Ký ức Trung thu
Ngày này, các cháu được người lớn tặng đồ chơi, thường là đèn ông sao, mặt nạ, đèn kéo quân, tò he… và được ăn bánh nướng, bánh dẻo. Mùi thơm của bánh nướng, bánh dẻo bay lên xoa xuýt. Rồi còn bưởi, hồng ngâm và bao thứ khác nữa… Cưng chiều con mình, bố mẹ nào cũng tất bật. Thật hồi hộp vào những thời khắc bày cỗ, trông trăng. Trăng lên cao, trẻ em sẽ vừa múa hát vừa ngắm trăng phá cỗ.
Tôi nhớ mãi, trong đời có hai lần đi công tác xuyên đêm ở một huyện ngoại thành Hải Phòng và một huyện thuộc Nam Định vào đúng đêm Trung thu. Tiếng trống rộn ràng. Hương đất, hương lúa nồng nàn. Lần xuống Nghĩa Hưng, xe chạy qua nhiều làng quê. Vui, trẻ em ùa ra đường múa lân, múa sư tử, múa rồng, đánh trống. Xe cứ phải dừng lại nhiều điểm, chờ các cháu đi qua. Cũng có nơi, bọn trẻ đến bên cửa kính xe “xin” quà Trung thu người lớn. Trước trẻ con, trong không khí “trông Trăng”, ai cũng sẵn lòng có phần quà nho nhỏ tặng các cháu.
Hơn lúc nào hết, Trung thu đến, tôi nhớ tôi. Tôi sinh ra ở một vùng quê nghèo, lớn lên gặp chiến tranh, đạn bom găm vào mơ ước. Nhiều Trung thu được bố mẹ cưng nựng trong hầm trú ẩn được đào dưới nền nhà. Tôi nhớ mãi Trung thu khi vừa kết thúc đợt ném bom miền Bắc lần thứ nhất của đế quốc Mỹ. Chiều 14 tháng Tám, sân kho đầu làng vui như chưa bao giờ vui thế. Hợp tác xã tổ chức Trung thu cho đám trẻ. Cũng chẳng có gì ngoài một nong xôi lạc. Bọn trẻ xếp hàng, cứ thế đi lên nhận nắm xôi từ tay các mẹ. Gạo nếp thời đó, ở vùng đất miền Trung gần như là “hạt ngọc”, được nắm xôi sung sướng đến chảy nước mắt. Ăn ngấu nghiến, ngập trong hạnh phúc. Tôi nhớ mãi, cuộc sống càng đủ đầy, càng nhớ.
Tôi có cảm tình đặc biệt với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Cứ mỗi dịp Trung thu, ông đều hì hục mua giấy, phẩm màu... về tự làm đèn ông sao, đèn kéo quân cho cháu nội, cháu ngoại; dù ngoài phố những đồ chơi ấy được nhập ngoại về giá rẻ, bắt mắt. Cháu ngoại ở Mỹ nhưng ông vẫn làm. Lúc ông làm, cháu nội quây quần bên ông. Đồ chơi của cháu ông, không chỉ là đồ chơi mà là tình cảm, cảm xúc đặc biệt. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều làm tôi nhớ đến những chiếc tàu bay giấy, con cào cào bằng lá dừa.... mà bố tôi từng gấp cho anh em tôi những mùa Trung thu thời niên thiếu.
Trung thu Hà Nội đầu thế kỷ 20. |
Tôi tin rằng sau này lớn lên cháu của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, dù lập nghiệp ở đâu, thành đạt như thế nào, có thể ở một nước nào đó nhưng chiếc đèn ông sao mà ông nội miệt mài làm bằng cả trái tim yêu trẻ sẽ mãi nằm trong ký ức. Đó là quê hương, là đất nước.
Lớn lên cùng Trung thu
Trung thu năm 2021 này hàng chục tỉnh thành, trong đó có Hà Nội đang những ngày giãn cách nghiêm ngặt. Cu Tôm nhà tôi chưa được đến trường. Sáng ngày ra, Tôm vẫn nằm trên giường, tay ngậm bình sữa, tay hí hoáy trò chơi. Thường mọi năm, bố mẹ Tôm đã mua đèn ông sao, năm nay hạn chế đi lại nên chưa hề thấy. Phố Hàng Mã hẳn nhiên không còn nô nức.
Trước đây, hễ cứ đến Rằm Trung thu, phố cổ Hà Nội luôn như nêm. Từng tốp phụ huynh xúng xính quần áo, trên tay bế bồng những thiên thần đến Hàng Mã để mua những món đồ lý tưởng cho con mình, vừa chụp những bức ảnh đẹp. Trung thu – Tết của trẻ em nhưng cũng là ngày “hội” của người lớn, từ ông bà, đến bố mẹ...Không riêng Hà Nội, 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đều có “Đêm hội trăng rằm”.
Việt Nam là đất nước mà trên lá cờ lý tưởng có tuyên ngôn “Trẻ em hôm nay thế giới ngày mai”. Trẻ em không chỉ được luật định có quyền được chăm sóc về sức khỏe dinh dưỡng, về giáo dục, về văn hóa vui chơi giải trí, được bảo vệ mà còn một thứ quyền khác, đó là quyền được tham gia. Trong nhà trẻ em phải được “đối thoại”, thay vì bố mẹ dùng “quyền sinh thành” đối với các cháu. Với xã hội, trẻ em có quyền được trao cơ hội bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của mình về các vấn đề của trẻ em tại các Diễn đàn trẻ em các cấp...Nhiều nước, trẻ em chẳng từng được “thử” làm nguyên thủ đó sao. Nhiều nước như Mỹ, Anh, Pháp, Úc... từng có những em bé 5-6 tuổi gửi “tâm thư” lên Tổng thống, Thủ tướng của họ về nhiều vấn đề thời cuộc, từng xôn xao dư luận.
Trung thu xưa |
2021 là năm thứ hai thế giới và Việt Nam bị dịch bệnh COVID-19 “tấn công”. COVID-19 cướp đi nhiều thứ, trong đó có “Tết Hoa đăng”. Câu thơ “Những em bé vừa đi vừa lớn” của nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh viết trong những ngày hàng ngàn người từ TP. HCM tự phát về quê tránh dịch, trong đó có em bé 10 ngày tuổi, thực sự ám ảnh. Tôi nhớ, đã có hơn 1.500 trẻ em mồ côi bố mẹ vì COVID-19, trong đó có nhiều bé vừa lọt lòng. Nỗi đau không chỉ của riêng của các cháu, nỗi đau chung rỉ máu con người. COVID-19 cho thấy cuộc đời quá mong manh, cuộc sống trên trái đất này ngày càng nhiều nguy cơ phi truyền thống. Các nhà chính trị đứng đầu các quốc gia, tổ chức quốc tế hẳn sẽ phải suy nghĩ và hành động vì tương lai của loài người.
Văn hóa luôn có điểm giao thoa, các quốc gia Đông Á và Đông Nam á đều có Tết Trung thu, tuy nhiên mỗi cộng đồng dân tộc có bản sắc riêng, khác biệt. Dù xuất xứ từ đâu nhưng Trung thu – “Tết trông trăng”, rõ ràng là một thành tố của văn hóa dân tộc, trường tồn cùng dân tộc Việt. “Trung thu trăng sáng như gương / Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng / Sau đây Bác viết mấy dòng / Gửi cho các cháu tỏ lòng nhớ thương”, đây là mấy vần thơ dung dị của Người vào Tết Trung thu năm 1951, trong hoàn cảnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp còn ác liệt.
Năm nay vì COVID-19, chắc chắn “Trống hội Trung thu” sẽ không vang lên. Nhưng những âm thanh của chiêng, la, não bạt trong trái tim của những người yêu trẻ em luôn rộn ràng, muôn thuở.
“Món ăn tinh thần” cho trẻ Rằm Trung thu
Nhằm mang đến “món ăn tinh thần” cho trẻ em trong dịp Tết Trung thu ở bối cảnh dịch bệnh, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Triển lãm – Bộ VHTTDL, Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam cùng các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức triển lãm “Giải thưởng Mỹ thuật thiếu nhi Việt Nam năm 2021” và “Trung thu trong ánh mắt trẻ thơ” từ ngày 20/9 -31/12 bằng hình thức online tại địa chỉ website http://ape.gov.vn; http://trienlamvhnt.vn.
Với triển lãm “Giải thưởng Mỹ thuật thiếu nhi Việt Nam” có 409 tác phẩm được chọn trưng bày, thể hiện sinh động tình yêu quê hương, đất nước Việt Nam, phản ánh cuộc sống, sinh hoạt, vui chơi của các em thiếu nhi; tình yêu của thiếu nhi với Bác Hồ, ông bà, cha mẹ, gia đình. Bên cạnh đó là tranh về bảo vệ môi trường, phòng chống dịch Covid-19, mong ước một thế giới hòa bình, hạnh phúc…
Triển lãm “Trung thu trong ánh mắt trẻ thơ” góp phần truyền tải những hồi ức đẹp thông qua nhiều hình ảnh về tình cảm của Bác Hồ dành cho thiếu niên, nhi đồng nhân dịp tết Trung thu; hoạt động nhân Trung thu truyền thống Việt Nam và một số nước châu Á; giới thiệu các loại đồ chơi trung thu truyền thống.
Cũng để phục vụ trẻ em trong dịp Tết Trung thu, “Chia sẻ để gần nhau hơn” là chương trình âm nhạc trực tuyến đặc biệt, kết nối thiếu nhi trong và ngoài nước của Đài Truyền hình Việt Nam, được truyền hình trực tiếp vào 20h10 ngày 19/9/2021 trên kênh VTV 1. Chương trình quy tụ nhiều nghệ sỹ nổi tiếng như ca sỹ Văn Mai Hương , Lâm Bảo Ngọc ; gia đình ca sĩ Hoàng Bách …