Một thời “mưa bom, lửa đạn”
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 và đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ, ngã 3 Cò Nòi (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) đóng một vai trò không nhỏ.
Cò Nòi có địa hình hiểm trở, được bao bọc bởi những dãy núi tạo thành một thung lũng hẹp và sâu có chiều dài hơn 2km, nơi giao nhau giữa đường 13 (QL37) với đường 41 (QL6 ngày nay). Các hoạt động chi viện vũ khí, lương thực, thực phẩm của quân và dân ta từ hậu phương Việt Bắc và liên khu III, IV lên chiến trường Điện Biên Phủ đều phải đi qua nơi này. Là địa bàn cửa ngõ Tây Bắc, nút giao thông quan trọng, Cò Nòi được ví như “yết hầu” trên tuyến lửa.
Ông Đinh Văn Tôn (91 tuổi, cán bộ lão thành cách mạng, ngụ tiểu khu 2, thị trấn Bắc Yên, huyện Bắc Yên) nhớ lại: “Để chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên, ngày đó tôi và Bí thư Tỉnh ủy được Bác Hồ gọi sang Thái Nguyên họp, giao nhiệm vụ mở đường tiếp tế lên Điện Biên và vận động nhân dân chuẩn bị kho, lương thực, nơi trú quân cho bộ đội đi qua. Nhận xong nhiệm vụ chúng tôi trở về tham gia mở rộng tuyến đường 13 từ Phù Yên - Bắc Yên đi Cò Nòi. Đầu bên này của thị trấn Bắc Yên là cánh rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trú quân (xã Gia Phù, huyện Phù Yên); đầu bên kia của thị trấn là hàng ngàn thanh niên xung phong (TNXP), bà con dân bản hăng say tham gia mở đường”.
Dụng cụ của lực lượng TNXP khi làm nhiệm vụ; và bom nổ chậm của giặc Pháp tại Nhà trưng bày hiện vật. |
Những ngày chuẩn bị chiến dịch Điện Biên, có ngày đêm máy bay Pháp thả xuống đây đến 300 quả bom các loại, chủ yếu là bom phá, bom nổ chậm, bom bướm, bom cối xay, bom napan… Ngã ba Cò Nòi đất đá bị cày xới tơi tả, không còn một mầm xanh… Để ngăn chặn quân ta chi viện cho chiến trường Điện Biên, thực dân Pháp huy động lực lượng không quân hùng hậu hòng biến nơi đây thành “chảo lửa”, túi bom nhằm cắt đứt huyết mạch giao thông của quân ta.
Tại Ngã ba Cò Nòi đã diễn ra hàng ngày những cuộc đọ sức, đấu trí quyết liệt. Sau mỗi trận bom chỉ 3-4 tiếng đồng hồ, bằng bàn tay, khối óc, ý chí quyết thắng của TNXP, con đường lại hiện ra, nối hậu phương với tiền tuyến. Dưới mưa bom bão đạn, lực lượng TNXP quyết tâm bám trụ ngày đêm để đảm bảo mạch máu giao thông thông suốt. Và hàng trăm TNXP đã hy sinh anh dũng tại ngã ba lịch sử này. Đau xót hơn, tới nay mới tìm được ba bộ hài cốt, xương thịt của các Anh hùng liệt sĩ TNXP ngã xuống tại ngã ba Cò Nòi đã hòa vào đất Mẹ bất tử thiêng liêng.
Sống mãi với thời gian
Chiến tranh đã lùi xa, mảnh đất Cò Nòi năm xưa mang trên mình chi chít những hố bom mảnh đạn; nay được Nhà nước đầu tư thành khu di tích lịch sử, thành “địa chỉ đỏ” nơi giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ.
Để tưởng nhớ, tri ân, tôn vinh Anh hùng liệt sĩ và lực lượng TNXP hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ngày 21/4/2000, UBND tỉnh Sơn La quyết định khởi công xây dựng Đài tưởng niệm liệt sỹ TNXP tại Ngã ba Cò Nòi. Ngày 29/4/2004, Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi được Bộ VHTT&DL xếp hạng cấp Quốc gia nhân dịp Kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Ông Phạm Anh Minh, Giám đốc BQL Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi cho biết, Ngã ba Cò Nòi đã trở thành điểm đến quen thuộc của nhân dân và du khách thập phương trong hành trình hướng về cội nguồn. Năm nào cũng vậy, nhất là vào dịp kỷ niệm các ngày lễ trọng đại, di tích lại đón tiếp hàng nghìn lượt khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan học tập, nghiên cứu, thắp nén nhang bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của mình với sự hy sinh cao cả của lớp cha anh đi trước vì nền độc lập dân tộc. Nhiều trường học trên địa bàn cũng thường xuyên tổ chức các buổi ngoại khóa cho các học sinh, sinh viên đến thăm quan, học tập; để từ đó hun đúc tinh thần “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”, lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước.
Lãnh đạo tỉnh Sơn La dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Ngã ba Cò Nòi. |
Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi nằm trong khu vực tổng diện tích tự nhiên 9.433 ha, 40 bản tiểu khu, 19 nghìn hộ dân của ba dân tộc Kinh, Thái, Mông chung sống. Bước vào thời kỳ đổi mới, Cò Nòi là địa phương đi đầu toàn tỉnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất. Từ một địa phương nghèo gặp nhiều khó khăn; đã biết khai thác tiềm năng đất đai, phát triển kinh tế hàng hóa, từng bước xóa đói, giảm nghèo.
Cò Nòi hôm nay đã đổi thay, với những cánh đồng ngô, mía, vườn cây ăn trái xanh ngát trải dài, người dân có cuộc sống ấm no, sung túc. Những năm qua, phát huy truyền thống quê hương anh hùng cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Cò Nòi nói riêng và huyện Mai Sơn nói chung đã và đang đoàn kết, chung sức đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, xứng đáng danh hiệu quê hương anh hùng cách mạng.
Cò Nòi cũng là địa danh gắn với chiến công của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Tiến Thụ (SN 1934, quê Tiên Du, Bắc Ninh).
Trong chiến dịch Tây Bắc năm 1952, ông Thụ được bầu là Chiến sĩ thi đua của toàn Đội TNXP Trung ương. Tháng 1/1954, ông Thụ cùng Đội phá bom nổ chậm được điều về Cò Nòi.
Trong các loại bom có hai loại nguy hiểm nhất là bom nổ chậm và bom bướm. Bom nổ chậm không có hẹn giờ mà nổ nhanh hay chậm do chất axit trong vòng nhựa hãm kim hỏa, quả nào axit loãng vòng nhựa sẽ chậm cháy, quả nào axit đặc thì bom sẽ nổ sớm. Còn do thời tiết, ngày nắng nóng bom nổ nhanh, có khi chỉ sau 30 phút; nhưng có khi ngày hôm sau mới nổ.
Bom bướm là loại bom sát thương cực kỳ nguy hiểm, to hơn cả thùng phi khi mở ra, thường gọi là bom mẹ, mở ra trong đó có 250 bom con, mỗi quả bằng hộp sữa bò có 4 cánh xòe ra cho bom bay khắp nơi rồi hạ cánh xuống đất là ngòi nổ sẵn sàng, chỉ cần va vào là bom nổ, vỏ bom bằng gang nên giòn và mảnh nhỏ, khi nổ có thể sát thương cả chục người quanh đó.
Ông Thụ bàn với đồng đội tháo một quả để nghiên cứu, xem xét và khẳng định là bom sát thương thì khi nổ sẽ hất mảnh theo mặt bằng mặt đất chứ không khoan xuống phía dưới. Tìm ra nguyên lý hoạt động, việc phá bom bướm khá đơn giản, chỉ lấy sào hoặc lấy dây móc vào quả bom tìm nơi an toàn chọc hoặc giật cho nổ. Những quả chọc hoặc giật mà không nổ là do chốt kim hỏa bị vướng hoặc lò xo giữ kim hỏa không hoạt động; được kéo vào một hố sâu, cứ 10 - 20 quả là cho bộc phá kích nổ.
Tại Cò Nòi, đoạn đường ngầm Hát Lót qua suối Hát Lót chỉ hơn 100m không thể làm cầu tạm, có làm thì cũng bị địch phá ngay, phải dùng đá xếp thành đường, nước suối ngập so với mặt đường 30-50cm. Ông Thụ đề nghị lập đài quan sát cạnh đường ngầm để biết vị trí bom rơi ở đâu. Có những quả bom nổ chậm 500kg rơi đúng đường ngầm giữa đêm, ông Thụ cùng đồng đội tiếp cận, “khống chế” quả bom ngay trong đêm; hạn chế tối đa thời gian tắc đường.
Tổng kết chiến dịch Điện Biên Phủ tại Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn Đoàn TNXP Trung ương cả nước, ông Thụ được bầu là Chiến sĩ thi đua số 1. Năm 2014, nhân dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Chủ tịch nước đã ký quyết định phong tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho 5 TNXP, trong đó có ông Thụ, người đã có nhiều sáng kiến, dũng cảm trong chiến dịch Điện Biên, cùng đồng đội phá 120 quả bom các loại (trực tiếp phá 7 quả bom nổ chậm và 50 quả bom bươm bướm), 4 lần bị bom nổ vùi lấp nhưng vẫn không gục ngã.