táng, vọng ngoại, lai căng không giữ gìn nếp sống văn hóa. Đại bộ phận thanh thiếu niên không có ý niệm về tội - phước, nhân - quả, không ý thức được lẽ sống ở đời.
Không ít bạn trẻ tạo nên bốn nghiệp oán kiết là: sát sinh, trộm cắp, dâm dật, vọng ngữ. Và bốn chỗ gây tội ác là: tham dục, sân hận, khủng bố, ngu si. Ai làm những việc ác đó thì bị tổn hại rất nhiều. Sáu việc hao tài là: đam mê rượu chè, cờ bạc, phóng đãng, đam mê kỷ nhạc, kết bạn người ác và biếng lười.
Đạo đức chính là nền tảng để xây dựng một con người, một khi nền tảng bị lung lay thì làm sao có thể kiến tạo được một con người rường cột cho xã hội? Một khi bị khủng hoảng, giới trẻ sẽ không còn nơi nương dựa vững chắc. Đó chính là lý do hình thành những tệ nạn trong xã hội, tiêu cực trong cuộc sống. Cuốn theo những “tà nghiệp” đó, các bạn trẻ ấy vi phạm pháp luật lúc nào chẳng hay. Và trách nhiệm của những người có lương tâm là cố gắng tìm diệt cái ác độc trong lòng theo hai cách: Nói cho người ta nghe về nhân quả, phân tích mọi người tình yêu thương.
Trong xã hội này vẫn còn nhiều nơi và nhiều người cần được trao truyền đạo đức để giúp họ trở thành người tốt, chính đạo đức đó sẽ giúp họ thăng tiến trong tâm hồn mình và trở thành người có ích cho xã hội. Và nhiệm vụ đó không ai khác, chính là các thanh niên Phật tử. Mọi người được quyền ghét cái ác; ghét cái xấu, nhưng không đồng nghĩa là ghét và bỏ mặc người ác, người xấu. Có thể họ hiền hay dữ nhưng chúng ta vẫn thương trước rồi tính gì thì tính. Mình độ được hay không được thì tính sau, nhưng phải thương cái đã.
Đó là tinh thần đạo Phật. Sau đó, tùy duyên, tùy vào sức của mình mà tìm cách kéo từng người xấu trở lại làm người thiện. Điều này vô cùng khó, cần có một sự kiên nhẫn, cần có một sự vị tha lớn, cần có bản lĩnh biết người, biết ta và trên hết là sự gia hộ của Đức Phật. Chúng ta hy vọng rằng cái tốt ngày một đơm hoa kết trái, cái xấu ngày một lụi tàn theo năm tháng, hãy ước mơ như vậy và hãy hành động chứ đừng chờ đợi.
Đánh thức lòng yêu nước trong thanh niên
Theo Thượng tọa Thích Chân Quang, tất cả mọi người chúng ta phải ý thức được quan điểm “Phật giáo đồng hành với dân tộc”, tức là vai trò của Phật giáo trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Nhiều kẻ xấu muốn làm cho người dân mất niềm tin với đạo Phật thì điều đó cũng đồng nghĩa với việc họ muốn làm giảm sự ảnh hưởng của một tôn giáo có lịch sử đồng hành cùng dân tộc trong dựng nước và giữ nước. Tất cả mọi người phải ý thức về điều này. Đừng để mất nước hay ta trở thành người phản quốc vì những câu nói chia rẽ.
Thượng tọa Thích Chân Quang cảnh tỉnh, lớp trẻ bây giờ hơi thiếu tình yêu nước, do thanh niên chưa có những trải nghiệm, chưa có những mất mát chia ly, lại quen được chiều chuộng, sống hưởng thụ, nên lòng yêu nước còn hời hợt. Một dân tộc muốn phát triển, một đạo pháp hưng thịnh, trước hết phải giáo dục và định hướng đúng cho thanh niên.
Nếu thanh niên không được giác ngộ, không đủ nghị lực và ý chí vươn lên, chỉ chìm đắm trong lối sống thực dụng, ích kỷ và buông thả, chưa xác định được lý tưởng sống đúng đắn, sống thụ động, thờ ơ và tin vào những điều mê tín dị đoan thì dân tộc có nguy cơ bị diệt vong, đạo pháp bị lụi tàn vì thiếu sự kế thừa cần có.
“Công tác thanh niên là vấn đề sống còn của dân tộc, của Đạo pháp. Phải giúp cho thanh niên không lạc vào các âm mưu tuyên truyền của các thế lực xấu trên mạng, ngoài xã hội và đánh thức lòng yêu nước trong thanh niên”- Thượng tọa Thích Chân Quang nhắn nhủ.