Đức Phật phân chia các đồ đệ của người thành hai loại. Loại một là những người nhờ khả năng tu tập kiệt xuất mà chứng ngộ, nhưng không có tâm từ bi. Loại thứ hai là những người luôn chú trọng đến lòng từ bi theo lời Phật dạy. Họ là những người có thể tới cõi cực lạc, nơi mà không có đau khổ tồn tại, nhưng họ vẫn chưa muốn lên bờ, vì còn rất nhiều người cần đến sự giúp đỡ của họ.
Osho cho rằng chính tinh thần “vì người khác” này là điều Đức Phật tạo ra cuộc cách mạng trong tu đạo. Trước Phật, người ta chỉ cần thiền, chú trọng tới sự phát triển cá nhân; sau Phật bạn học được giá trị của từ bi, để từ đó mở rộng lòng mình ra với thế giới. Vì thế, Osho lập luận rằng tình yêu thường rất trẻ con và chỉ dành cho tuổi mới lớn. Vì yêu là cho đi và mong mỏi được nhận lại. Nó là sự kỳ vọng người khác sẽ thỏa mãn những hy vọng của mình. Nó là mê đắm, kích động, mù quáng... để rồi khi người ta chia tay và hết yêu, nó trở thành một thứ rất cay đắng. Con người bắt đầu lớn, khi họ hiểu rằng còn có thứ lớn lao hơn cả tình yêu đó là tình thương. Rồi cảm xúc cũng sẽ hết, vui mấy rồi cũng sẽ tàn, nhưng lòng từ bi là thứ còn mãi. Không phải vì ta yêu nhau, mà vì ta thương nhau, nên bạn sẽ cố gắng tử tế hết mức có thể.
Chính vì tình yêu hướng đến việc sở hữu người khác, ngắt bông hoa đem về nhà cắm bình, thay vì để nó tỏa hương, nó sẽ tạo ra địa ngục cho cả hai người. Trịnh Công Sơn từng viết. Người từng yêu bạn, bạn sẽ có thể quên, nhưng người từ bi với bạn, tình cảm đó sẽ mãi còn hiện diện.
Bạn có biết tại sao quan sát tượng Phật, bạn sẽ thấy người giống khuôn mặt đàn bà hơn đàn ông? Tại sao chúng ta không thấy ria mép hay râu cằm trên khuôn mặt của Mahavira, Phật, Krishna, Ram? Osho cho rằng lý do khiến Phật mang tính nữ nhiều hơn là bởi nó tượng trưng cho tình yêu cao quý và nguyên bản nhất: Lòng từ bi của người mẹ.
Cuốn sách Từ bi của nhà hiền triết Osho là một lời kêu gọi chúng ta trở lại và mở rộng thứ tình cảm ban sơ và thiêng liêng nhất này. Cuộc sống này sẽ nhỏ bé biết bao nếu dù sống với nhau, nhưng ta chỉ biết nghĩ về mình. “ Đam mê giữ bạn bị dính vào đất, vào bùn, và bạn không bao giờ trở thành hoa sen. Từ bi làm bạn thành hoa sen. Bạn bắt đầu vươn lên trên thế giới bùn lầy của ham muốn, tham lam, giận dữ. Từ bi là việc biến đổi năng lượng của bạn”. Biết thương mình và học thương người, suy cho cùng là con đường duy nhất dẫn đến hạnh phúc thật sự.