Từ Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển, tạo động lực đột phá phát triển Bến Tre về hướng Đông

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 – 23/10/2021), “Đoàn tàu không số” và 75 năm (1946-2021) thực hiện chuyến vượt biển ra Bắc đầu tiên, trong 2 ngày 30 - 31/10, Tỉnh ủy Bến Tre đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Phát huy tinh thần tiên phong mở đường, mở bến đường Hồ Chí Minh trên biển, phát triển Bến Tre về hướng Đông”. 
Từ Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển, tạo động lực đột phá phát triển Bến Tre về hướng Đông

Tham dự tại hội thảo có Thiếu tướng Đoàn Thanh Xuân - Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Quân khu 9; Đại tá, PGS, TS. Dương Hồng Anh - Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam; Đại tá Đặng Mạnh Hùng - Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân; Đại tá Lê Nam Sơn - Phó Lữ đoàn Trưởng Lữ đoàn 125 Vùng 2 Hải quân; Đại tá Lê Thanh Nhã - Chính ủy Lữ đoàn 962 Quân khu 9; Chuẩn Đô đốc Phạm Xuân Điệp - Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Quý Ba - Phó Chủ tịch Thường trực Hội truyền thống Đoàn tàu không số TP Hồ Chí Minh. Về phía lãnh đạo tỉnh Bến Tre có ông Lê Đức Thọ - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; bà Hồ Thị Hoàng Yến - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh; ông Trần Ngọc Tam - Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh.

Đoàn Chủ tịch điều hành Hội thảo

Đoàn Chủ tịch điều hành Hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu đã lần lượt báo cáo tham luận, đi sâu phân tích, luận giải từng nội dung cụ thể với chủ đề “Phát huy tinh thần tiên phong mở đường, mở bến đường Hồ Chí Minh trên biển, phát triển Bến Tre về hướng Đông”.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trần Ngọc Tam - Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre nhấn mạnh: Đường Hồ Chí Minh trên biển và sự ra đời, hoạt động của “Đoàn tàu không số” đã có ý nghĩa quan trọng và ảnh hưởng to lớn. Trong đó, chuyến vượt biển ra Bắc từ Bến Tre năm 1946 và giữa năm 1961 đã cho thấy sự nhạy bén trong lãnh đạo, tổ chức của Khu ủy và của Tỉnh ủy Bến Tre.

Quê hương xứ Dừa là một trong những địa phương đi đầu trong Đồng khởi và cũng là nơi tiên phong, khởi đầu cho những con tàu huyền thoại nối tiếp nhau vượt biển ra Bắc. Chính vì vậy mà việc nghiên cứu, vận dụng những bài học kinh nghiệm quý báu từ con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay, mở rộng không gian phát triển về hướng biển nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của biển để phát triển bền vững đất nước, đặc biệt là đối với những địa phương từng là bến tiếp nhận của con đường huyền thoại này là định hướng đúng đắn và cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

Ông Trần Ngọc Tam - Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre phát biểu khai mạc Hội thảo

Ông Trần Ngọc Tam - Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre phát biểu khai mạc Hội thảo

Tham luận tại Hội thảo, với chủ đề tham luận “Bến Tre - Đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc – Nam”, Đại tá, PGS, TS. Dương Hồng Anh - Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam đã đánh giá: Trong nhiều bến của Đường Hồ Chí Minh trên biển, bến Bến Tre tại xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre có vị trí quan trọng. Đây là nơi đứng chân chủ yếu của Ban Chỉ huy Đoàn 962 với nhiệm vụ lãnh đạo, điều hành mọi hoạt động của đơn vị từ Cà Mau đến Bà Rịa; vừa là bến tiếp nhận, trạm trung chuyển quan trọng của tuyến vận chuyển chiến lược, vừa làm nhiệm vụ đầu mối cấp phát vũ khí, trang bị cho lực lượng chiến đấu của Quân khu 8 và tỉnh Bến Tre. Quân và dân Bến - Bến Tre đã kiên cường đánh bại các chiến thuật “Trực thăng vận”, “Bủa lưới phóng lao”, bắn rơi hàng chục máy bay, tiêu diệt hàng nghìn tên địch.

Nói về tầm quan trọng của đơn vị A101 Bến - Bến Tre trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đại tá Đỗ Văn Phước - Nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó Đoàn Trưởng về chính trị Đoàn 962 cho biết, địa bàn Bến Tre có vị trí chiến lược quan trọng về chiến trường vì chiến trường Bến Tre gắn liền với chiến trường chính là Đông Nam Bộ và Sài Gòn - Gia Định. Vũ khí miền Bắc chi viện vào Bến Tre không chỉ phục vụ cho chiến trường Quân khu 8 mà chủ yếu là phục vụ cho chiến trường Đông Nam Bộ và Sài Gòn - Gia Định.

Đại tá Đỗ Văn Phước - Nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó Đoàn Trưởng về chính trị Đoàn 962 tham luận tại hội thảo

Đại tá Đỗ Văn Phước - Nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó Đoàn Trưởng về chính trị Đoàn 962 tham luận tại hội thảo

Đại tá Đỗ Văn Phước cho rằng, nói đường Hồ Chí Minh trên Biển là kỳ tích, là huyền thoại của những con tàu không số là chưa hoàn toàn đầy đủ. Vì có tàu phải có bến, trong đó bến có chuẩn bị tàu vào, ra mới an toàn, là niềm tin là chỗ dựa tinh thần, củng cố ý chí, quyết tâm cho thuyền trưởng và thủy thủ mỗi khi vào Bến A101 mà bến ở đây không phải là bến đỗ của các con tàu mà là bến cảng lòng dân. Chính đó mới là nguồn sức mạnh góp phần làm nên đường Hồ Chí Minh trên biển. Chúng ta có quyền tự hào và khẳng định quê hương Bến Tre là nơi mở đường sớm nhất, bắt đầu từ nữ tướng Nguyễn Thị Định. Đây cũng là một trong những nơi có bến cảng lòng dân tốt nhất trong sự tiếp nhận và phát huy hiệu quả sự chi viện của miền Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Các bài tham luận của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh, các nhà khoa học, các đồng chí lãnh đạo Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Quân khu 9, Vùng 2 Hải quân, các địa phương, cơ quan, đơn vị đã lần lượt khẳng định, đường Hồ Chí Minh trên biển là con đường chi viện vũ khí góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Cùng với đó, Bến Tre đã tiên phong mở đường, mở bến đường Hồ Chí Minh trên biển - Bến - Bến Tre là nơi “Bến cảng lòng dân”. Các tham luận cũng đề ra nhiều giải pháp nhằm phát huy giá trị đường Hồ Chí Minh trên biển trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay. Đồng thời, khẳng định chủ trương, tầm nhìn của Bến Tre phát triển kinh tế về hướng Đông là đúng đắn, phù hợp.

Tham quan Di tích Bến A101 trong khuôn khổ Hội thảo

Tham quan Di tích Bến A101 trong khuôn khổ Hội thảo

Lễ dâng hoa, dâng hương tại Khu di tích lịch sử Quốc gia Đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc – Nam

Lễ dâng hoa, dâng hương tại Khu di tích lịch sử Quốc gia Đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc – Nam

Đánh giá tổng kết hội thảo, ông Lê Đức Thọ - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre đã ghi nhận, cảm ơn sự ủng hộ nhiệt tình và tham gia tích cực của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, các tác giả đã góp phần quan trọng cho sự thành công của Hội thảo. Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý, phát hiện mới về con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển để làm rõ những vấn đề mà các đại biểu dự Hội thảo đã đặt ra.

Với 32 bài tham luận, Hội thảo đã làm sáng tỏ và sâu sắc thêm nhiều vấn đề. Qua đó khẳng định những đóng góp to lớn của Bến Tre trong việc mở bến, mở đường đầu tiên cho những chuyến hải trình trên biển. Đồng thời, qua Hội thảo giúp hiểu hơn sự hy sinh, gian khổ của các thế hệ cha anh đi trước. Từ đó kế thừa và phát huy trong xây dựng quê hương Bến Tre theo đúng tinh thần Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy phát triển Bến Tre về hướng Đông nhằm mở ra không gian phát triển mới, tạo động lực đột phá cho phát triển tỉnh Bến Tre đến năm 2030.

Đọc thêm