Tự chủ trong sản xuất

(PLVN) -Tự chủ trong sản xuất là một trong những yêu cầu được Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết năm 2023 của ngành Công Thương.
Ảnh minh họa.

Nhìn lại nền kinh tế 2023, trong thành công chung của cả nước, có sự đóng góp quan trọng của ngành Công Thương. Bộ Công Thương đã tham mưu, trình Thủ tướng phê duyệt một số quy hoạch ngành quốc gia ý nghĩa quan trọng. Hoạt động sản xuất công nghiệp đã vượt qua giai đoạn hết sức khó khăn, sóng gió. Đến nay, dù không đạt như kỳ vọng, nhưng sản xuất công nghiệp đã cho thấy sự phục hồi tích cực, đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Một số dự án tồn đọng kéo dài của ngành đã được khắc phục, đi vào hoạt động đạt hiệu quả bước đầu.

Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế. Đây là nỗ lực rất lớn và sự phối hợp hiệu quả giữa ngành Công Thương, nông nghiệp, ngoại giao, cùng cộng đồng DN, trong bối cảnh thương mại thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm, tổng cầu thế giới sụt giảm.

Một “điểm sáng” khác, là thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh, đạt quy mô khoảng 25 tỷ USD, tăng 25% so với 2022, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong DN. Việc phát triển các nền tảng số trong thương mại đã thúc đẩy tiếp cận thị trường, rút ngắn khoảng cách và thời gian cho DN.

Ngành Công Thương cũng triển khai hiệu quả nhiều giải pháp xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng để thúc đẩy thương mại nội địa. Tổng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023 ước tăng 9,6%, vượt mục tiêu đề ra (8 - 9%).

Nhưng bên cạnh kết quả đạt được, Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn nhận diện những tồn tại, bất cập, cần tập trung xử lý, khắc phục trong thời gian tới. Công nghiệp vẫn chủ yếu phụ thuộc vào khối FDI, các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp năng lượng xanh, vật liệu mới… phát triển chậm. “Kim ngạch xuất khẩu vẫn còn phụ thuộc nhiều vào khối FDI, vì vậy chúng ta phải xác định được những khâu, sản phẩm có giá trị gia tăng cao từ chuyển giao công nghệ, nghiên cứu và triển khai thay vì chỉ gia công, nhằm phát triển những ngành công nghiệp nền tảng, mũi nhọn, cơ bản”, Phó Thủ tướng phân tích rõ.

Hai sự kiện trong năm qua ảnh hưởng tới nhiều người dân, là có lúc thiếu xăng dầu hay thiếu điện, cũng đã được nhắc đến, khi Phó Thủ tướng yêu cầu ngành Công Thương tập trung khắc phục không để xảy tình trạng thiếu nguyên, nhiên, vật liệu thiết yếu đối với nền kinh tế và đời sống dân sinh, nhất là bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; phải bảo đảm cân đối cơ cấu và sự phát triển các nguồn điện sát với tình hình thực tế.

Những điểm mà ngành Công Thương cần khắc phục, như Phó Thủ tướng đã nêu, suy cho cùng, đều là những yếu tố liên quan tự chủ trong sản xuất. Dù vẫn biết thời đại toàn cầu hóa, chuỗi cung ứng liên quan chặt chẽ với nhau; nhưng để đất nước giàu tài nguyên năng lượng có lúc rơi vào tình huống thiếu điện, thiếu xăng thì điều này cần thay đổi. Đó chính là lý do lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo rõ: “Nếu không đổi mới trong tư duy, quan điểm, chính sách thì ngành công nghiệp không thể tiếp cận với công nghệ cao, chất lượng, kinh tế xanh hay dẫn dắt kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng từ nâu sang xanh, không tận dụng được xu thế hội nhập, thu hút đầu tư”.

Đọc thêm