Trung tâm Y tế thị xã Ba Đồn: Hiệu quả từ công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết

(PLVN) - Tính đến tháng 12/2019, toàn thị xã Ba Đồn ghi nhận xã có trên 1.580 trường hợp nghi mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH), trong đó có 1.500 ca xét nghiệm dương tính với tets nhanh NS1. Để đảm bảo tình hình bệnh không lan rộng và lan nhanh, Trung tâm Y tế thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp có hiệu quả trong việc phòng, chống bệnh sốt xuất huyết.
Việc dọn dẹp vệ sinh môi trường, loại bỏ các vật dụng chứa nước, không để muỗi đẻ trứng là giải pháp quan trọng nhất
Việc dọn dẹp vệ sinh môi trường, loại bỏ các vật dụng chứa nước, không để muỗi đẻ trứng là giải pháp quan trọng nhất

Năm 2019, dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh Quảng Bình nói chung và thị xã Ba Đồn nói riêng diễn biến khá phức tạp. 

Cụ thể, tính đến hết tháng 12/2019, toàn thị xã Ba Đồn ghi nhận xã có trên 1.580 trường hợp nghi mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH), trong đó có 1500 ca xét nghiệm dương tính với tets nhanh NS1. Dịch tập trung chủ yếu ở một số xã, phường như: Phường Ba Đồn, phường Quảng Thọ, phường Quảng Long, phường Quảng Phong, phường Quảng Thuận, xã Quảng Minh, xã Quảng Sơn và rải rác ở các xã còn lại…

Để ngăn chặn bệnh sốt xuất huyết lan rộng, ngay từ đầu năm Trung tâm Y tế thị xã đã chủ động xây dựng kế hoạch truyền thông về công tác phòng chống dịch bệnh và công tác truyền thông phòng chống bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn thị xã. Đặc biệt là vào những thời điểm như sau các đợt mưa bão và dịch bệnh sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát và dễ lan rộng. 

Trong năm, Trung tâm Y tế thị xã chú trọng hình thức truyền thông như: tuyên truyền qua kênh phát thanh truyền hình của thị xã, tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh tại các xã, phường. Phát tờ rơi, treo băng rôn, khẩu hiệu, tổ chức các đợt xe truyền thông lưu động. Vận động toàn dân vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, thu gom, lau chùi và lật úp các dụng cụ chứa nước không cần thiết để ngăn chặn sự phát triển của loăng quăng/ bọ gậy và muỗi vằn truyền bệnh tại thôn xóm, hộ gia đình các xã, phường nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác phòng chống dịch bệnh. 

Phun thuốc khử trùng diệt muỗi
Phun thuốc khử trùng diệt muỗi 

Tuyên truyền thực hiện tốt công tác xã hội hóa về phòng chống dịch bệnh đối với các tổ chức đoàn thể như: Đoàn thanh niên, phụ nữ, mặt trận, đặc biệt đội ngủ cán bộ thôn xóm, các cấp chính quyền cùng chung tay vào cuộc.

Bên cạnh đó, Trung tâm cũng chủ động tham mưu cho UBND thị xã Ba Đồn huy động các ban ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội phối hợp với Trung tâm để triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống, ngăn chặn hiệu quả sự bùng phát của các loại dịch bệnh tại địa phương; Tăng cường công tác giám sát các cơ sở khám chữa bệnh đóng trên địa bàn, các phòng khám tư nhân và cộng đồng nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh dịch thường xẩy ra về mùa hè, trong đó có sốt xuất huyết, Zika... để kịp thời triển khai các biện pháp khống chế và dập tắt, không để dịch lan rộng.

Theo Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Ba Đồn Trương Thanh Tân cho biết: Để phòng chống sốt xuất huyết hiệu quả, người dân cần dọn vệ sinh nhà ở, lật úp tất cả các vật dụng có thể chứa nước đọng, không tích nước trong chum, vại, thay nước lọ hoa thường xuyên, không vứt vỏ lon nước ngọt, lốp xe... ngoài vườn vì có thể khiến nước đọng, trở thành nơi sinh sôi lý tưởng của muỗi. Với tiểu cảnh, cần thả cá tiêu diệt loăng quăng...

Đồng thời, cần thực hiện nếp sống ngủ màn, mặc áo dài tay để tránh bị muỗi đốt. Tại các khu vực nguy cơ cao, y tế dự phòng tổ chức chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi, người dân nên cộng tác, bởi hóa chất là an toàn, không gây hại. Khi có các dấu hiệu như đột ngột sốt cao không hạ, mệt mỏi, nhức đầu, đau hốc mắt... cần nghĩ đến nguy cơ sốt xuất huyết, đến bệnh viện khám để được chẩn đoán, điều trị, phòng nguy cơ bệnh diễn biến xấu.

Đặc biệt “Để ngăn chặn nguy cơ bùng phát bệnh dịch trước và sau Tết Nguyên Đán 2020, chúng tôi chỉ đạo các địa phương tiếp tục làm tốt công tác vệ sinh môi trường, đảm bảo nguồn nước sạch phục vụ người dân. Đặc biệt, tập trung tuyên truyền, khuyến cáo người dân chủ động phòng tránh các bệnh thường xảy vào mùa đông như: đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, cảm cúm... và các bệnh dịch nguy hiểm khác như sốt xuất huyết, Zika, cúm A…", ông Trương Thanh Tân chia sẻ thêm.

Đọc thêm