Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Thái Bình đã nỗ lực, phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, hoàn thành và hoàn thành vượt mức hầu hết các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XIX.
Kinh tế liên tục tăng trưởng khá, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, quy mô và tiềm lực nền kinh tế được nâng lên. Tổng sản phẩm GRDP bình quân 5 năm (2016-2020) ước tăng 9%/năm, vượt mục tiêu Đại hội XIX đề ra (8,6%/năm), cao hơn mức trung bình cả nước và gấp 1,3 lần mức tăng trưởng của 5 năm trước (6,7%/năm).
Quy mô nền kinh tế và GRDP bình quân đầu người có bước tăng mạnh, năm 2020 ước cao gấp 1,8 lần năm cuối nhiệm kỳ trước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng; tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ đạt 77,4%, tăng 11,4% so với năm 2015.
Ngoài ra các lĩnh vực như: Thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, thu ngân sách, phát triển hạ tầng… đều đạt kết quả khả quan.
Tuy nhiên, bên cạnh đó nhiệm kỳ qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Kinh tế của tỉnh tuy đạt tốc độ tăng trưởng khá nhưng chất lượng tăng trưởng chưa cao. Quy mô nền kinh tế còn nhỏ, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp… Do đó, tỉnh Thái Bình sẽ phải xác định phát triển như thế nào trong giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo để phù hợp với bối cảnh trong nước và quốc tế đang có nhiều diễn biến phức tạp.
Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, hoàn thành và hoàn thành vượt mức hầu hết các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, với thế mạnh truyền thống và các kết quả đạt được trong nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, Thái Bình cần quan tâm vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn; nghiên cứu giải phóng nguồn lực đất đai và con người trong nông nghiệp để chuyển sang phục vụ công nghiệp; phát triển nông nghiệp với quy mô lớn theo hướng tập trung vào chất lượng để cung cấp trong nước và xuất khẩu; gắn nông nghiệp với công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng; phát huy các kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới để chuyển sang giai đoạn xây dựng nông thôn kiểu mới gắn với đô thị hóa với tầm nhìn phát triển dài hạn, tránh lãng phí trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Về phát triển công nghiệp, đồng chí Nguyễn Văn Bình nhất trí với mục tiêu tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp và đề nghị tỉnh cần đánh giá vị trí của tỉnh trong tứ giác phát triển Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh-Thanh Hóa để xác định hướng đi phù hợp. Tỉnh sẽ không hướng vào lĩnh vực khai khoáng do nguồn tài nguyên nhỏ không đủ quy mô và hiệu quả.
Thay vào đó dùng quỹ đất để tập trung phát triển công nghiệp và dịch vụ, tập trung khai thác thế mạnh về con người và đất đai cùng với lợi thế kết nối với Hải Phòng có cảng biển để thu hút ngành công nghiệp điện tử nhằm đem lại giá trị gia tăng cao phục vụ phát triển kinh tế địa phương.
Khai thác nguồn lực về con người để phát triển dịch vụ như công nghệ thông tin phục vụ nhu cầu số hóa nền kinh tế, dịch vụ nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp.
“Tỉnh cần có tầm nhìn phát triển về công nghiệp và dịch vụ, tổ chức triển khai quy hoạch để phát triển kinh tế xã hội tỉnh Thái Bình nhanh và bền vững. Quan tâm thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, chuẩn bị tốt mọi mặt để tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025”, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nói.