Đây là lần đầu tiên một hội thảo khoa học về truyền thông BHXH, Bảo hiểm y tế (BHYT) được tổ chức với sự tham gia của ba giới chuyên môn; bao gồm nhà quản lý, điều hành thực thi chính sách, nhà nghiên cứu và đào tạo báo chí - truyền thông và lãnh đạo quản lý một số cơ quan báo chí cùng đội ngũ biên tập viên, phóng viên.
Phát biểu hội thảo, GS.TS Nguyễn Văn Kim, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội – Nhân văn nhấn mạnh vai trò trụ cột của chính sách BHXH, BHYT trong hệ thống An sinh xã hội; đây là hai chính sách nhằm bảo đảm tính công bằng xã hội và cũng là thước đo quan trọng đánh giá trình độ phát triển của xã hội. Để việc thực thi các chính sách nói chung và chính sách BHXH, BHYT nói riêng, công tác truyền thông đóng vai trò quan trọng, là cầu nối đưa các quy định của pháp luật đến với từng người dân, đi vào thực tiễn cuộc sống.
Hội thảo trao đổi về cơ sở lý luận, mô hình và phương thức truyền thông chính sách nói chung và chính sách BHXH, BHYT nói riêng trong bối cảnh xã hội Việt Nam và kỷ nguyên truyền thông 4.0. Qua đó đã thu hút hơn 30 tham luận của các nhà lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học, chuyên gia và các nhà báo có uy tín, được đăng trong kỷ yếu khoa học. Trong đó, bao gồm báo cáo về các nhóm chủ đề tiêu biểu như: những kết quả đã đạt được cho đến nay, những điểm yếu, điểm cần chú trọng về truyền thông chính sách BHXH, BHYT trong thời gian tới đối với các cơ quan báo chí; các vấn đề nổi cộm được phản ánh về việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT hiện nay trên các loại hình báo chí; phản biện xã hội của các cơ quan báo chí về BHXH, BHYT; ứng dụng những phương thức truyền thông mới trên mạng xã hội và các mô hình truyền thông có sự tham gia của người dân trong việc thúc đẩy thực thi chính sách BHXH, BHYT,… Thông qua đó, hội thảo tạo ra một không gian đối thoại giữa ba nhóm để tăng cường hiểu biết và nâng cao năng lực lẫn nhau nhằm đạt được các mục tiêu truyền thông về chính sách BHXH, BHYT trong thời gian tới.
Chia sẻ tại hội thảo, Th.S Dương Ngọc Ánh - Phó Giám đốc Trung tâm truyền thông Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, tính đến 28/2/2018, số người tham gia BHXH là 13,79% triệu người, bảo hiểm thất nghiệp là 11,69 triệu người, BHYT là 80,55 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 85,9% dân số cả nước. Tuy nhiên, so mục tiêu của Bộ Chính trị đề ra là phấn đấu đến năm 2020 có 50% dân số tham gia BHXH, 35% số người lao động tham gia BHTN và mới đây nhất là Quyết định của Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ phấn đấu đến 2020 phải đạt 90% dân số có BHYT, hiện vẫn còn khoảng cách rất lớn bởi tỉ lệ người tham gia BHYT, BHXH chưa cao.Vì vậy, để khắc phục tình trạng này, công tác truyền thông chính sách BHYT, BHXH cần phải có những giải pháp nhằm đổi mới nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác truyền thông trong thời gian tới.