Trợ giúp pháp lý góp phần giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở Kiên Giang

(PLVN) - Triển khai thực hiện Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg, 451 người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã nghèo, xã bãi ngang ven biển ở tỉnh Kiên Giang được tiếp cận, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi giải quyết các vụ án dân sự, hình sự. 
Ảnh minh họa

Giai đoạn 2016 – 2020, triển khai Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý (TGPL) cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Kiên Giang có 18 xã đặc biệt khó khăn, xã vùng bãi ngang ven biển và  31 ấp, khu phố đặc biệt khó khăn. 

Gắn với Đề án đổi mới công tác TGPL và triển khai thi hành Luật TGPL năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch, văn bản chỉ đạo theo hướng chủ động tiếp cận đối tượng, đi vào vụ việc cụ thể, có sự lồng ghép, phối hợp với các hoạt động khác của Chương trình giảm nghèo trên cùng địa bàn để bảo đảm thực hiện tiết kiệm, hiệu quả.

Công tác truyền thông được chú trọng, 81 đợt tập huấn công tác hòa giải và truyền thông về TGPL được tổ chức tại cơ sở với 6.009 người tham dự. Nhiều hoạt động khác như TGPL tham gia hòa giải, phổ biến pháp luật về phòng chống mua bán người, bình đẳng giới, phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em, hôn nhân và gia đình… được triển khai cho các hội viên đoàn thể đã thu được kết quả rất tích cực, những mâu thuẫn giảm dần và tỷ lệ hòa giải thành đều đạt trên 80%. 

Truyền thông trên diện rộng có 232 bài viết “Câu chuyện pháp lý”, hàng ngàn tình huống giải đáp pháp luật trên Chuyên mục “Phổ biến pháp luật về trợ giúp pháp lý và giải đáp pháp luật” trên Báo Kiên Giang, Cổng thông tin điện tử của Trung tâm TGPL nhà nước với hàng trăm lượt người truy cập hàng ngày (đến nay đã có 503.306 lượt người truy cập) tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người tiếp cận dịch vụ TGPL và tìm hiểu pháp luật. 

 Nhiều loại tờ gấp pháp luật có liên quan thiết thực đến đời sống với số lượng 356.213 nói về TGPL, thừa kế, tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, TGPL cho người khuyết tật ... đã đến tay người dân. 

 Đường dây nóng về TGPL cũng được duy trì để tiếp nhận thông tin phản ánh những khó khăn, vướng mắc về pháp luật phát sinh trong cuộc sống hàng ngày, từ đó kịp thời tư vấn giải đáp thắc mắc, hướng dẫn yêu cầu được TGPL. 

Qua gần 5 năm triển khai, đến nay đã có 451 đối tượng là người nghèo và dân tộc thiểu số được bào chữa/bảo vệ trong  451 vụ án hình sự, dân sự, hành chính đạt được kết quả rất tích cực. 

Điển hình như vụ án “cố ý gây thương tích” xảy ra ở huyện An Biên vào ngày 21/7/2019. Ông Phạm Văn Th, hoàn cảnh gia đình thuộc diện hộ nghèo (không biết chữ), nghề nghiệp làm thuê. Sau khi đi uống rượu về, ông Th nhớ lại chuyện cũ vẫn còn ấm ức nên lớn tiếng xúc phạm ông D bằng những lời lẽ rất khó nghe. Lời qua, tiếng lại, do không kìm chế được cảm xúc nên ông Th đã dùng cây đánh ông D gãy 2 xương sườn, với tỷ lệ thương tích 9% nên hình phạt có thể đến 3 năm tù. Quá trình bào chữa cho ông Th, Trợ giúp viên pháp lý đã kiên trì động viên được ông D rút yêu cầu khởi tố bị cáo vào phút chót tại phiên tòa và thỏa thuận bồi thường thiệt hại 41.603.000 đồng nên vụ án được đình chỉ, bị cáo thoát án tù. 

Còn rất nhiều vụ việc tương tự, các đối tượng là người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số đã được TGPL bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong các vụ án, từ đó góp phần giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới ở tại địa phương.

Đọc thêm