Trao quyền quản lý các cơ sở y tế cho cấp huyện là việc phải làm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong khi Bộ trưởng Y tế cho rằng sẽ tiếp tục nghiên cứu việc trao quyền quản lý các cơ sở y tế thì Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đây là việc Chính phủ khóa trước đã có chủ trương thực hiện nhưng chúng ta lại làm rất khác nhau và qua đợt chống dịch thì vấn đề này càng bộc lộ ra.
Các trung tâm y tế cấp quận huyện cần được giao cho chính quyền quản lý. (Ảnh minh họa)
Các trung tâm y tế cấp quận huyện cần được giao cho chính quyền quản lý. (Ảnh minh họa)

Vấn đề trao quyền quản lý các cơ sở y tế trên địa bàn cho chính quyền các quận, huyện là nội dung được đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại phiên làm việc sáng 10/11.

Đối với câu hỏi của Đại biểu Quốc hội Dương Ngọc Hải (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) về trao quyền quản lý các cơ sở y tế trên địa bàn cho cấp quận huyện, Bộ trưởng cho biết, vấn đề này được ngành Y tế đặt ra nhằm đổi mới tổ chức hệ thống y tế. Theo quy định, các trung tâm y tế, các bệnh viện thuộc Sở Y tế nhưng năng lực quản lý, vấn đề nguồn lực đầu tư, nhân lực, cơ sở vật chất thì một số Sở Y tế chưa quản lý được hết và chưa chú trọng đầu tư cho lĩnh vực này.

Vì vậy, qua làm việc với thành phố Hồ Chí Minh, trao đổi với Bí thư Thành ủy, Bộ Y tế ủng hộ phương án trao việc quản lý các trung tâm y tế cho các quận huyện bởi tiềm lực của các quận huyện tại thành phố Hồ Chí Minh rất lớn nên việc phân cấp phân quyền, tăng cường trách nhiệm, tăng cường đầu tư của chính quyền địa phương đối với hoạt động y tế trên địa bàn là phù hợp.

Đồng thời mong muốn thành phố triển khai thí điểm càng sớm càng tốt để Bộ có cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm trong triển khai tổ chức quản lý hệ thống ngành.

Còn mặt bằng chung trên toàn quốc thì Bộ Y tế sẽ tiếp tục nghiên cứu vì cũng có những địa phương rất khó khăn, một số huyện sẽ gặp nhiều khó khăn nếu giao quản lý các trung tâm y tế, bệnh viện trên địa bàn về đầu tư, về con người. Bộ Y tế sẽ cân nhắc trên các góc độ để bảo đảm tăng cường đầu tư, trách nhiệm đối với quản lý hệ thống y tế cơ sở, làm tốt hơn công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Bàn về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, theo tinh thần Nghị quyết 19 của Trung ương về sắp xếp đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập, nếu các đơn vị sự nghiệp công lập như bệnh viện mà tự chủ hoàn toàn thì được phép tổ chức hạch toán như doanh nghiệp và phải kiểm toán hàng năm, báo cáo về tài chính – hoặc kiểm toán độc lập hoặc kiểm toán Nhà nước phải làm.

Vậy chúng ta đã thực hiện nghiệm việc này chưa hay chúng ta đến khi mất bò mới lo làm chuồng, vấn đề kiểm tra, giám sát của Bộ là một chuyện, còn vấn đề chế độ kiểm toán, kế toán đối với đơn vị này thì trong Nghị quyết 19 nói rất rõ là phải thực hiện quản lý, hạch toán như doanh nghiệp.

Những việc như liên kết đặt máy, mua bán thuốc, vật tư, thiết bị y tế hàng năm thì bệnh viện công sẽ được Nhà nước kiểm toán và những đơn vị đã hạch toán như doanh nghiệp, tự chủ hoàn toàn thì phải kiểm toán và công khai việc này”, Chủ tịch Quốc hội nêu và đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế kiểm tra.

Riêng đối với các đơn vị y tế cấp huyện sau sắp xếp, tuy không ghi trực tiếp trong Nghị quyết 19 nhưng trong Đề án triển khai đã nói rõ là tất cả các đơn vị y tế cấp huyện chuyển về cho địa phương, ngành Y tế chỉ quản lý về mặt chuyên môn. Vì chính quyền cấp huyện rất thành thạo quản lý vấn đề con người, nhân sự, đất đai... và Chính phủ khóa trước đã có chủ trương thực hiện.

Vậy tại sao chúng ta lại làm rất khác nhau và qua đợt chống dịch thì vấn đề này càng bộc lộ ra, không chỉ ở thành phố Hồ Chí Minh đâu. Chúng tôi đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng phải chuẩn bị giải trình vấn đề này”, Chủ tịch Quốc hội đề nghị và mong muốn các đại biểu Quốc hội đi đến thống nhất để trong nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn có nội dung này.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm