Trao văn kiện thỏa thuận hợp tác sản xuất vaccine Sputnik tại Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đây là thỏa thuận hợp tác giữa các bên nhằm phát triển hoạt động sản xuất vaccine Sputnik phòng COVID-19 do Viện Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh Quốc gia Gamaleya (Nga) phát triển tại Việt Nam.
Đại diện VABIOTECH và SOVICO ký thoả thuận hợp tác với RDIF.
Đại diện VABIOTECH và SOVICO ký thoả thuận hợp tác với RDIF.

Trước sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và Phó Thủ tướng Nga Dmitry Chernyshenko, hôm nay (1/12), Công ty VABIOTECH – trực thuộc Bộ Y Tế Việt Nam và Tập đoàn SOVICO đã ký thoả thuận hợp tác với Quỹ Đầu tư Trực tiếp của Liên Bang Nga (RDIF) trong việc cung ứng, sản xuất vaccine Sputnik tại Việt Nam.

Thỏa thuận cũng bao gồm mở rộng nguồn cung cấp vaccine Sputnik tại Việt Nam cũng như các quốc gia, vùng lãnh thổ lân cận, hợp tác chuyển giao công nghệ, phương pháp phân tích và kiểm tra chất lượng…

VABIOTECH, một doanh nghiệp nhà nước của Bộ Y tế Việt Nam với sự đồng hành của tập đoàn SOVICO sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ cùng RDIF và Viện Gamaleya sản xuất vaccine Sputnik mỗi năm tại Việt Nam, góp phần quan trọng vào kế hoạch tự chủ vaccine phòng chống Covid-19 của Chính phủ Việt Nam cũng như đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam Gennady Bezdetko (thứ 3 từ trái sang) bàn giao lô vaccine Sputnik V cho Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn (thứ tư từ trái sang). Ảnh: VGP (ngày 29/9/2021)

Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam Gennady Bezdetko (thứ 3 từ trái sang) bàn giao lô vaccine Sputnik V cho Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn (thứ tư từ trái sang). Ảnh: VGP (ngày 29/9/2021)

Ông Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch VABIOTECH phát biểu: “Hơn 1 triệu liều vaccine Sputnik V đã được chúng tôi sản xuất thành công ở bước đóng ống, đóng gói, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng đã được Viện Gamaleya kiểm tra. VABIOTECH tin tưởng vaccine Sputnik sẽ là một trong những chìa khóa quan trọng trong kế hoạch tự chủ về vaccine của Việt Nam với hiệu quả cao đặc biệt với các biến chủng mới của virus corona như Delta và Omicron".

Trước đó, 1,5 triệu liều vaccine Sputnik V đã được tiêm cho người dân 7 tỉnh, thành phố của Việt Nam.

Với những ưu điểm vượt trội từ công nghệ với khả năng chống lại biến thể Delta cao (trên 80%)..., vaccine Sputnik ngày càng nhận được sự chấp thuận ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Đến nay, 71 quốc gia đã sử dụng vaccine Sputnik trong chiến dịch tiêm chủng toàn dân. Với biến chủng mới Omicron đang gây ra một làn sóng lo ngại mới trên toàn cầu, đội ngũ nghiên cứu, phát triển Sputnik cũng đang sản xuất vaccine chống lại các biến chủng này và dự kiến sẽ có trong 45 ngày nữa, đến năm 2022 đã có thể tiến hành sản xuất rộng rãi.

Lễ chuyển giao lô vaccine Sputnik V diễn ra tại Nội Bài với sự tham dự của Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam Gennady Bezdetko, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, lãnh đạo các cơ quan quản lý, ngoại giao, thương mại hai nước cùng Chủ tịch VABIOTECH Đỗ Tuấn Đạt và Phó Tổng giám đốc Tập đoàn SOVICO Đinh Việt Phương. Ảnh: VGP (ngày 29/9/2021)

Lễ chuyển giao lô vaccine Sputnik V diễn ra tại Nội Bài với sự tham dự của Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam Gennady Bezdetko, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, lãnh đạo các cơ quan quản lý, ngoại giao, thương mại hai nước cùng Chủ tịch VABIOTECH Đỗ Tuấn Đạt và Phó Tổng giám đốc Tập đoàn SOVICO Đinh Việt Phương. Ảnh: VGP (ngày 29/9/2021)

Tại Việt Nam, vaccine Sputnik V đã được Bộ Y tế cấp phép vào ngày 23/3/2021. Ngày 21/7, VABIOTECH đã chính thức công bố việc sản xuất thử nghiệm vaccine Sputnik V tại Việt Nam.

Việt Nam đã có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học các cấp đã được thực hiện nhằm nghiên cứu hoặc tiếp thu chuyển giao công nghệ sản xuất các loại vaccine thiết yếu và các loại sinh phẩm quan trọng phục vụ công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng…

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã rất thành công trong việc tiếp thu chuyển giao công nghệ, triển khai từ các đề tài nghiên cứu và phát triển (R&D) đến các Dự án sản xuất thử nghiệm và triển khai sản xuất ở quy mô công nghệp, phục vụ thiết thực cuộc sống. Việt Nam là một trong 39 quốc gia trên thế giới đạt tiêu chuẩn khắt khe của WHO và được thế giới công nhận về chất lượng vaccine.

Việc Việt Nam sản xuất thành công Sputnik là tiền đề quan trọng để nước ta có thể tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng vaccine toàn cầu, tiến tới trở thành trung tâm sản xuất vaccine chống COVID-19 trong khu vực. Điều này rất có triển vọng khi Việt Nam có đội ngũ nhân sự giàu kinh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị sản xuất vaccine.

Việc có thể làm chủ phương thức sản xuất vaccine phức tạp và năng lực sản xuất vaccine với số lượng lớn giúp Việt Nam đảm bảo chủ động vaccine cho người dân và còn có thể đóng góp vào việc giảm thiếu hụt toàn cầu và giúp vaccine dễ tiếp cận hơn với các quốc gia kém phát triển.

Đọc thêm