Tự hào với 10 công trình chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV

(PLVN) - Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 – 2025, là đợt sinh hoạt chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với cán bộ, đảng viên và Nhân dân toàn tỉnh. Để tạo khí thế thi đua sôi nổi chào đón sự kiện trọng đại này, tỉnh Quảng Ninh đã lựa chọn 10 công trình gắn biển chào mừng Đại hội.
Cụm công trình Trung tâm Hành chính tỉnh Quảng Ninh

1. Cụm công trình Trung tâm Hành chính tỉnh

Cụm công trình Trung tâm Hành chính tỉnh gồm 4 dự án chính, gồm: Trụ sở Liên quan cơ quan số 3; Đầu tư xây dựng công trình Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; Nâng cấp cụm công trình Trung tâm Tổ chức hội nghị, trụ sở Liên cơ quan số 2, nhà khách và xây dựng mới hệ thống cầu kính kết nối các trụ sở liên cơ quan với trụ sở UBND tỉnh; Hoàn thiện hạ tầng Trung tâm Hành chính tỉnh.

Cụm dự án được xây dựng với mục tiêu nâng cao hiệu quả và năng lực quản lý nhà nước, đáp ứng tốt điều kiện làm việc cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và tạo tiện lợi trong liên kết, kết nối các sở, ngành của tỉnh, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, phục vụ tốt hơn người dân, tổ chức, doanh nghiệp, nâng cao tính cạnh tranh để thu hút các nhà đầu tư đến với Quảng Ninh.

Cụm công trình Trung tâm Hành chính tỉnh Quảng Ninh 

2.Hệ thống các công trình giao thông kết nối 104 thôn, khu huyện Bình Liêu

Hệ thống các công trình giao thông kết nối tới 104 thôn, bản huyện Bình Liêu là các công trình giao thông được triển khai trên địa bàn các xã Đồng Văn, Hoành Mô, Đồng Tâm, Lục Hồn, Tình Húc, Vô Ngại, Húc Động và thị trấn Bình Liêu với tổng chiều dài hơn 250km. Hệ thống công trình có tổng mức đầu tư khoảng hơn 1,3 nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh và nguồn vốn huy động của Chương trình Nông thôn mới, Đề án 196 (Chương trình 135); được triển khai thực hiện từ năm 2016 và hoàn thành đầu năm 2020.

Đây là công trình có tính nhân văn sâu sắc; khẳng định và phát huy vai trò trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK). Đồng thời, tiếp tục củng cố và tăng cường niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, người dân vùng ĐBKK đối với Đảng và Nhà nước. Hệ thống giao thông kết nối 104 thôn, bản của huyện Bình Liêu cũng thể hiện rõ tính hiệu quả sau đầu tư của tỉnh thông qua Đề án 196 được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

 Công trình giao thông kết nối 104 thôn, khu huyện Bình Liêu

3. Đổi mới công nghệ khai thác cơ giới hóa đồng bộ hạng nhẹ - Công ty than Hạ Long

Công trình đổi mới công nghệ khai thác cơ giới hóa đồng bộ hạng nhẹ tại lò chợ I-11-5 có tổng mức đầu tư 106 tỷ đồng, quy mô gồm 80 bộ giàn chống tự hành, 1 máng cào, 1 máy khấu than. Đây là công trình có bước đột phá về áp dụng khoa học công nghệ trong khai thác than hầm lò lớn nhất từ trước tới nay của Công ty Than Hạ Long với công suất thiết kế 300.000 tấn/năm.

Sau gần 3 tháng thi công lắp đặt, giữa tháng 8/2020, lò chợ cơ giới hóa đồng bộ hạng nhẹ của Công ty Than Hạ Long - TKV đã hoàn thành và đưa vào vận hành chạy thử. Tính đến hết ngày 5/9/2020, tổng sản lượng than khai thác được 12.992 tấn. Sản lượng trung bình 812 tấn/ngày (tăng 2,1 lần so với công nghệ thủy lực đơn). Năng suất lao động trực tiếp trung bình 12,5 tấn/công (tăng 2,9 lần so với công nghệ thủy lực đơn). Việc đưa lò chợ cơ giới hóa đồng bộ hạng nhẹ vào hoạt đông sẽ tiết giảm được 30% nhân công, đảm bảo an toàn hơn trong quá trình khai thác.

 Việc đưa lò chợ cơ giới hóa đồng bộ hạng nhẹ vào hoạt đông sẽ tiết giảm được 30% nhân công, đảm bảo an toàn hơn trong quá trình khai thác

4. Tuyến đường từ Cảng hàng không đến Khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn

Công trình có chiều dài 15km, điểm đầu tiếp giáp với Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, điểm cuối giao với đường vào Khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn. Đường đạt tiêu chuẩn cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80 km/h, tổng mức đầu tư hơn 1,4 nghìn tỷ đồng. Công trình được triển khai từ năm 2017 và hoàn thành trong năm 2020.

Đây là một trong những công trình giao thông có quá trình triển khai thi công gặp nhiều khó khăn, như: Địa hình phức tạp; khối lượng đào đắp đất lớn; công tác giải phóng mặt bằng ảnh hưởng tới nhiều hộ gia đình, tổ chức, cá nhân... Với sự nỗ lực của chủ đầu tư là Sở Giao thông Vận tải, cùng các đơn vị thi công, đặc biệt là sự ủng hộ của người dân, sau 3 năm thi công, tuyến đường đã hoàn thành. Cùng với cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn và cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, tuyến đường từ Cảng hàng không Quảng Ninh đến Khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn được hoàn thành chắc chắn sẽ góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng theo quy hoạch để đáp ứng nhu cầu phát triển của Khu kinh tế Vân Đồn và khu vực. 

 Tuyến đường từ Cảng hàng không Quảng Ninh đến Khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn

5. Giảng đường Trường Đại học Hạ Long giai đoạn II

Công trình Giảng đường trung tâm được khởi công từ ngày 20/12/2018, hoàn thành vào ngày 15/8/2020, vượt tiến độ 4 tháng. Công trình có quy mô 01 tầng hầm, 19 tầng nổi và tum; diện tích xây dựng 1.017m2; tổng diện tích sàn 19.314,4m2. Giảng đường có 57 phòng học lý thuyết; khu không gian văn hóa quốc tế (phục vụ 4 ngành học ngôn ngữ nước ngoài); hội trường thực hành biểu diễn và các phòng khối nghệ thuật; hai tầng thư viện, trung tâm học liệu... Đây là tòa nhà được xây dựng với công năng đa dạng, kiến trúc đẹp, hiện đại, chú trọng đến không gian nghỉ ngơi giữa giờ cho sinh viên, đáp ứng nhu cầu học tập cùng lúc cho khoảng 2.500 - 3.000 sinh viên.

Công trình được hoàn thành, đưa vào sử dụng thể hiện rõ sự quan tâm của tỉnh trong công cuộc đẩy mạnh giáo dục tri thức, phát triển sự nghiệp trồng người nói chung. Đồng thời, tạo tiền đề về cơ sở vật chất hiện đại, đồng bộ cho Trường Đại học Hạ Long, đáp ứng nhu cầu đào tạo khoảng 7.000 sinh viên trong năm 2020, tiến tới ổn định sau năm 2025 là 10.000 sinh viên; đưa Đại học Hạ Long trở thành một hệ thống đào tạo đa cấp, đa ngành, phục vụ nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao phục vụ sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh và khu vực lân cận.

 Giảng đường Trường Đại học Hạ Long

6. Tòa nhà Viettel Quảng Ninh

Tòa nhà Viettel Quảng Ninh được đầu tư xây dựng tháng 7/2017 và hoàn thành vào tháng 6/2020 với kinh phí gần 200 tỷ đồng. Trên diện tích khoảng 2.800m2, tòa nhà được thiết kế gồm 1 tầng hầm và 15 tầng nổi. Đây là công trình có kiến trúc khác biệt, hiện đạt nhất và có mức đầu tư lớn nhất của Tập đoàn Viettel trên cả nước, ứng dụng nhiều công nghệ kỹ thuật thân thiện với môi trường, là công trình thể hiện vị thế của Viettel Quảng Ninh trên địa bàn tỉnh, tạo điểm nhấn cho trung tâm TP Hạ Long.

Tòa nhà Viettel Quảng Ninh được đưa vào khai thác, sử dụng sẽ là hạ tầng quan trọng để Viettel tiếp tục nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, thông tin vào đời sống. Qua đó, góp phần cùng tỉnh Quảng Ninh thực hiện thành công việc xây dựng thành phố thông minh và hướng tới xây dựng chính phủ số, đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh có hạ tầng 4G mạnh nhất toàn quốc, tạo nền tảng triển khai mạng 5G tại Quảng Ninh vào năm 2021.

 Tòa nhà Viettel Quảng Ninh

7.  Đường vào Khu di tích Quốc gia đặc biệt Yên Tử

Với phương châm chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ cùng sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân, chỉ trong 60 ngày vừa GPMB vừa thi công, công trình Đường vào Khu di tích Quốc gia đặc biệt Yên Tử đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, đảm bảo chất lượng và tiến độ theo yêu cầu. Tuyến đường có tổng chiều dài hơn 12 km.

Công trình được chia làm 2 đoạn: Đoạn từ Km0+00 đến Km3+100 có chiều dài 3,1 km, theo tiêu chuẩn đường đô thị, bề rộng 25m với 10m vỉa hè 2 bên, tổng mức đầu tư 172,2 tỷ đồng. Đoạn thứ 2 từ Km7+00 đến Km7+700 do Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư có chiều dài 700m, tổng mức đầu tư 37,98 tỷ đồng. Tuyến đường đã góp phần cải thiện bộ mặt đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

 Đường vào Khu di tích Quốc gia đặc biệt Yên Tử

8. Cung Trúc Lâm Yên Tử

Cung Trúc Lâm (thuộc danh thắng Yến Tử) rộng hơn 6.000m, giai đoạn 1 đầu tư hơn 200 tỷ đồng từ nguồn công đức và xã hội hóa, được xây dựng bằng chất liệu bê tông giả gỗ, kiến trúc theo lối truyền thống dân tộc, lấy cảm hứng từ những kiến trúc cổ còn sót lại của Yên Tử như Tháp Tổ, đặc biệt là bức tường xung quanh Tháp Tổ, với ý nghĩa là cung của Phật hoàng. Giai đoạn 2 của công trình sẽ có thêm một điện thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông, tạo thêm các vườn thiền xung quanh.

Công trình xây dựng với sự tham gia của hàng vạn nhà tu hành, Phật tử, nhân dân cả nước, kiều bào ở nước ngoài…, không chỉ thể hiện sự tri ân đối với công đức của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, mà còn là dịp giới thiệu, quảng bá các giá trị tư tưởng, văn hóa đặc sắc của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Phật giáo Trúc Lâm, Phật giáo Việt Nam nói riêng, hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam nói chung ra thế giới.

Cung Trúc Lâm Yên Tử 

9. Công trình đưa điện lưới quốc gia ra đảo Trần

Đưa điện lưới quốc gia ra đảo Trần là giai đoạn 2 của Dự án cấp điện lưới quốc gia cho đảo Trần (huyện Cô Tô) và đảo Cái Chiên (huyện Hải Hà). Tổng mức đầu tư giai đoạn này gần 400 tỷ đồng. Quy mô dự án bao gồm: xây dựng mới gần 20 km đường dây trung áp 22kV, trong đó có hơn 13,5 km cáp ngầm dưới biển và gần 7 km đường dây trên không; ba trạm biến áp với tổng công suất 460kVA và 3,2 km đường dây hạ áp 0,4kV và 65 công tơ đo đếm điện.

Dự án được triển khai thi công từ tháng 1-2020. Trong số các hạng mục dự án kéo điện lưới ra đảo Trần thì hạ cáp ngầm xuyên biển là khâu quan trọng nhưng lại phức tạp và khó nhất. Tuyến cáp điện kéo ra đảo Trần có chiều dài hơn 13 km. Sau hơn 150 ngày đêm tích cực thi công trong điều kiện gặp không ít khó khăn, dự án đã hoàn thành bảo đảm an toàn, chất lượng, đúng vào dịp kỷ niệm Quốc khánh 2-9, góp phần xây dựng đảo Trần trở thành hòn đảo tiền tiêu, phên giậu vững chắc vùng Đông Bắc của Tổ quốc.

 Công trình đưa điện lưới quốc gia ra đảo Trần

10. Đường nối khu công nghiệp Cái Lân với cao tốc Hạ Long - Vân Đồn

Đường nối KCN Cái Lân với cao tốc Hạ Long - Vân Đồn có tổng chiều dài 11,69km (tuyến chính dài 6,2km; tuyến nhánh dài 5,49km) được khởi công cuối tháng 3/2020. Dự án có tổng mức đầu tư 1.299 tỷ đồng, thời gian thi công dự kiến trong 6 tháng. Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị, rộng từ 25 đến 44,7m, trong đó đoạn đầu tuyến đến hết ranh giới KCN Cái Lân dài gần 800m có nền đường 4 làn xe, rộng 25m; đoạn còn lại thiết kế 8 làn xe, rộng 44,7m bao gồm 4 làn xe cơ giới, 4 làn xe đường gom, vận tốc tối đa 60km/h. Việc hoàn thành tuyến đường sẽ góp phần quan trọng kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị lớn của tỉnh là Hạ Long - Cẩm Phả - Vân Đồn.

 Đường nối khu công nghiệp Cái Lân với cao tốc Hạ Long - Vân Đồn sẽ góp phần quan trọng kết nối các trung tâm kinh tế.

Đọc thêm