Triển khai đề án trồng 1 tỷ cây xanh: Huy động mọi nguồn lực, lồng ghép các chương trình

(PLVN) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025”. Không đề cập đến số kinh phí thực hiện Đề án, song Bộ NN&PTNT đề xuất tăng cường huy động mọi nguồn lực xã hội, đa dạng hóa nguồn vốn để thực hiện Đề án…
Tăng tỷ lệ trồng cây xanh phân tán tại các vùng nông thôn, khu vực đô thị, đường giao thông…
Tăng tỷ lệ trồng cây xanh phân tán tại các vùng nông thôn, khu vực đô thị, đường giao thông…

Hơn 2/3 số cây trồng phân tán

Tờ trình do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn ký khẳng định mục tiêu đến hết năm 2025, cả nước trồng được ít nhất 1 tỷ cây xanh, trong đó 690 triệu cây xanh trồng phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn; 310 triệu cây xanh trồng tập trung trong rừng phòng hộ, đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.

Lý giải về số cây trồng ở rừng phòng hộ chỉ chưa bằng một nửa số cây trồng phân tán, Bộ NN&PTNT cho biết, do quỹ đất trồng rừng mới ngày càng thu hẹp và điều kiện khó khăn hơn. Thực tế cho thấy, diện tích trồng rừng phòng hộ và trồng mới rừng sản xuất có xu hướng giảm dần khoảng 15-20% mỗi năm (trồng rừng phòng hộ từ 18.500ha năm 2016, đến năm 2020 còn khoảng 10.100ha; trồng mới rừng sản xuất từ 79.000ha năm 2016 và năm 2017, năm 2019 trồng 39.000ha, đến năm 2020 còn 32.250ha). Trong khi đó, theo số liệu thống kê từ năm 2016 đến nay, bình quân mỗi năm cả nước trồng được khoảng 66 triệu cây lâm nghiệp phân tán các loại…

Tờ trình cũng nói rõ: loại cây trồng, trong đó cây phân tán chọn loài cây trồng phù hợp với mục đích, cảnh quan và điều kiện sinh thái gây trồng, tập quán canh tác của từng địa phương, từng khu vực cụ thể; ưu tiên trồng cây bản địa, các loài cây thân gỗ, cây đa mục đích…

Trồng đi đôi với chăm sóc

Theo Bộ NN&PTNT, để thực hiện dự án, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, chính quyền, cộng đồng dân cư và người dân đối với công tác phát triển rừng và trồng cây xanh; phát huy được vai trò của cây xanh đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Phát triển cây xanh cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Phát huy truyền thống trồng cây do Bác Hồ khởi xướng; đưa việc trồng cây xanh trở thành phong trào thi đua của các cấp, các ngành, trong từng khu dân cư với sự tham gia tích cực của mọi người dân; là hành động thiết thực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. 

Đề án cũng lưu ý phải thu hút mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế, lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội để thực hiện kế hoạch trồng 1 tỷ cây xanh. Trong đó, ngoài trồng rừng tập trung, cần tăng tỷ lệ trồng cây xanh phân tán tại các vùng nông thôn, khu vực đô thị, đường giao thông, công trình hạ tầng đô thị, công trình giáo dục, y tế, văn hóa, nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu văn hóa, lịch sử… bảo đảm tỷ lệ cây xanh theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. 

Đặc biệt, trồng cây xanh phải đi đôi với chăm sóc, bảo vệ, quản lý, giám sát suốt quá trình trồng bảo đảm để cây trồng, rừng trồng sinh trưởng và phát triển tốt.

Đẩy mạnh xã hội hóa

Không đề cập cụ thể kinh phí thực hiện đề án, theo Tờ trình của Bộ NN&PTNT, kinh phí thực hiện Đề án xác định chủ yếu từ nguồn vốn xã hội hóa và lồng ghép thông qua các chương trình, dự án đầu tư công quốc gia giai đoạn 2021-2025; kêu gọi các nhà tài trợ, hợp tác quốc tế, triển khai có hiệu quả các Dự án ODA đầu tư cho bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ, đặc dụng, trồng cây xanh; ngoài ra có sử dụng một phần ngân sách nhà nước cho hỗ trợ cây giống, công tác triển khai, hướng dẫn, tuyên truyền, hỗ trợ, kiểm tra, giám sát, đánh giá,… 

Đối với các dự án ưu tiên, triển khai, tuyên truyền, cung cấp và hỗ trợ cây giống; xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật, tập huấn; kiểm tra, giám sát, đánh giá,… của Bộ NN&PTNT và các địa phương dự kiến từ Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ;

Đối với các dự án đầu tư trồng rừng phòng hộ, đặc dụng và hỗ trợ trồng mới rừng sản xuất, hỗ trợ trồng rừng thay thế nương rẫy, trồng cây lâm nghiệp phân tán: Thực hiện theo chính sách đầu tư và hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách nhà nước theo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025; các Dự án ODA; nguồn thu từ chi trả dịch vụ môi trường rừng theo quy định tại Nghị định 156/2018/NĐ-CP,… 

Đối với các dự án trồng cây xanh phân tán trong khu đô thị, khu công nghiệp, đường giao thông,… do chủ đầu tư tự thực hiện trên cơ sở các dự án được duyệt. Việc trồng cây xanh phân tán khu vực nông thôn và các khu vực công cộng khác chủ yếu từ vốn xã hội hóa từ các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng và lồng ghép từ các chương trình, dự án quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 (trong đó, Nhà nước hỗ trợ cây giống, các tổ chức, đoàn thể và người dân tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh).

“Tinh thần là tăng cường huy động mọi nguồn lực xã hội, thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn triển khai để trồng và bảo vệ cây xanh. Ngoài sự đóng góp về vốn để mua vật tư, cây giống, sẽ tích cực huy động nguồn lực về lao động, sự tình nguyện tham gia của các tổ chức, đoàn thể, quần chúng, các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ cây…” - Tờ trình nêu.

Đọc thêm