Theo ý kiến của một số đại biểu, thời gian qua, thông tin về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) đã được đăng tải đều đặn trên tất cả các loại hình báo chí, với nhiều hình thức thể hiện khác nhau, tuy nhiên vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn, bởi nội dung truyền thông về lĩnh vực này chưa thực sự hấp dẫn. Những hạn chế, tiêu cực trong thực thi chính sách BHXH, BHYT vẫn chưa được phân tích chuyên sâu và liên tục về nguyên nhân, hậu quả. Một số tin bài chưa thực sự khách quan, gây hiệu ứng xã hội không tốt…
Ông Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam - cho rằng, công tác truyền thông về BHXH, BHYT trong thời gian tới cần phải được đổi mới, sáng tạo, hiệu quả, nhằm đưa các chính sách đi vào cuộc sống. Sự chính xác, kịp thời, sắc sảo, thuyết phục, kể cả việc sử dụng các thuật ngữ chuyên môn liên quan đến BHXH, BHYT là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, cần có thêm những kênh truyền thông chuyên biệt, hiệu quả về BHXH, BHYT cho từng đối tượng khác nhau.
Mặt khác, mỗi cơ quan báo chí cần xây dựng đội ngũ cộng tác viên là các chuyên gia về an sinh xã hội để có một cái nhìn sâu sắc, đánh giá sắc sảo và sự phân tích chính xác về vai trò của BHXH đối với sự phát triển của đất nước. Các cơ quan báo chí và nhà báo cần hợp tác chặt chẽ hơn với các cơ quan thực thi chính sách về BHXH, BHYT để vừa thu thập được các thông tin chính thống từ những cơ quan này để cung cấp cho công chúng, vừa chuyển tải, lan tỏa thông điệp đến các đối tượng khác nhau trong xã hội.
Bên cạnh đó, cần mở rộng các chuyên trang, chuyên mục về BHXH, BHYT, xây dựng và mở rộng các kênh tương tác giữa cơ quan báo chí và công chúng báo chí về lĩnh vực BHXH, BHYT.
Đồng quan điểm, ông Đặng Khắc Lợi – Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông - cũng kiến nghị: “Để nâng cao chất lượng công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT trong thời CMCN 4.0, trước hết, công tác tuyên truyền phải đặc biệt chú trọng đến các tầng lớp nhân dân, nhất là đối tượng chính sách, người nghèo, người có công, đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí truyền thông cần đổi mới các thông tin nội dung truyền thông về công tác BHXH, BHYT… Đồng thời, cần phải chú trọng công tác tập huấn, đào tạo kỹ năng và cần có kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên về chuyên môn, nghiệp vụ cho các phóng viên, nhà báo của các cơ quan báo chí. Cùng với đó, cần động viên khen thường kịp thời tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc truyền thông về chính sách BHXH, BHYT”.
Chia sẻ kinh nghiệm “Báo chí truyền thông về BHXH, BHYT kinh nghiệm từ quốc tế”, nhà báo Lê Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh: Để làm tốt vai trò thông tin truyền thông về BHXH, BHYT cho người dân, giúp người dân hưởng được lợi ích thiết thực và hạn chế mọi rủi ro trong cuộc sống, tăng sự an toàn, tạo sự đồng thuận trong nhân dân với các chủ trương của Đảng, các chính sách của Nhà nước thì không còn cách nào khác là các cơ quan bảo hiểm cần liên kết với các nhà báo, các nhà làm truyền thông chuyên nghiệp để cùng nhau thực hiện.
Tiếp thu những đóng góp của các đại biểu tại Hội thảo, Giám đốc Trung tâm Truyền thông BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hương bày tỏ mong muốn: Để công tác truyền thông của ngành đạt hiệu quả trong thời gian tới, ngành BHXH rất mong Hội Nhà báo Việt Nam, các cơ quan truyền thông báo chí, các nhà báo tiếp tục phối hợp với ngành BHXH trong công tác truyền thông, tiếp tục đổi mới các hình thức thể hiện tin bài để phù hợp với sự đa dạng trong tiếp nhận thông tin của người tham gia, góp phần tạo niềm tin sâu rộng về chính sách BHXH, BHYT - 2 chính sách trụ cột của Đảng, Nhà nước ta về an sinh xã hội đến toàn thể nhân dân./.