Theo đó, Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 Trung ương Huế tại TP Hồ Chí Minh được phân chia thành 4 phân khu, gồm 90 giường hồi sức nguy kịch; 162 giường hồi sức nặng; 252 giường thoát hồi sức, phải thở oxy; 100 giường theo dõi. Ngoài ra còn 8 giường cấp cứu và đón bệnh. Các trang thiết bị tối tân nhất được Trung tâm sử dụng để điều trị cho người bệnh.
GS.TS Phạm Như Hiệp -Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế trực tiếp chỉ huy, vận hành hoạt động điều trị tại Trung tâm |
Tại đây, hệ thống máy thở, oxy, robot lẫn các thiết bị khác đã lắp đặt hoàn chỉnh và chạy thử, đáp ứng tốt nhu cầu điều trị. Đặc biệt là robot, do chính bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Huế trực tiếp nghiên cứu, sản xuất cũng được đưa vào phục vụ điều trị cho bệnh nhân COVID-19.
GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, hiện tại, Trung tâm đã có gần 400 y bác sĩ, trong đó lực lượng chủ lực là các y bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Huế. Bên cạnh đó còn có các y bác sĩ của Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Việt Nam - Cuba Đồng Hới, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam…
Trung tâm được phân chia thành 4 phân khu và sử dụng các trang thiết bị tối tân nhất để điều trị cho người bệnh |
Được biết, trong giai đoạn đầu, Trung tâm sẽ tiếp nhận bệnh nhân với số lượng vừa phải để đảm bảo các hệ thống máy thở, máy theo dõi sinh tồn hoạt động ổn định. Khi các khâu được vận hành thông suốt thì Trung tâm sẽ tăng dần việc tiếp nhận bệnh nhân nặng. Các phác đồ điều trị được làm theo đúng chỉ dẫn của Bộ Y tế.
Trung tâm được đặt tại số 2 Trường Chinh, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh |
Cùng với việc tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, đội ngũ các y bác sĩ tại Trung tâm cũng kết nối với một số quận trên địa bàn TP Hồ Chí Minh để kịp thời hỗ trợ chuyên môn về hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 theo sự phân công của Bộ Y tế.