Truyền tải điện (TTĐ) Kon Tum với nhiệm vụ đảm bảo vận hành an toàn lưới điện 500KV gồm 2 mạch (ĐZ500KV Thạnh Mỹ - Pleiku2 và ĐZ500KV Pleiku-Dốc Sỏi), lưới điện 220KV gồm 2 mạch kép (ĐZ 220KV Pleiku-Kontum và ĐZ 220KV Xekaman1-Pleiku2) và 1 trạm biến áp 220KV Kon Tum.
Trạm biến áp 220KV KonTum với áp lực là trạm 220KV duy nhất cấp điện cho tỉnh KonTum, đồng thời giải tỏa nguồn công suất từ thủy điện Pleikrông (110MW) và một số thủy điện nhỏ khu vực Kon Tum nên TTĐ Kon Tum đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Bao gồm: kiện toàn các bộ máy về công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) cũng như các phương án PCCC từ cấp cơ sở; Lập kế hoạch và thực hiện công tác sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng thiết bị và các giải pháp giảm thiểu sự cố theo chỉ đạo của Công ty; Đẩy nhanh các công trình sửa chữa lớn đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng nhằm vận hành an toàn thiết bị đáp ứng yêu cầu cung cấp điện.
Đối với trạm biến áp (TBA), tăng cường kiểm tra thiết bị, phối hợp với các cấp điều độ đảm bảo chất lượng điện áp thanh cái theo quy định, theo dõi, cập nhật và báo cáo kịp thời các thông số vận hành, soi phát nhiệt thường xuyên nhằm phát hiện các bất thường để xử lý. Phối hợp với Trung tâm dịch vụ kỹ thuật 2 thực hiện công tác thí nghiệm định kỳ tại TBA hoàn thành trong tháng 2/2020.
Đối với đường dây, triển khai kiểm tra định kỳ thiết bị và hành lang tuyến các đường dây. Những ngày nghỉ bố trí nhân viên vận hành tăng cường kiểm tra tuyến để ngăn ngừa hiện tượng phát nương, đốt rẫy của người dân có nguy cơ cháy gây sự cố lưới điện
Ngoài ra còn phối hợp với lực lượng bảo vệ và chính quyền địa phương vận động, tuyên truyền các tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ an toàn lưới điện cao áp. Trong đó việc xử lý, giải tỏa cây cao ngoài hành lang tuyến, thực hiện các giải pháp phòng chống cháy lan trong và ngoài hành lang tuyến gây sự cố lưới điện là những nội dung được đơn vị quan tâm hàng đầu.
Việc triển khai công tác sửa chữa thường xuyên, ứng dụng công nghệ vệ sinh sứ hotline các đường dây 220kV – 500kV và TBA 220kV cũng được thực hiện liên tục. Đồng thời ký kết quy chế phối hợp với lực lượng bảo vệ, Công an địa phương và ký cam kết với một số tổ chức, cá nhân dọc tuyến đường dây.
Đại diện TTĐ Kon Tum cho biết, giao thời giữa 2 mùa khô và mùa mưa của Tây Nguyên cũng là thời gian dễ xảy ra sự cố lưới điện do giông sét trong khi đó khu vực Kon Tum mật độ sét hàng năm rất cao, lưới điện đi qua đồi núi cao nên khả năng sét đánh vào đường dây là rất lớn. Chính vì vậy trước mùa giông sét đơn vị triển khai các giải pháp xử lý đảm bảo thoát sét cùng với các giải pháp khác như: lắp chống sét đa tia, lắp dây néo giảm tổng trở sóng cột...
Đồng thời thực hiện giải pháp ứng dụng công nghệ như sử dụng Flycam, camera lắp trên cột đường dây nhằm giám sát, kiểm tra thiết bị và hành lang tuyến, phát hiện sớm các nguy cơ ở những đoạn tuyến xung yếu như đường dây qua đồi núi, thung lũng, địa hình phức tạp, những nơi dễ xảy ra cháy rừng, những nới có nguy cơ xâm phạm hành lang an toàn lưới điện...